Thị trường thanh toán phi tiền mặt ở Việt Nam rất tiềm năng, nhưng khung khổ pháp lý còn nhiều bất cập.
Sau sáu năm thực hiện về quy định thanh toán không dùng tiền mặt, hiện trên thị trường cho thấy hiệu quả từ giao dịch thanh toán điện tử là khá tốt.Tuy nhiên, thanh toán không dùng tiền mặt còn thiếu đồng bộ giữa các trung gian thanh toán và các đơn vị cung ứng hàng hóa và dịch vụ.
Tôi cho rằng, để thanh toán không dùng tiền mặt thực sự trở thành hình thức lưu thông tiền tệ phổ biến trong nền kinh tế và đời sống xã hội thì Nhà nước cần có phương án toàn diện hơn về mặt thể chế. Cụ thể là sửa đổi, bổ sung thêm Nghị định số 101/2012 hoặc ban hành điều khoản luật quy định riêng về thanh toán không dùng tiền mặt nhằm cung cấp cơ sở pháp lý hiệu lực cao, đầy đủ, đồng bộ, kết nối được tất cả các giải pháp về chính trị, kinh tế và xã hội.
Việc hoàn thiện thể chế về thanh toán không dùng tiền mặt phải được đặt trong tổng thể, không thể tách rời với phát triển các loại thị trường của nền kinh tế, không chỉ gắn với thể chế về thị trường tài chính - tiền tệ, mà còn phải gắn với thể chế về thị trường hàng hóa - dịch vụ, lao động, bất động sản và khoa học công nghệ.
PHƯƠNG THANH ghi