Dự án Marie’s là nơi kết nối các ngành nghề có tuổi đời hàng trăm năm, nơi nghệ nhân, nông dân và phụ nữ gắn bó với nghề qua nhiều thế hệ từ loài cỏ mong manh mang sức sống mãnh liệt – cỏ bàng
Miền Trung vốn là mảnh đất khô căn quanh năm dầm mưa dãi nắng, con người xứ Trung cần cù lam lũ nhưng vẫn quật cường, có lẽ bởi vậy mà loài cỏ bàng nơi đây dường như cũng mang một sức sống phi thường hơn so với các vùng khác.
>> Khởi nghiệp thành công với mô hình trồng rau thủy canh
Bà Hồ Thị Sương Lan, Giám đốc Công ty TNHH Maries với niềm đam mê hàng thủ công mỹ nghệ và đôi bàn tay khéo léo đã biết tận dụng sợi cỏ mảnh mai ấy để thổi hồn cho những sản phẩm mang thương hiệu Maries. Những sản phẩm này đã làm rung động tới bao trái tim khách hàng trong và ngoài nước, đặc biệt là khách du lịch nước ngoài.
Hiện nay, dự án đang áp dụng công nghệ đổi mới sáng tạo nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm tới tay người tiêu dùng. Để từ đó sản phẩm có tính ứng dụng cao và tăng độ bền cũng như tạo nét đẹp riêng. Bên cạnh đó sản phẩm còn góp phần bảo vệ môi trường, kinh tế tuần hoàn và hỗ trợ người phụ nữ nông thôn làng nghề có thêm thu nhập ổn định.
Hiểu được thị yếu người tiêu dùng gắn với niềm đam mê sẵn có bà Lan quyết tâm xây dựng sản phẩm của mình trở thành thương hiệu thủ công mang tính thẩm mỹ cao nhưng không quên nét đẹp truyền thống người Việt nhằm vươn tầm thế giới. Dự án đã tạo tác động tích cực tới đời sống của người lao động đặc biệt là phụ nữ nông thôn, bảo tồn và phát huy ngành nghề truyền thống .
Những mũi “gai”
Ra đời vào đúng tâm của Đại dịch COVID-19, “vất vả” không lột tả được hết cho một dự án mới chậm chững bước vào thị trường. Việc tìm kiếm chỗ đứng trong thị trường thời điểm đó thực sự quá khó khăn khi sức mua, phương tiện vận chuyển cũng như chiến lược phát triển dự án đều dậm chân tại chỗ bởi khi đó toàn bộ hoạt động xã hội, kinh tế dường như bị ngưng trệ.
Bên cạnh đó việc xây dựng nhân sự có chuyên môn cũng là trở ngại lớn đối với Maries bởi xuất thân ban đầu của Maries là ngành du lịch, nay chuyển hướng sang sản xuất và thương mại sản phẩm làng nghề nên đa phần các bộ phận nhân sự, chuyên môn cũng như vận hành đều phải bắt đầu từ bước khởi điểm, nên gặp vô vàn trở ngại trong quá trình vừa làm vừa sửa.
Sự "khó tính" của đặc thù ngành cũng như cách bảo quản sản phẩm thủ công mỹ nghệ trong điều kiện không thuận lợi của thời tiết Miền Trung cũng là vấn đề mà chủ dự án phải nghiên cứu để hoàn thiện trong quá trình phát triển sản phẩm. Để có một sản phẩm ra đời có chất lượng đạt tiêu chuẩn Marie’s đã phải chọn lựa, nghiên cứu vùng nguyên liệu sao cho công đoạn ngay từ khâu thu hoạch đến đưa vào sản xuất sản phẩm không bị ẩm mốc, mối mọt.
"Ngoài những khó khăn trên Maries còn phải chịu sự cạnh tranh khốc liệt bởi các mặt hàng giá rẻ nhưng không đảm bảo tiêu chuẩn từ Trung Quốc nhập về bởi trong tiềm thức của người tiêu dùng các sản phẩm từ sợi cỏ có sẵn trong thiên nhiên nên giá thành phải rẻ. Vấn đề R&D, cập nhật xu thế trong ngành truyền thống phù hợp với xu hướng thời trang trong nước và quốc tế cũng gặp khó khăn, chúng tôi thực sự chưa có nhiều kinh nghiệm”, bà Lan chia sẻ.
Vấn đề thiếu hụt nghệ nhân có tay nghề cao cũng góp phần tạo nên khó khăn và giới hạn của Maries. Việc đào tạo một nghệ nhân cũng cần phải có thời gian và niềm đam mê theo mỗi người. Năng suất sản xuất chỉ có giới hạn do toàn bộ các khâu đều phải làm bằng tay một cách tỉ mỉ… cũng là những câu hỏi lớn mà cả team phải đồng lòng chung sức cùng tìm ra câu trả lời.
Quyết tâm giữ cho máy đạp bàng được tiếp tục “sống”
Mặc dù có quá nhiều khó khăn, nhưng Maries thấu hiểu làng nghề đan cỏ bàng Huế có giá trị lịch sử, văn hóa và truyền thống lâu đời, các sản phẩm từ cây cỏ bàng có tính ứng dụng cao, thân thiện môi trường. Từ đó, Maries có thêm động lực để phát triển các sản phẩm từ cỏ bàng, quyết tâm giữ cho tiếng máy đập cỏ bàng được tiếp tục vang lên ở vùng quê này.
>> Chương trình “Hành trình khởi nghiệp” mùa 3 – Chia sẻ bởi ông Trần Anh Tuấn
Người phụ nữ Huế có vóc dáng mảnh mai đã lặn lội giữa các vùng nguyên liệu, nhập hàng thô từ làng Phò Trạch, đưa tranh màu 3D vào để nâng cấp cho sản phẩm và hướng tới phân khúc khách hàng có nhu cầu làm đẹp, có điều kiện kinh tế. Giờ đây, Maries tự hào đã tạo ra nguồn thu nhập và góp phần giúp nhiều phụ nữ nông thôn ổn định kinh tế, nâng cao đời sống và duy trì sự phát triển của làng nghề Huế.
“Maries lấy việc kinh doanh vì xã hội làm nền tảng, và như được tiếp thêm sức mạnh khi vinh dự là dự án lọt vào TOP 6 của Chương trình phát triển dự án khởi nghiệp Quốc gia. Qua chương trình, Maries hiểu hơn các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc, chúng tôi xác định rõ sứ mệnh, vai trò trong việc giảm đói nghèo, tạo giá trị cộng đồng, thông qua sản phẩm thân thiện môi trường, góp phần an sinh xã hội”, CEO Maries tự hào.
Sau khi lọt vào TOP 6, dự án có cơ hội tiếp xúc với những cố vấn tận tâm, Maries từng bước hoàn thiện cơ cấu doanh nghiệp, giải quyết các khó khăn thực tại về con người, vốn đầu tư, có thêm kinh nghiệm trên con đường mang sản phẩm làng nghề đến gần hơn với cộng đồng.
Hiện nay, số lượng nghệ nhân và nông dân được tạo công ăn việc làm tăng dần thông qua việc thu mua sản phẩm thô thường xuyên, ổn định. Đi đôi với việc doanh thu tăng trưởng hằng tháng, Maries đầu tư các loại máy móc hỗ trợ cho việc gia tăng sản xuất, giảm áp lực và nặng nhọc cho người nông dân và cả nhân viên tại xưởng. Nâng cao năng lực của công ty thông qua các buổi tập huấn sát với thực tại nhằm tháo gỡ những vướng mắc, đưa ra các phương pháp để doanh nghiệp phát triển vững mạnh trong tương lai.
Mục tiêu sắp tới
Với những gì đã đạt được, CEO Maries tự tin đặt mục tiêu trong thời gian gần, sản phẩm sẽ được nhận biết và sử dụng trên cả nước và có nhà phân phối trên 10 tỉnh thành lớn ở trong nước nơi có đối tượng khách hàng có thu nhập cao, có khách Quốc tế thường xuyên lui tới và gắn với du lịch.
Dự án cũng đang lên kế hoạch đào tạo người lao động nâng cao tay nghề thông qua các hợp đồng cố định với các nghệ nhân làng nghề từ Quỹ đào tạo của Công ty (để có tính kế thừa và giữ nghề) và trồng thêm vùng nguyên liệu khi quy mô phát triển lớn. Giải quyết đầu ra ngày càng tăng cho bà con đang sở hữu gần 10ha cỏ bàng tại 3 thôn của Phong Bình (Thôn Hóp, Đông Mỹ, Triều Quý)
Xây dựng xưởng thu mua nguyên liệu tại địa phương và hỗ trợ máy móc để cải tiến các công đoạn thủ công. Đồng thời nâng cao năng lực sản xuất của doanh nghiệp đạt về số lượng, chất lượng và hiệu quả kinh doanh được kết quả tốt. Góp phần nâng cao giá trị sản phẩm chủ lực của địa phương. Từng bước cải thiện, giảm sức lao động và nâng cao thu nhập cho người lao động. Nhân rộng mô hình dự án Maries – Nhà Là Xưởng ra các làng nghề truyền thống khác như làng nghề Phước Tích và 1 làng về Du lịch Sinh Thái gắn với Phát triển Cộng đồng.
Vươn mình ra thế giới cũng là mục tiêu mà Maries hướng tới, các nước: Canada, Nhật Bản, Singapore, Australia, Mỹ... sẽ là đích đến của dự án trong tương lai thông qua các sự kiện hoặc các kênh phân phối.
Kì vọng thương hiệu Maries phát triển thật vững mạnh, đạt doanh thu cao và mở rộng thị trường trong 2023 để tạo ra những giá trị tích cực cho cộng đồng làng nghề và nâng cao thu nhập, tạo việc làm ổn định cho phụ nữ nông thôn.
Có thể bạn quan tâm