Số liệu báo cáo còn chênh lệch lớn về số thu và chi ngân sách

NGUYỄN VIỆT 07/06/2024 10:26

Số liệu báo cáo dự toán ngân sách nhà nước năm 2022 đã báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5 và báo cáo quyết toán ngân sách năm 2022 của Chính Phủ còn có sự chênh lệch lớn cả về số thu và chi ngân sách.

>>Đánh giá kỹ lưỡng công tác lập dự toán chi

Đại biểu Quốc hội Đỗ Thị Lan (Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh) nhấn  mạnh tại phiên thảo luận về "Phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2022", ngày 7/6.

Đại biểu Quốc hội Đỗ Thị Lan (Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh).

Đại biểu Quốc hội Đỗ Thị Lan (Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh).

Đại biểu Đỗ Thị Lan đánh giá cao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quan tâm chỉ đạo, có nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt để thực hiện dự toán ngân sách nhà nước. 

Trong đó, thu ngân sách năm 2022 vượt dự toán 28,8%, thu từ các khu vực doanh nghiệp nhà nước, FDI, kinh tế ngoài quốc doanh đều đạt và vượt dự toán, cân đối ngân sách chi thực hiện mục tiêu phục hồi phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, giảm nợ công và bội chi ngân sách…

Bên cạnh kết quả đạt được, đại biểu Đỗ Thị Lan cho rằng vẫn còn một số hạn chế cần quan tâm khắc phục. Trong đó, số liệu báo cáo của Chính phủ và bộ, ngành liên quan thực hiện vốn ngân sách nhà nước còn một số bất cập.

Số liệu báo cáo dự toán ngân sách nhà nước năm 2022 đã báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5 và báo cáo quyết toán ngân sách năm 2022 của Chính Phủ còn có sự chênh lệch lớn cả về số thu và chi ngân sách; đặc biệt số quyết toán chi ngân sách nhà nước giảm 407.317 tỷ, số bội chi ngân sách nhà nước giảm 49.317 tỷ.

“Như vậy giảm nhiều so với dự toán, điều này ảnh hưởng đến việc đánh giá kết quả thực hiện dự toán ngân sách nhà nước, cân đối ngân sách thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, lập dự toán ngân sách Nhà nước các năm sau”, đại biểu Đỗ Thị Lan nói.

Do đó, đại biểu Đỗ Thị Lan đề nghị Chính phủ quan tâm chỉ đạo nâng cao chất lượng công tác dự báo tình hình, thống kê tổng hợp đánh giá của cơ quan đầu mối chịu trách nhiệm xây dựng báo cáo về ngân sách nhà nước và các cơ quan đơn vị liên quan hướng đến số liệu báo cáo đánh giá kết quả thực hiện ngân sách nhà nước thực chất hơn.

>>Việt Nam cần làm gì để vượt Thái Lan thu hút khách du lịch?

>>Không để du lịch đêm bị lãng quên 

đại biểu Phạm Thị Thanh Mai (Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội).

Đại biểu Quốc hội Phạm Thị Thanh Mai (Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội).

Còn theo đại biểu Phạm Thị Thanh Mai (Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội), các số liệu chưa trùng khớp nhau, đặc biệt là về nợ xây dựng cơ bản. “Nội dung này tôi đã nêu tại Kỳ họp thứ 5 năm 2023 về quyết toán NSNN năm 2021. Do đó, đề nghị cần đánh giá thực trạng một cách toàn diện, đầy đủ nhất về “bức tranh” nợ xây dựng cơ bản”, theo đại biểu Phạm Thị Thanh Mai nói.

Qua theo dõi, đại biểu Phạm Thị Thanh Mai nhận thấy mặc dù có cố gắng nhưng hiện nay số nợ xây dựng cơ bản chưa có xu hướng giảm mà còn xuất hiện thêm nợ mới. “Chúng ta không chỉ tồn tại nợ xây dựng cơ bản từ ngày 1/1/2015 trở về trước mà theo Luật Đầu tư đã nghiêm cấm vì đây là hành vi vi phạm.

Trong các Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ cũng như Nghị quyết của Quốc hội, đặc biệt là Nghị quyết 91 năm 2023 về phê chuẩn quyết toán NSNN yêu cầu Chính phủ rà soát kỹ lưỡng, đảm bảo đánh giá đầy đủ, toàn diện, đúng thực trạng về tình hình nợ xây dựng cơ bản”. 

Đại biểu Phạm Thị Thanh Mai nhận thấy, riêng năm 2022 theo báo cáo của Kiểm toán Nhà nước quyết toán đã phát hiện thêm hơn 4.000 tỉ nợ xây dựng cơ bản. Qua phần trả lời trao đổi với đại biểu, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã nêu rõ, sẽ có đánh giá và kiên quyết thực hiện theo đúng quy định của Luật Đầu tư công.

“Nếu chúng ta không rốt ráo vấn đề này thì sẽ tiếp tục phát sinh nợ mới. Do đó, cần hạn chế ảnh hưởng tối đa đến các doanh nghiệp sử dụng vốn đầu tư công một cách chân chính và trao gửi niềm tin thực hiện các dự án đầu tư công, vay vốn ngân hàng, sau đó phải kịp thời thanh toán khi có khối lượng hoàn thành”, Đại biểu Phạm Thị Thanh Mai bày tỏ.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc

Phát biểu giải trình, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết về số liệu thực hiện ngân sách năm 2022 so với số liệu quyết toán, tại Kỳ họp tháng 10 năm 2022, Bộ Tài chính đã có báo cáo tình hình thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2022, dự báo việc thực hiện dự toán ngân sách của năm 2022, trong đó số liệu có chênh lệch so với báo cáo quyết toán. Khi dự báo, trong tình hình thực hiện dự toán ngân sách, Bộ căn cứ vào số thực hiện tại thời điểm báo cáo.

“Bộ Tài chính có thể lấy số liệu đó một cách chính xác trong vòng chậm nhất một giờ, tuy nhiên phần dự báo liên quan đến nhiều vấn đề phát sinh vào dịp cuối năm, nên số liệu có sự chênh lệch”, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nói.

Về số chuyển nguồn lớn, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết chuyển nguồn ngân sách từ 2022 sang 2023, trong đó có phần thực hiện cải cách tiền lương chiếm 37,7%, chi đầu tư phát triển chiếm 27,3%, tăng thu tiết kiệm chi chiếm 25%, các khoản chi dự toán được cấp có thẩm quyền bổ sung sau ngày 30/9 chiếm 1,8%, kinh phí giao tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp, các cơ quan nhà nước chiếm 0,87%.

Như vậy, chi chuyển nguồn cao chủ yếu do các nguồn lực được chuyển theo quy định pháp luật, đặc biệt là nguồn tích lũy qua các năm để thực hiện cải cách tiền lương đóng vai trò lớn. Bên cạnh đó, những nhiệm vụ đã được ký hợp đồng và được thực hiện trong năm nhưng chưa được thanh toán thì được chuyển nguồn sang năm sau theo quy định của pháp luật.

“Đối với vấn đề chuyển nguồn, Bộ Tài chính, các bộ, ngành, địa phương cần cố gắng thực hiện thanh toán ngay trong năm để số chuyển nguồn giảm đi”, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nói.

Có thể bạn quan tâm

  • Không để du lịch đêm bị lãng quên 

    17:04, 05/06/2024

  • ĐBQH băn khoăn 300 tỉ đồng phục hồi du lịch nhưng lại gửi ngân hàng

    16:18, 05/06/2024

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Số liệu báo cáo còn chênh lệch lớn về số thu và chi ngân sách
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO