Adidas đang xem xét các lựa chọn chiến lược, có thể sẽ chia tay Reebok sau 15 năm mua lại.
Reebok từng được coi là một thương hiệu lâu đời và sáng giá nhất trong giới sản xuất đồ thể thao của nước Mỹ. Được thành lập năm 1895, khi đó là một nhánh con của công ty mẹ J.W.Foster & Sons ở Anh. Năm 1958, công ty được đổi tên thành Reebok, theo phiên âm của từ Rhebok, tên một loài linh dương Châu Phi.
Reebok đã từng chiếm đến 26% thị phần sản phẩm thể thao của nước Mỹ trong những năm 1980. Thương hiệu giày Reebok huyền thoại với logo Delta đã từng là niềm yêu thích đối với dân chơi thể thao hay đặc biệt là những người có niềm đam mê giày thể thao. Cũng giống như biểu tượng “Swoosh” của Nike hay “ba sọc” của Adidas, biểu tượng Delta này đã đem đến cho cái tên Reebok không ít sự thành công.
Tuy nhiên, những ngày tháng huy hoàng của Reebok có lẽ chỉ còn trong quá khứ khi mà ngày nay, chẳng mấy ai còn nhớ tên. Họ trở nên nhỏ bé nếu xếp cạnh Nike, Adidas kèm theo sự trỗi dậy của các thương hiệu mới như Sketchers, Under Armour…
Adidas đã mua lại Reebok – công ty có trụ sở tại Boston với giá 3,8 tỷ USD vào năm 2005, cùng tham vọng mở rộng thị phần ở khu vực Bắc Mỹ, cạnh tranh trực tiếp với Nike. Nhưng có thể nói đây chính là một thương vụ sai lầm của gã khổng lồ đến từ Đức khi Reebok tiếp tục rơi vào tình trạng kinh doanh thua lỗ, kéo theo sự đi xuống cả bộ máy Adidas. Và tất nhiên, các nhà đầu tư của Adidas đang liên tục kêu gọi từ bỏ thương hiệu này.
Và điều gì đến cũng sẽ đến, Adidas đang cân nhắc các giải pháp thay thế chiến lược mà họ đang hướng tới bao gồm cả việc bán thương hiệu Reebok tiềm năng để xoay chuyển tình thế khó khăn.
Theo nhà sản xuất đồ thể thao của Đức, quyết định sẽ được công bố vào ngày 10 tháng 3 tới, khi công ty chính thức trình bày chiến lược mới của mình.
Michael Faherty, giám đốc danh mục đầu tư tại Adidas và nhà đầu tư Seilern Investment Management của Nike, cho biết đây có thể là một mục tiêu hấp dẫn đối với một công ty cổ phần tư nhân hoặc một số nhà bán lẻ thể thao nhỏ hơn khác, giống như cái cách Adidas đã làm để thâm nhập thị trường Hoa Kỳ.
Colin Wong, giám đốc danh mục đầu tư tại Mawer Investment Management, cổ đông của Nike cho rằng, vẫn còn một số lựa chọn tiềm năng cho Adidas bao gồm chuyển Reebok thành một công ty đại chúng độc lập hoặc bán thương hiệu cho cổ phần tư nhân, một nhà bán lẻ thể thao lớn khác hoặc một công ty đa thương hiệu như VF Corp.
Doanh thu thuần của Reebok giảm 7% trong quý 3 năm 2020 xuống 403 triệu euro (489,40 triệu USD), sau khi đã giảm tới 44% trong quý trước. Vào năm 2019, Adidas đã giảm giá trị sổ sách của Reebok xuống gần một nửa so với năm 2018, xuống còn 842 triệu euro.
Jessica Ramirez, nhà phân tích bán lẻ tại Jane Hali & Associates, cho biết những hợp tác gần đây với những người nổi tiếng như Cardi B và tập trung mới vào quần áo phụ nữ đã đưa thương hiệu này có vị thế tốt hơn: “Reebok sẽ không phải là gánh nặng cho bất cứ ai nếu mua lại”.
Có thể bạn quan tâm
Hà Nội: Thu giữ 1.547 sản phẩm giả nhãn hiệu adidas và Manchester Uniter Limiter
16:14, 27/05/2020
Chỉ giảm một thao tác trong qui trình mua hàng, doanh số của Adidas tăng vọt
11:51, 26/02/2020
“Chiến dịch bất tử” của Adidas
07:22, 18/02/2019
Đôi giầy Adidas và sự lãng phí cơ hội
18:30, 20/05/2018
Herbert Hainer - CEO hoàn hảo của Adidas?
17:24, 04/02/2017
Adidas trở lại đường đua
07:40, 18/12/2016