Social video sẽ là một xu hướng nổi bật của năm 2018. Các nhãn hàng chắc chắn sẽ tận dụng xu hướng này để tương tác nhiều hơn với khách hàng.
Năm 2017, marketing chứng kiến sự lên ngôi của social video. Nhưng câu hỏi được đặt ra là trong một khoảng thời gian nên tập trung nguồn lực sản xuất một viral video (video có khả năng lan truyền) hay xé lẻ chi phí để liên tục “tấn công” thị trường?
“Social Video sẽ trở thành xu hướng marketing nổi bật nhất 2018” – đó là nhận định của ông Jo Schmaltz (Phó chủ tịch Global Content Partnerships Wochit) trong cuộc gặp gỡ các chuyên gia về marketing hồi cuối năm 2017. Ông cũng đã minh chứng cho luận điểm của mình bằng những số liệu đáng chú ý như: “Một người trưởng thành dành trung bình khoảng 1 giờ để xem video” (eMaketer), hay “5 năm tới, Facbook không có gì ngoài video” (Nicola Mendelsohn - Phó chủ tịch phụ trách khu vực châu Âu, Trung Đông và châu Phi của Facebook).
Quảng cáo bằng video cho phép các công ty xây dựng câu chuyện cho mình theo những cách thực sự sáng tạo và độc đáo. Nhưng các chuyên gia khuyên rằng, để có một video tốt thì không nên suy nghĩ tiếp cận vấn đề từ cách của người marketing, mà phải nhìn vấn đề ở hướng những người xem.
Quan trọng hơn hết, video phải có điểm nhấn trong khoảng 3 - 4 giây đầu tiên để thu hút được sự chú ý của người xem. Video cần có tính phổ quát, khả năng chia sẻ, góc nhìn độc đáo, duy nhất và tập trung đến một nhóm đối tượng, một nhóm cộng đồng mà thương hiệu muốn nhắm đến.
Cho dù mục đích là lan truyền về thương hiệu, công bố sản phẩm mới hay bắt đầu xây dựng hình ảnh, video cần khơi gợi lên cảm xúc cho khách hàng. Những phản ứng, dù ngỡ ngàng, vui sướng hay giận dữ… đều có thể khiến người xem nhấn nút like, share.
Social video không đơn thuần là một TVC (tạm dịch: quảng cáo truyền hình) mang tính thương mại, mà có thể xoay quanh những câu chuyện đời thường liên quan đến nhãn hàng. Ví như các video của nước giải khát, nhãn hàng có thể khai thác chủ đề về thể thao, gia đình... để điều mà sản phẩm mang lại không chỉ là đáp ứng một nhu cầu của người tiêu dùng mà còn là một phong cách sống.
Social video dù không có tác dụng về mặt doanh thu ngay lập tức, nhưng nó lại có hiệu quả trong việc tăng cường sự hiểu biết của người tiêu dùng về thương hiệu. Chính vì thế, thay vì sản xuất một viral video mỗi năm thì các thương hiệu nên thay đổi chiến lược, càng nhiều social video càng tốt, chuyên gia Jo Schmaltz khuyến khích.
Viral video từng xuất hiện như làn gió mới mang tới một xu hướng quảng cáo khác biệt: “Quảng cáo như không quảng cáo” với những ưu thế vượt trội về lợi ích kinh tế và hiệu quả marketing online đáng kinh ngạc. Nhưng thực tế, viral video chỉ có thể tăng mức độ kết nối với khách hàng ở một thời điểm nào đó. Mà trong cuộc chiến marketing, chỉ cần một sự gián đoạn cũng đủ để người tiêu dùng để ý đến sản phẩm của đối thủ.
Chính vì vậy, việc làm nhiều video trong thời gian ngắn giúp liên tục thúc đẩy sự tương tác trên mạng xã hội giữa người tiêu dùng và nhãn hàng. Tên thương hiệu sẽ in sâu vào trí nhớ của khách hàng chứ không phải nằm trong bộ nhớ tạm.
Minh chứng cho nhận định này, Nowthis đã cho xuất bản ồ ạt gần 6.000 video một tháng, đó là cách vượt mặt những cái tên kỳ cựu của giới truyền thông như ABC News, BBC News trong cuộc chiến nhận diện thương hiệu trên facebook. Bài toán được đặt ra, làm thế nào để có thể tạo ra số lượng lớn video có chất lượng cao với chi phí thấp? Chuyên gia nói rằng, các công ty kỹ thuật số đang tạo ra nhiều nền tảng để việc sản xuất video trở nên dễ dàng và rẻ hơn bao giờ hết. Do vậy, tương lai, social video sẽ tăng trưởng mạnh mẽ.
Theo eMarketer, người Mỹ dành hơn 73 phút mỗi ngày để xem video kỹ thuật số, tăng hơn 7% so với năm 2016. Mặt khác, người dùng đã giảm 2% xem TV và dự kiến xu hướng này sẽ tiếp tục giảm.Trên thực tế, sự thay đổi thuật toán của những “ông trùm” mạng xã hội như Facbook, Intstagram quả thực đã khiến các video xuất hiện dày đặc hơn. Đó là cơ hội mà các thương hiệu cần phải bắt lấy và thực hiện ngay.