Theo chuyên gia, việc sớm ban hành danh mục phân loại xanh là yêu cầu cấp thiết để khơi thông dòng vốn tín dụng xanh, thúc đẩy các hoạt động kinh tế thân thiện với môi trường.
Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, dư nợ tín dụng xanh đã đạt gần 680 nghìn tỷ đồng cuối năm 2024 nhưng chỉ chiếm khoảng 4,5% tổng dư nợ toàn hệ thống, chủ yếu do thiếu tiêu chí thống nhất xác định dự án xanh. Các ngân hàng phải tự xây dựng tiêu chí nội bộ, gây thiếu đồng bộ và gia tăng rủi ro thẩm định.
Không chỉ ngân hàng, bản thân các doanh nghiệp cũng “lúng túng” trong việc chứng minh tính xanh của dự án khi tiếp cận nguồn vốn ưu đãi. Khảo sát của Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân (Ban IV) cho thấy, có tới 64% doanh nghiệp cho biết họ chưa thực hiện bất kỳ hành động chuyển đổi xanh nào, một phần do thiếu thông tin và hướng dẫn cụ thể. Đáng chú ý, nhiều doanh nghiệp dù đã đầu tư vào sản xuất sạch, mô hình tuần hoàn hay năng lượng tái tạo, vẫn không thể tiếp cận được tín dụng xanh vì thiếu căn cứ xác nhận dự án thuộc diện xanh.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Lê Quang Thắng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Việt Long chia sẻ, doanh nghiệp này xây dựng nhà máy xử lý chất thải, sản xuất nông nghiệp sạch từ năm 2012, nhưng suốt hơn 10 năm vẫn không thể tiếp cận được tín dụng xanh vì không có tiêu chí xanh cụ thể cho ngành nghề của mình.
“Vì thế, cần có quy định cụ thể về các dự án xanh cho từng ngành từng lĩnh vực”, đại diện Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Việt Long đề xuất.
Đồng quan điểm, nhiều ý kiến cho rằng, phát triển xanh là nhu cầu tất yếu, ngân hàng và doanh nghiệp phải gặp được nhau. Trong bối cảnh đó, nhu cầu ban hành sớm danh mục phân loại xanh càng trở nên cấp thiết để ngân hàng có căn cứ thẩm định, cho vay các dự án xanh.
Nhấn mạnh về sự cần thiết ban hành danh mục phân loại xanh, TS Lại Văn Mạnh, Viện Chiến lược, Chính sách nông nghiệp và môi trường nhận định, danh mục này không chỉ là công cụ xác định các hoạt động kinh tế thân thiện môi trường, mà còn giúp nhà đầu tư, tổ chức phát hành, tổ chức tín dụng và cơ quan quản lý tiết kiệm thời gian, chi phí khi tham gia thị trường tài chính xanh.
“Khi có một hệ thống danh mục phân loại xanh đầy đủ, minh bạch sẽ giúp các bên liên quan dễ dàng đưa ra quyết định phù hợp, từ đó góp phần thúc đẩy các hoạt động kinh tế bền vững”, ông Mạnh nhận định.
Thực tế cho thấy, khái niệm danh mục phân loại xanh còn khá mới mẻ, không chỉ ở Việt Nam mà cả trên bình diện quốc tế. Hiện có hơn 35 bộ danh mục phân loại xanh đang được triển khai hoặc hoàn thiện trên toàn thế giới. Tùy theo điều kiện pháp lý, thể chế và mục tiêu phát triển bền vững, mỗi quốc gia sẽ có cấu trúc và cách tiếp cận khác nhau, nhưng phổ biến nhất là ba hướng: nguyên tắc “danh sách trắng”, tiêu chí sàng lọc kỹ thuật và tiếp cận dựa trên các nguyên tắc.
Dựa trên kinh nghiệm quốc tế, ông Lại Văn Minh đề xuất, danh mục phân loại xanh của nước ta cần được gom lại thành các nhóm chính, đảm bảo phù hợp với tiêu chí quốc tế. Bên cạnh đó, để thuận tiện cho việc quản lý và áp dụng thực tiễn, các dự án thuộc danh mục phân loại xanh cần căn cứ vào hệ thống phân ngành kinh tế của Việt Nam. Trong giai đoạn đầu, nên ưu tiên các nhóm ngành như năng lượng; giao thông vận tải; xây dựng; tài nguyên nước; nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản; bảo tồn đa dạng sinh học; chế biến, chế tạo và dịch vụ môi trường.
Để được cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh, các dự án phải đáp ứng các mục tiêu bảo vệ môi trường. Theo ông Mạnh, việc xác nhận dự án thuộc danh mục phân loại xanh có thể linh hoạt theo nhiều hình thức, bao gồm tự xác nhận hoặc thông qua đơn vị tư vấn đủ năng lực.
“Đặc biệt, việc áp dụng các chuẩn quốc tế trong phân loại dự án xanh sẽ giúp Việt Nam nâng cao tính minh bạch, tạo niềm tin với nhà đầu tư quốc tế, từ đó thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài vào các lĩnh vực xanh, góp phần thúc đẩy phát triển công nghệ và kinh tế xanh trong nước”, chuyên gia này nhấn mạnh.