Phó Thủ tướng Lê Thành Long lưu ý sản phẩm công nghiệp dược liệu phải tạo được sự cạnh tranh với các sản phẩm khác ở thị trường trong khu vực và quốc tế.
Sáng ngày 10/5, UBND tỉnh Quảng Nam phối hợp với Bộ Y tế tổ chức Hội nghị triển khai Quyết định số 463/QĐ-TTg ngày 28/02/2025 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “Phát triển và hình thành trung tâm công nghiệp dược liệu tại tỉnh Quảng Nam với Sâm Ngọc Linh là cây chủ lực”. Qua đây nhằm định hình giá trị dược liệu cao, phát huy tiềm năng để phát triển thành ngành công nghiệp dược liệu hiện đại.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho hay Vùng Duyên hải miền Trung Tây Nguyên có nhiều loại dược liệu quý có giá trị kinh tế và y tế có tiềm năng nuôi trồng khai thác. Đặc biệt là sâm Ngọc Linh thường thường được gọi là “Báu vật quốc gia” và hiện nay đang là động lực phát triển công nghiệp dược liệu, một trong những loài sâm quý nhất thế giới, chỉ có ở vùng núi Ngọc Linh của tỉnh Quảng Nam và Kon Tum.
Về giá trị kinh tế, Thứ tưởng Tuyên cho rằng Sâm Ngọc Linh là cây dược liệu có giá trị rất cao, nếu được đầu tư bài bản, từ nghiên cứu, nuôi trồng, chế biến đến thương mại, Sâm Ngọc Linh hoàn toàn có thể trở thành thương hiệu quốc gia, sánh ngang với các dòng sâm nổi tiếng thế giới như Nhân Sâm Hàn Quốc, Sâm Mỹ. Đồng thời, việc mở rộng vùng trồng Sâm Ngọc Linh và các loài dược liệu quý theo tiêu chuẩn GACP-WHO, kết hợp bảo tồn rừng, phát triển du lịch dược liệu không chỉ giúp bảo vệ nguồn gen quý hiếm mà còn tạo sinh kế bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số ở miền núi.
“Phát triển các trung tâm công nghiệp dược liệu theo hướng hiện đại, gắn với nghiên cứu khoa học, chế biến sâu và xây dựng thương hiệu là hướng đi cấp thiết. Đây được xem là cơ sở pháp lý, là động lực quan trọng khuyến khích người dân phát huy tiềm năng thế mạnh của mình để phát triển các loại cây dược liệu; đồng thời kêu gọi và thu hút những doanh nghiệp tham gia đầu tư chế biến các sản phẩm từ cây dược liệu. Việc xây dựng phát triển và hình thành Trung tâm công nghiệp dược liệu tại Quảng Nam không chỉ giúp nâng cao vị thế ngành dược liệu Việt Nam, mà còn tạo tiền đề để miền Trung - Tây Nguyên trở thành vùng sản xuất và xuất khẩu dược liệu hàng đầu khu vực”, Thứ trưởng Bộ Y tế nói.
Với Quảng Nam, đây là tỉnh có tiềm năng về phát triển cây dược liệu với diện tích đất tự nhiên là 1.057.474 ha, trong đó diện tích đất quy hoạch lâm nghiệp là 769.756 ha. Trong đó diện tích đất có rừng là 681.935,35 ha, rừng tự nhiên là 461.326,57 ha với hệ động, thực vật vô cùng phong.
Theo kết quả điều tra của Viện Dược liệu năm 2002, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam hiện ghi nhận có 832 loài, 593 chi, 190 họ thực vật làm thuốc, trong đó có 36 loài cây thuốc hiện nằm trong “Sách đỏ Việt Nam”. Mới đây còn phát hiện thêm 4 loài cây thuốc chưa có tên trong Danh mục cây thuốc Việt Nam.
Theo kế hoạch, giai đoạn 2025-2035 địa phương này duy trì và phát triển được diện tích vùng nguyên liệu phù hợp; ưu tiên phát triển sâm Ngọc Linh và các loại dược liệu có lợi thế và giá trị kinh tế, có thị trường tiêu thụ và phù hợp với sinh thái của từng địa phương. Hình thành và phát triển chuỗi liên kết sản xuất giống, nuôi trồng, chế biến, sản xuất, tiêu thụ sản phẩm dược liệu tuân thủ nguyên tắc, tiêu chuẩn thực hành tốt trồng trọt và thu hái cây thuốc của Tổ chức Y tế thế giới.
Trước năm 2030, Quảng Nam hoàn thành quy hoạch sử dụng đất, các quy hoạch liên quan, xác định mặt bằng, từng bước đầu tư xây dựng hạ tầng khu vực Trung tâm công nghiệp dược liệu tại các KCN trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, trước mắt tập trung tại Khu kinh tế mở Chu Lai. Song song, nâng cấp hoàn thiện kết cấu hạ tầng và giao thông kết nội vùng, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển và thu hút đầu tư vào công nghiệp dược liệu.
Thông tin từ Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Lương Nguyễn Minh Triết, tỉnh Quảng Nam xác định phát triển dược liệu là một trong những mũi nhọn đột phá để khơi thông nguồn lực, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, đặc biệt là kinh tế xã hội vùng núi, vùng kinh tế khó khăn. Để triển khai hiệu quả các mục tiêu tại Quyết định số 463/QĐ-TTg, ngày 28/02/2025 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Phát triển và hình thành trung tâm công nghiệp dược liệu tại tỉnh Quảng Nam với Sâm Ngọc Linh là cây chủ lực”, ông Triết cho biết thời gian tới Quảng Nam sẽ rà soát, đề xuất Chính phủ, các bộ, ngành giải quyết “nút thắt” về cơ chế, chính sách.
“Trong đó chú trọng các cơ chế, chính sách phù hợp, đặc thù, vượt trội nhằm thu hút có hiệu quả hoạt động đầu tư phát triển dược liệu và công nghiệp dược liệu trong Trung tâm. Đồng thời, Quảng Nam sẽ củng cố, tăng cường đảm bảo an ninh trật tự, xây dựng một môi trường đầu tư an toàn, có độ mở cao cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp yên tâm sản xuất, kinh doanh tại Quảng Nam,...”, ông Triết cho hay.
Về các phương án triển khai trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long nhấn mạnh đến việc trồng dược liệu, phát triển nguồn cung cho y tế nhưng cũng đồng thời tạo điều kiện cho nông dân, đặc biệt là ở vùng cao, kết hợp được nông nghiệp và dược liệu. Theo Phó Thủ tướng, thời gian qua đã có khá nhiều chính sách, Nghị quyết Trung ương về chăm sóc sức khỏe nhân dân trong tình hình mới, hàng loạt Nghị định của Chính phủ ở mức độ khác nhau trong lĩnh vực y tế, nông nghiệp – phát triển nông thôn, quy hoạch tổng thể về nuôi trồng và phát triển dược liệu,...
“Đã có Đề án “Phát triển và hình thành trung tâm công nghiệp dược liệu tại tỉnh Quảng Nam với Sâm Ngọc Linh là cây chủ lực”, tuy nhiên đây chỉ mới là đề án, là một động thái về mặt hành chính của Thủ tướng Chính phủ, là điểm khởi đầu, còn nhiều việc đằng sau và Quảng Nam đã có kế hoạch triển khai. Quảng Nam đi đầu trong thế mạnh về dược liệu, được mệnh danh là thủ phủ của sâm Ngọc Linh và có quy hoạch vùng trồng dược liệu quý. Vì vậy Quảng Nam cần xem đây là điểm khởi đầu và tổ chức thực hiện. Đề nghị Quảng Nam chủ trì phối hợp với các tỉnh lân cận làm việc với nhau, để làm ăn lớn và nhìn xa mới tạo được sự cạnh tranh của sản phẩm với thị trường các nước trong khu vực và quốc tế”, Phó Thủ tướng Lê Thành Long đề nghị.
Việt Nam là một trong những quốc gia có nguồn tài nguyên dược liệu phong phú, với hơn 5.000 loài thực vật có công dụng làm thuốc, trong đó nhiều loài có giá trị dược liệu cao, được đánh giá là tiềm năng lớn để phát triển thành ngành công nghiệp dược liệu hiện đại. Tuy nhiên, trong nhiều năm qua, ngành dược liệu nước ta vẫn chưa khai thác hết tiềm năng vốn có, chủ yếu mới dừng lại ở khai thác thô, giá trị gia tăng thấp, chưa tạo ra sức cạnh tranh mạnh mẽ trên thị trường quốc tế.