Với định hướng sáng suốt, tỉnh Bạc Liêu đang dần khẳng định là lá cờ đầu trong lĩnh vực thu hút đầu tư toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
>>Tập đoàn VNPT trao tặng tỉnh Bạc Liêu 2.000 máy tính bảng và sim 4G
Trong "hành trình" tạo dựng vị thế đó, Bạc Liêu vẫn luôn nỗ lực đi tìm lời giải cho những "khúc mắc" đang vướng phải, vì một mục tiêu quan trọng chính là trở thành "người bạn" đồng hành cùng các nhà đầu tư trong cũng như ngoài nước ở mọi giai đoạn phát triển.
Như Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều từng nhận định, mọi nỗ lực thời gian qua của tỉnh được xem là điểm sáng trong thu hút đầu tư tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng và của cả nước nói chung và đã đạt được những kết quả rất đáng phấn khởi.
Với phương châm phát triển KT-XH theo hướng bền vững, bảo vệ môi trường, Bạc Liêu chú trọng thu hút đầu tư trong các lĩnh vực năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, công nghệ cao… thu hút các nhà đầu tư lớn có tiềm lực, uy tín sẵn sàng đầu tư vào tỉnh. Chính thành công của Bạc Liêu hôm nay được xây dựng từ sự quyết tâm của toàn đảng, chính quyền, nhân dân và doanh nghiệp.
Đặc biệt là tỉnh đã triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp trong công tác thu hút, mời gọi đầu tư, thực hiện thành công nhiều chính sách quan trọng trong công tác CCHC, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh theo hướng minh bạch và thông thoáng, góp phần nâng cao chỉ số PCI của tỉnh.
Được biết, trong năm 2022, tỉnh đã thực hiện đồng bộ, linh hoạt, hiệu quả “mục tiêu kép” vừa quyết liệt phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe nhân dân, vừa phục hồi phát triển KT-XH. Cụ thể, ngành nông nghiệp tiếp tục là trụ đỡ quan trọng cho phát triển kinh tế; sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản đạt kết quả tích cực, với tổng sản lượng nuôi trồng và khai thác ước 460.960 tấn (trong đó: Tôm 234.730 tấn, cá và thủy sản khác 226.230 tấn), đạt 100,03% kế hoạch, tăng 14,55% so cùng kỳ.
Năm 2022, tổng vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện của Bạc Liêu đạt trên 35 nghìn tỷ đồng, đạt 100,23% kế hoạch, tăng 13,15% so cùng kỳ.
Sản xuất ngành Công Thương nghiệp cũng đã phát triển ổn định, các doanh nghiệp dần phục hồi SXKD, từng bước đáp ứng nhu cầu của người dân. Công tác xây dựng cơ bản được quan tâm, chỉ đạo tập trung triển khai thực hiện quyết liệt nhằm thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, góp phần phục hồi và tăng trưởng kinh tế sau ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19. Tính đến ngày 30/11/2022 giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 đạt 1.940.642/3.341.089 triệu đồng, đạt tỷ lệ 58,08%; ước đến cuối năm 2022, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt 95%.
"Công tác xây dựng NTM luôn được quan tâm đẩy mạnh thực hiện nâng cao chất lượng các tiêu chí xã NTM và triển khai thực hiện các tiêu chí xã NTM nâng cao. Trong năm 2022, có 07 xã được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; lũy kế đến nay có 15 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 03 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Huyện Phước Long và thành phố Bạc Liêu đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; huyện Vĩnh Lợi và thị xã Giá Rai đang tiếp tục hoàn thiện hồ sơ, các tiêu chí theo quy định mới của đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Đến nay đã có 108 sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP (85 sản phẩm đạt 3 sao và 23 sản phẩm đạt 4 sao). Hiện tỉnh đang tiếp tục hỗ trợ các chủ thể hoàn chỉnh hồ sơ tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP; lựa chọn các sản phẩm OCOP đã được công nhận để hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu, xây dựng và phát triển thương hiệu" - Ông Huỳnh Chí Nguyện, Giám đốc Sở KHĐT tỉnh Bạc Liêu chia sẻ thêm.
“Tỉnh luôn thực hiện phương châm "đúng đối tượng, đủ chính sách và nhanh thủ tục". Khi doanh nghiệp, nhà đầu tư đầu tư vào tỉnh Bạc Liêu sẽ được hưởng những chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư có lợi nhất cho nhà đầu tư. Ngoài cơ chế chính sách ưu đãi thu hút đầu tư, trong giải quyết TTHC doanh nghiệp, nhà đầu tư sẽ được chính quyền địa phương hỗ trợ thực hiện trong thời gian nhanh nhất”, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều từng nhấn mạnh.
Không chỉ vậy, để khai thác tối đa tiềm năng đang có, Bạc Liêu luôn đề cao trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ được giao. Bên cạnh đó, tập trung quyết liệt vào các chỉ tiêu còn thấp như: Kim ngạch xuất khẩu, GRDP bình quân đầu người; số xã đạt chuẩn NTM nâng cao, … nhằm đạt 100% chỉ tiêu đã đề ra trong năm 2022. Đồng thời, đẩy mạnh triển khai thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW về phương hướng phát triển KT-XH và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng NTM; thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 03-NQ/TU về xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025. Tiếp tục xây dựng các sản phẩm OCOP và quan tâm tìm đầu ra cho các sản phẩm đã được công nhận. Đồng thời, đồng hành cùng doanh nghiệp trong việc xây dựng và đề xuất công nhận nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm. Bên cạnh đó, sớm khởi công một số dự án trọng điểm của tỉnh và quan tâm, hỗ trợ khi Trung ương triển khai thực hiện dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh, nhất là công tác giải phóng mặt bằng....
Bạc Liêu là một trong những tỉnh của vùng triển khai có hiệu quả các chính sách ưu đãi đầu tư, thu hút doanh nghiệp trên địa bàn như ưu đãi về thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp; miễn, giảm tiền sử dụng đất, thuê đất, thuê mặt nước… Tỉnh luôn hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp, doanh nhân phát huy tự chủ, sáng tạo và linh hoạt, tranh thủ nắm bắt thời cơ chiếm lĩnh thị trường trên tất cả các lĩnh vực. "Đó là những tiền đề vững chắc để tỉnh nhà tiếp tục những đà tăng trưởng mới. Bạc Liêu cam kết sẽ luôn đồng hành, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất về TTHC, đất đai, giải phóng mặt bằng, cung cấp các dịch vụ tiện ích, thuận lợi, bình đẳng để các nhà đầu tư nghiên cứu, đầu tư thành công, bền vững lâu dài" - Ông Huỳnh Chí Nguyện nói.
Có thể bạn quan tâm