Gần 13 năm nhường đất cho dự án mỏ sắt Thạch Khê (huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh) là chừng ấy năm người dân 5 xã bị ảnh hưởng phải sống trong cảnh “đi không được ở cũng không xong”...
Hàng nghìn hộ dân ở huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) từng nghĩ rằng cuộc sống sẽ tốt hơn khi dự án tuyển quặng sắt Thạch Khê khởi công, song thực tế diễn ra ngược lại.
Người dân xã Đỉnh Bàn sử dụng nguồn nước ô nhiễm
13 năm “bị treo”
Năm 2011, xã Đỉnh Bàn (huyện Thạch Hà) có hơn 60 hộ thuộc diện di dời đến khu vực tái định cư mỏ sắt Thạch Khê. Những tưởng cuộc sống người dân ở vùng đất mới sẽ ổn định, sung túc hơn nhưng thực tế hoàn toàn trái ngược. Nhiều hộ dân phải sống trong cảnh thiếu việc làm, thiếu nước sinh hoạt và thiếu đất sản xuất bởi đến nay khu tái định cư vẫn chỉ nằm... trên giấy.
Người dân phải tha hương xin làm phụ hồ, hàn xì, giúp việc... Tuy nhiên cuộc sống của họ cũng chẳng thể khá hơn bởi nguồn thu nhập hết sức bấp bênh. Một số hộ dù đã nhận tiền đền bù vẫn phải quay lại mảnh đất cũ để chăn nuôi, làm nghề đi biển kiếm kế sinh nhai.
Ngôi nhà cấp 4 của gia đình ông Phạm Công Biên (xã Đỉnh Bàn) có tới 7 thành viên sinh sống. Nhiều năm nay, ngôi nhà trở nên chật chội và xuống cấp nhưng ông không dám sửa chữa hay cơi nới vì nằm trong diện quy hoạch “treo” mỏ sắt.
Ông Biên chia sẻ: “Gia đình có thêm thành viên muốn cất nhà ra riêng cho con cũng không được bởi đất thuộc diện quy hoạch mỏ sắt. Từ khi có dự án mỏ sắt Thạch Khê chúng tôi sống khổ sở trăm bề, không có việc làm, nước sinh hoạt bị ô nhiễm, mạch nước ngầm tụt khiến cây cối khô héo. Dù mỏ sắt tạm đóng cửa, dừng khai thác nhưng ruộng đồng đã biến thành những hố sâu không thể sản xuất, những ụ cát to mỗi lần gió lên thổi cát bay mù mịt...”.
Nói về dự án treo suốt hơn chục năm nay, ông Biên chán nản: “Dự án bị treo quá lâu ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của người dân xung quanh mỏ. Chúng tôi mong muốn Nhà nước sớm có quyết định dứt khoát về “số phận” của dự án để chúng tôi ổn định đời sống”.
Không chỉ ông Biên mà nhiều gia đình có tới 3 thế hệ phải sống chung trong một ngôi nhà chưa đầy 100m2, điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của các hộ dân. Hầu hết các hộ dân thuộc 5 xã bị ảnh hưởng bởi mỏ sắt Thạch Khê đều mong muốn sớm có quyết định về tương lai của dự án này.
Nhiều máy móc lâu ngày không sử dụng đã hoen gỉ, hư hỏng.
Đề xuất chấm dứt dự án trước 5/2021
Mỏ sắt Thạch Khê được các chuyên gia phát hiện từ năm 1960, với trữ lượng khoảng 544 triệu tấn, được đánh giá mỏ sắt có trữ lượng lớn nhất Đông Nam Á.
Năm 2008, Dự án đầu tư khai thác và tuyển quặng mỏ sắt Thạch Khê do Công ty cổ phần Sắt Thạch Khê (TIC) làm chủ đầu tư được triển khai; tổng vốn đầu tư khoảng 14.500 tỷ đồng. Dự án nằm trên địa bàn 5 xã ven biển của huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh), gồm: Thạch Khê, Đỉnh Bàn, Thạch Hải, Thạch Trị và Thạch Lạc với 5.000 hộ dân bị ảnh hưởng.
Giai đoạn 2008-2011, dự án đã bóc đất tầng phủ được khoảng 12,7 triệu m3, độ sâu -34m so với mực nước biển, thu hồi 3.000 tấn quặng. Tuy nhiên, sau 3 năm thực hiện, dự án gặp vướng mắc về huy động và góp vốn dẫn đến hàng loạt hệ lụy như: Chậm tiến độ giải phóng mặt bằng, thiếu tiền thanh toán cho nhà thầu tư vấn lập thiết kế kỹ thuật và xây dựng khu TĐC. Đến tháng 11/2011, Chính phủ cho tạm dừng dự án để thẩm định lại thiết kế kỹ thuật và tái cơ cấu cổ đông.
Từ năm 2016, tỉnh Hà Tĩnh ban hành nhiều thông báo, báo cáo, kết luận kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ban Bí thư Trung ương Đảng, Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban kinh tế Quốc hội, Bộ KH&ĐT về việc, đề nghị dừng khai thác dự án mỏ sắt Thạch Khê.
Mới đây, tỉnh Hà Tĩnh tiếp tục đề xuất Trung ương xem xét chấm dứt dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê trước tháng 5/2021.
Theo đó, văn bản nêu rõ: “Căn cứ Thông báo kết luận của Bộ Chính trị yêu cầu việc khai thác mỏ sắt Thạch Khê, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hà Tĩnh hết sức thận trọng, khách quan, cân nhắc kỹ lưỡng, toàn diện và nhất quán quan điểm chấm dứt dự án khai thác và tuyển quặng mỏ sắt Thạch Khê”.
Ông Trần Việt Hà, Giám đốc Sở KH&ĐT Hà Tĩnh cho biết, trong văn bản góp ý dự thảo phương án xử lý tổ hợp dự án khai thác, tuyển quặng mỏ sắt Thạch Khê mới đây nhất, tỉnh Hà Tĩnh đề nghị Bộ KH&ĐT báo cáo, đề xuất với cấp có thẩm quyền xem xét chấm dứt dự án trước tháng 5/2021.
Hà Tĩnh cam kết khi dừng dự án sẽ thực hiện các nội dung Trung ương giao. Tỉnh sẽ thu hồi diện tích 980 ha để điều chỉnh quy hoạch phục vụ phát triển dịch vụ du lịch, đẩy mạnh thu hút đầu tư, góp phần phát triển kinh tế, xã hội bền vững.
Có thể bạn quan tâm