Nghệ An chủ động đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tăng cường kết nối cung cầu để giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) tiếp cận, mở rộng thị trường...
Trong đó, đáng chú ý là việc thường xuyên tổ chức cho doanh nghiệp tham gia các hoạt động kết nối tiêu thụ sản phẩm trên các sàn giao dịch thương mại điện tử. Đồng thời, tăng cường các hoạt động kinh tế đối ngoại nhằm đa dạng hóa thị trường và các mặt hàng xuất khẩu, hỗ trợ tối đa doanh nghiệp khai thác có hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do để mở rộng thị trường xuất khẩu.
“Lực đẩy” từ thương mại điện tử
Trong thời đại công nghệ số hiện nay, thương mại điện tử là một trong những giải pháp tối ưu để doanh nghiệp tiếp cận thị trường, là chìa khóa để sản vật địa phương vươn ra toàn cầu. Chuyển đổi số trong xúc tiến thương mại giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí và tăng số lượng tiếp cận thị trường tiềm năng.
Nắm bắt xu thế đó, nhiều doanh nghiệp Nghệ An đã đề ra chiến lược kinh doanh hiệu quả, khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh và tăng cường kết nối tiêu thụ sản phẩm thông qua các trang mạng xã hội, website và phương tiện thông tin đại chúng.
Trao đổi với DĐDN, bà Trần Thị Thu Hằng – Giám đốc Công ty TNHH Mami Farm cho hay: Trước đây, công ty chưa chú trọng quảng bá, marketting sản phẩm, dẫn đến mức tiêu thụ không cao. Tuy nhiên, trong xu thế hội nhập phát triển, bên cạnh việc nâng cao chất lượng và đa dạng các loại sản phẩm, chúng tôi đã chú trọng hơn trong việc giới thiệu, quảng bá hình ảnh, chất lượng, giá trị thương hiệu sản phẩm thông qua các hình thức livestream, mở rộng kênh phân phối, cộng tác viên qua các trang mạng xã hội, sàn thương mại điện tử.
“Nhờ vậy, các sản phẩm của Mami Farm được người tiêu dùng trong và ngoài nước biết đến nhiều hơn, doanh thu cũng từ đó cao hơn trước. Hình thức kinh doanh này không giới hạn về thời gian và không gian, giúp chúng tôi tiếp cận, tương tác với khách hàng toàn cầu, đồng thời quản lý hoạt động kinh doanh hiệu quả hơn” – vị CEO này nói thêm.
Thực tế ở Nghệ An, những năm trước đây, các sản phẩm địa phương chỉ dừng lại ở mức độ tiêu thụ trong tỉnh. Tuy nhiên, kể từ khi tham gia xúc tiến thương mại, đặc biệt là bán hàng trực tuyến, nhiều sản phẩm đã vươn xa cả nước và thậm chí ra nước ngoài, gia tăng đáng kể doanh thu cho các cơ sở sản xuất.
Ông Phạm Văn Hóa – Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Nghệ An thông tin: Hướng tới xu thế hiện đại, văn minh trong buôn bán, kinh doanh, thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp trong mọi khâu kết nối, tiêu thụ sản phẩm với các sàn thương mại điện tử lớn. Nhất là phát huy vai trò cầu nối với Cục Thương mại điện tử, Kinh tế số thuộc Bộ Công Thương và các sàn thương mại điện tử lớn trong nước, nhằm kết nối giao thương, góp phần quảng bá, tiêu thụ các sản phẩm của Nghệ An tốt hơn nữa.
“Điểm nhấn” về đối ngoại
Bên cạnh việc tiếp cận thị trường, tiêu thụ sản phẩm bằng hình thức kinh doanh trên sàn thương mại điện tử, thời gian qua, tỉnh Nghệ An còn đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, duy trì và tăng cường các hoạt động kinh tế đối ngoại nhằm đa dạng hóa thị trường và các mặt hàng xuất khẩu. Đồng thời, hỗ trợ các doanh nghiệp SME trên địa bàn tỉnh khai thác có hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do để mở rộng thị trường xuất khẩu.
Đơn cử như mới đây, Đoàn công tác tỉnh Nghệ An do ông Lê Hồng Vinh – Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh dẫn đầu đã tham gia cùng Đoàn giao dịch thương mại, tìm hiểu thị trường Philippines trong chuyến công tác 4 ngày, từ ngày 3 – 7/11/2024.
Tại đây, Đoàn đã có các cuộc làm việc với các đơn vị quản lý Nhà nước của Bộ Nông nghiệp, Cục Cây trồng, Bộ Thương mại, NFA,… của Philippines. Đồng thời, gặp gỡ và làm việc với các doanh nghiệp lớn của nước bạn, tham dự Hội thảo giao thương giữa các nhà xuất khẩu Việt Nam và các nhà nhập khẩu gạo lớn của Philippines do Hiệp hội Lương thực Việt Nam chủ trì tổ chức.
Ông Nguyễn Quốc Hưng – đại diện Công ty CP Vilaconic, một trong những doanh nghiệp tham gia cùng Đoàn công tác cho biết: “Chuyến công tác đợt này không chỉ giúp doanh nghiệp giữ mối quan hệ bền vững với khách hàng cũ, mà còn mở rộng thêm nhiều cơ hội hợp tác làm ăn với các đối tác mới ở Philippines. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục mở rộng thị trường, đưa các mặt hàng gạo chất lượng cao, sản phẩm nông sản khác cùng nhiều hàng hóa công nghiệp… thâm nhập sâu vào thị trường Philippines”.
Hay như trước đó, vào cuối tháng 10/2024, Sở Ngoại vụ tỉnh Nghệ An đã chủ trì cuộc làm việc với Hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Hungary và Hội đồng hương Nghệ Tĩnh tại Hungary. Tại đây, 2 bên đã trao đổi, cung cấp thông tin những vấn đề quan tâm liên quan đến tình hình thương mại, xuất nhập khẩu, hợp tác đầu tư. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp Nghệ An cũng giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP, sản phẩm trà sen, nhôm định hình và phụ kiện lắp ghép,…
Được biết, nhằm đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, tăng cường kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thị trường, tiêu thụ sản phẩm, mới đây, ông Lê Hồng Vinh – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cũng đã ký, ban hành văn bản số 8588/UBND-KT về việc tăng cường xúc tiến thương mại và phát triển xuất nhập khẩu trên địa bàn.
Theo đó, UBND tỉnh giao Sở Công Thương tổ chức thực hiện quy hoạch, kế hoạch, các cơ chế, chính sách xúc tiến thương mại, khuyến khích mở rộng mạng lưới kinh doanh, phát triển các tổ chức liên kết lưu thông hàng hóa, hình thành các kênh lưu thông hàng hóa ổn định từ sản xuất đến tiêu dùng.
Đồng thời, thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp hỗ trợ kết nối cung cầu hàng hóa; thường xuyên tổ chức cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tham gia các hội chợ triển lãm, các hoạt động kết nối tiêu thụ sản phẩm trên các sàn giao dịch thương mại điện tử, hỗ trợ đưa sản phẩm vào hệ thống các siêu thị...