Môi năm, Việt Nam có 2.000 trẻ tử vong vì đuối nước, tỷ lệ cao nhất khu vực Đông Nam Á và gấp 10 lần các nước phát triển!
Thằng Tý - gần nhà tôi, mới lớp 6 nhưng rành như ông cụ, nó có thể biết chính xác cả cánh đồng rộng lớn nơi nào nhiều cá nhất, biết cả khúc sông dài ngoằng chỗ nào có hến, vẹm…
Nó nhỏ thó, tóc cháy vàng hoe, làn da đen bóng vì nắng, đôi chân chỉ mặc dép mỗi khi đi học, nó nhanh thoăn thoắt, đầy đủ kỹ năng băng đồng vượt hói xuyên đêm tìm con cá, con ếch bán lấy tiền.
Nó nhiều lần hút chết vì con nước mùa mưa hung dữ, vài lần bị rắn cắn đến nổi sốt rét mặt xanh như tàu lá chuối, nhưng trời thương nó, có lẽ vì gia cảnh quá khó khăn.
Tý bơi rất giỏi, biết đủ các kiểu, và nó luôn đinh ninh một điều, biết bơi thì không bao giờ chết đuối!
Nông thôn Việt Nam có hàng triệu trẻ em như Tý - “lao động hiểm nguy” trở thành thói quen hàng ngày, tự trang bị cho mình kỹ năng ngoài sách vở. Không hiếm những ca đuối nước thương tâm, và người lớn cũng tặc lưỡi, do xui xẻo!
Bởi trẻ tử vong do tai nạn - để tìm một ai đó phải chịu trách nhiệm về mặt hành chính, ở nước ta quả thật không thể! Trong khi có rất nhiều cơ quan tồn tại nhờ vào tiền thuế bằng tôn chỉ “bảo vệ trẻ em”
Tám học sinh ở Hòa Bình tử vong vì đuối nước thật sự quá xót xa, nhưng đó chưa là bao trong trong số 2.000 trẻ đuối nước mỗi năm ở Việt Nam, cao nhất khu vực Đông Nam Á và gấp 10 lần các nước phát triển!
Liên tiếp những tin không mấy tốt lành về trẻ em, từ mối nguy trong trường học, đến mối nguy ngoài xã hội và chính trong gia đình, đã đến lúc phải nhìn nhận lại chúng ta đang bảo vệ trẻ như thế nào.
Đa phần nỗi đau đến từ nông thôn, khu vực mà “kỹ năng sống” như thường chỉ được thấy trên truyền hình, sách báo; nơi có quá ít sân chơi chung dành cho trẻ em, đủ các lý do khó khăn để có một sân chơi như thế.
Chính quyền tỏ ra sốt sắng khi không thể mở ra một khu công nghiệp, và họ thường hồ hởi khi nói về những dự án trăm tỷ, nghìn tỷ sắp xây ở chỗ nọ chổ kia, nhưng tuyệt nhiên chưa thấy ai quy hoạch cho trẻ em nông thôn thứ gì để vui chơi.
Truyền hình thực tế đang nở rộ sân chơi dành cho trẻ em, nhưng nó không mang tính phổ cập, nếu không muốn nói quá xa vời với những đứa trẻ như Tý.
Có thể bạn quan tâm
07:45, 23/03/2019
10:27, 19/07/2016
23:26, 15/04/2016
18:47, 28/02/2019
15:02, 01/06/2018
Sau một vụ đuối nước lại xuất hiện câu hỏi trách nhiệm thuộc về ai? Nhưng cũng không thấy ai trả lời cụ thể, cuối cùng - một giải pháp căn cơ đến nay vẫn chưa thành hình.
Có thể, 2000 trẻ em mỗi năm sẽ không mất đi sinh mạng, nếu như hệ thống tạo dựng hành trang đối diện với tai nạn dưới nước cho trẻ em được thiết lập sớm.
Luật trẻ em năm 2016 đã ban hành, tuyên truyền nâng cao nhận thức, trang bị kỹ năng sống, tạo sân chơi cho trẻ em… là những giải pháp quen thuộc mà bất cứ chuyên gia, nhà quản lý nào cũng có thể dẫn lại mỗi khi có vụ việc đau lòng xảy ra.
Nhưng kết quả đến đâu, làm gì để giảm con số kinh hoàng mỗi năm 2.000 trẻ tử vong, chúng ta hoàn toàn bất lực nếu cứ phó mặc cho gia đình, nhà trường - những đối tượng thường không cụ thể. Đã đến lúc cần ai đó phải chịu trách nhiệm trước mỗi một cái chết uổng oan này.
Hồ bơi trong nhà trường là giải pháp tốt, đầy văn minh, nhưng các dự án này không dễ thực hiện ở nhiều nơi vì mọi thứ không thể tách khỏi đồng tiền và thủ tục hành chính.
Đơn cử, một trường ở Bình Thuận đứng ra vay tiền của công ty xây hồ bơi, sau đó thu 100.000 đồng/học sinh/năm để trả nợ. Đóng tiền để được tắm và tập bơi, với nhiều gia đình khó khăn là một gánh nặng, trẻ em nông thôn có lẽ chọn ao hồ, sông suối thay vì bể bơi nhà trường.
Một trường học ở huyện nghèo thuộc Thanh Hóa xây hồ bơi từ tiền đóng góp của phụ huynh, xây xong đập bỏ vì gây nguy hiểm! Vị hiệu trưởng trường này sau đó bị quy tội không báo cáo với cấp trên, thiếu thủ tục phê duyệt…
Chúng ta sẵn sàng chi hàng chục ngàn tỷ cho đề án giáo dục, vì sao không thấy tính cấp thiết của hồ bơi trong nhà trường như một công trình bắt buộc kèm theo khi xây dựng trường học. Vì sao nó không nằm trong đề án hỗ trợ từ ngân sách?
Bảo vệ trẻ em 365 ngày mỗi năm và 24h mỗi ngày hay chỉ là ngày 1/6 hàng năm? Có cảm giác trẻ em được bảo vệ rất tốt bằng khẩu hiệu, pano, áp phích treo khắp mọi con đường từ thành thị đến nông thôn.
Chưa kể, hàng ngàn trẻ em bị bạo hàng nghiêm trọng, gần 70% thiếu niên nhi đồng có nguy cơ đối mặt bạo lực gia đình. Bao nhiêu trường hợp được đưa ra ánh sáng? Vì thế, sẽ còn rất nhiều số phận bi đát vì dâm ô, vì bạo lực, vì lạm dụng; sẽ còn rất nhiều tâm hồn bị tổn thương phải đối mặt với cuộc đời đầy sóng gió.