Bất động sản sạch kỳ vọng nền tảng cung cấp thông tin pháp lý của các dự án cho người mua sẽ tạo doanh thu 50 triệu USD năm 2021.
Xuất hiện trong buổi thuyết trình trước ban giám khảo của Top 15 Startup Việt 2018, anh Phạm Huy, đại diện công ty First Legal Force (FLF) trình bày về sàn giao dịch bất động sản cung cấp dịch vụ kiểm chứng pháp lý của các dự án bất động sản trong nước batdongsansach.vn.
Theo anh Huy, thị trường bất động sản hiện tồn tại nhiều vấn đề về minh bạch thông tin, khiến người mua đối mặt rủi ro lừa đảo, vướng tranh chấp, kiện tụng... Nhằm tạo ra giải pháp thu thập và chia sẻ thông tin pháp lý dự án, từ đó góp phần hạn chế tình trạng thua thiệt cho người mua, FLF tạo ra nền tảng kiểm chứng pháp lý mang tên Bất động sản sạch.
Nền tảng trực tuyến cho phép người dùng tìm kiếm, kiểm tra tình trạng pháp lý của các dự án căn hộ, nhà, đất... trước khi quyết định xuống tiền, giúp người mua có thêm thông tin lựa chọn dự án phù hợp và đáng tin cậy.
Ngoài ra, startup còn xây dựng bộ tiêu chí đánh giá bất động sản an toàn về mặt pháp lý nhằm giúp người mua có các tiêu chí nhận biết dự án, chủ đầu tư uy tín. Các doanh nghiệp cũng có thể đóng phí để được gắn mác "bất động sản sạch".
Nguồn thu của doanh nghiệp chủ yếu thu từ người bán, phí cấp bộ tiêu chí "bất động sản sạch" cho một dự án, sản phẩm, chủ đầu tư hoặc đại lý, cuối cùng là phí đăng quảng cáo trên website.
Theo đại diện startup, lợi thế của nền tảng này là đội ngũ luật sư hùng hậu với chuyên môn cao, giàu kinh nghiệm thu thập và phân tích thông tin về pháp lý dự án. Bên cạnh đó doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong việc quản lý dữ liệu và giao dịch với khách hàng. Trong đó công nghệ trí tuệ nhân tạo đóng vai trò tìm kiếm, phân tích dữ liệu tự động, còn Blockchain là nền tảng sao lưu dữ liệu khách hàng mang tính bảo mật cao. Công ty cũng sử dụng công nghệ Smart contract (hợp đồng thông minh), một sản phẩm phái sinh từ Blockchain, để thay thế cho hợp đồng giấy.
Sau phần trình bày từ FLF, ba vị giám khảo đánh giá đây là một dự án táo bạo, hàm chứa nhiều thách thức đối với doanh nghiệp. Ông Trương Gia Bình - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT chất vấn làm thế nào doanh nghiệp có thể tiếp cận hồ sơ pháp lý của các dự án, các chủ đầu tư và nhất là thông tin quy hoạch, phê chuẩn, công chứng... của cơ quan chức năng.
"Tại sao cơ quan chức năng lại cung cấp thông tin cho các bạn? Làm thế nào các bạn tiếp cận nguồn thông tin này trong khi hiện tại các dữ liệu này được cung cấp rất hạn chế trên các phương tiện truyền thông đại chúng?", ông Bình liên tiếp đặt nhiều câu hỏi.
Đại diện đội ngũ luật sư FLF trả lời hiện doanh nghiệp chỉ dựa vào nguồn thông tin đại chúng do các dự án và cơ quan chức năng công khai. Ngoài ra trong một số trường hợp, luật sư có thể gửi văn bản đề nghị cung cấp thông tin.
Trong khi đó ông Phạm Phú Ngọc Trai - Chủ tịch HĐQT Công ty tư vấn hội nhập toàn cầu GIBC quan tâm làm thế nào để một startup đóng vai trò trung gian trên thị trường bất động sản có thể cấp bộ tiêu chí chứng nhận dự án là an toàn tuyệt đối về pháp lý.
"Giả sử tôi là một chủ đầu tư đang triển khai dự án, anh có thể vào đóng vai trò là nhà phân phối hoặc hỗ trợ đăng tải thông tin chứ làm sao anh có thể xác định dự án của tôi là sạch hay không sạch?", ông Trai hỏi xoáy startup.
Trả lời câu hỏi hóc búa này, đại diện startup khẳng định bộ tiêu chí chỉ đóng vai trò cung cấp thêm thông tin cho người mua chứ không cấp chứng nhận cho dự án.
Giám khảo Phạm Hồng Quất - Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ tiếp tục chất vấn việc doanh nghiệp thu phí các chủ đầu tư để cấp bộ tiêu chí "bất động sản sạch" này liệu có dẫn đến tiêu cực hay không.
"Đây là bộ tiêu chí phục vụ người mua nhưng anh lại thu tiền người bán thì liệu có xảy ra trường hợp chủ đầu tư trả tiền để biến dự án không sạch thành sạch?", ông Quất đặt câu hỏi.
Luật sư từ FLF trả lời để được gắn mác "bất động sản sạch", doanh nghiệp cần trả một khoản phí cho luật sư để được hướng dẫn, tư vấn cặn kẽ các yếu tố pháp lý cần có, chứ không phải chỉ cần trả tiền là sẽ được xem là dự án an toàn.
Hiện công ty đã gọi vốn 30 tỷ đồng tiền mặt thông qua hình thức phát hành phiếu mua hàng trong cộng đồng (IVO). Đại diện FLF ước tính với quy mô thị trường bất động sản Việt Nam vào khoảng 15 tỷ USD, mục tiêu đến năm 2021, doanh nghiệp đạt tổng doanh thu trên 50 triệu USD một năm. Về lâu dài, doanh nghiệp định hướng trở thành hệ sinh thái giao dịch bất động sản cung cấp cùng lúc nhiều dịch vụ từ tư vấn, giao dịch đến kiểm chứng pháp lý. Tương lai xa hơn, startup muốn chinh phục thị trường quốc tế.