Trong những ngày ngành du lịch bị đóng băng bởi COVID-19, nhiều startup thuộc ngành này đang tạm thời “ngủ đông” và “ủ mưu” để sẵn sàng khi cuộc chơi trở lại.
“Chúng tôi thật sự đang trải qua thời kỳ khủng hoảng của ngành du lịch”
Bon Bon – một startup trẻ mới được thành lập và thiết kế sản phẩm dựa trên mô hình Hop on – Hop off vốn quen thuộc ở các nước phát triển. Startup này cung cấp 2 dòng sản phẩm chính là Bon Bon City Tour và Bon Bon Experience (gồm 5 tour nhỏ chuyên biệt: Coffee tour, Cocktail Class, Wars of Vietnam, Fine Arts Museum, Film Photography Tour). Trước mùa COVID-19, mỗi ngày Bon Bon nhận khoảng 15-25 khách hàng. Giờ đây, con số này là 0.
Khách hàng của Bonbon chủ yếu là người nước ngoài – những người tò mò về Hà Nội và muốn trải nghiệm sâu đời sống, văn hóa của người dân thủ đô. Việc các đường bay quốc tế đến Việt Nam bị tạm dừng và Chính phủ ngừng cấp thị thực cho người nước ngoài khiến Bon Bon phải dừng các dịch vụ, hoàn trả phí cho khách đã book từ trước.
Ở startup công nghệ cung cấp bản đồ du lịch là AskVietnamese, Á Quân cuộc thi Viet Nam Startup Contest tại Nhật tháng 12/2019, mọi việc cũng không khá hơn. Do hướng tới đối tượng khách hàng nước ngoài là chính nên website askvietnamese.vn bị giảm hơn 50% lượt truy cập. Lượt truy cập tra cứu bản đồ giảm đến 2/3 vì gần một tháng qua các điểm đến du lịch đều trong tình trạng “đóng băng” và rất vắng khách.
Đoàn Bảo Ngọc – Founder của AskVietnamese – cho biết thêm: “Kế hoạch ra mắt Ứng dụng bản đồ số đã phải hoãn lại. Chúng tôi thật sự đang trải qua thời kỳ khủng hoảng của ngành du lịch.”
Trong thời gian trả lời phỏng vấn Khoa học và Phát triển, AskVietnamese đang vô cùng bận rộn. Bởi đầu tháng 4 này, công ty sẽ ra mắt sản phẩm bando.travel bằng tiếng Việt cho người Việt sử dụng.
Trước đây, đội ngũ founder của AskVietnamese xác định sản phẩm chỉ tập trung vào du khách quốc tế vì cho rằng, du khách Việt không có nhu cầu sử dụng bản đồ. Những kết quả từ các hoạt động online thời COVID-19 giúp team phát hiện ra rằng, du khách Việt đặc biệt là những người trẻ, rất thích thú với sản phẩm của họ.
Đoàn Bảo Ngọc tiết lộ: “Điều đó giúp chúng tôi xác định thêm hướng phát triển cho AskVietnamese trong tương lai. Một trong số đó là Việt hóa các sản phẩm bản đồ và sản phẩm đầu tiên chính là bando.travel”.
Khánh Nguyễn – Team Leader củaAskVietnamese -cho biết: “Chúng tôi kêu gọi những ngườitrẻchia sẻ sở thích du lịch cá nhân để làm dữ liệu xây dựng nội dung bản đồ du lịch 3 thành phố Hà Nội, Huế, Sài Gòn. Từ đây, AskVietnamese sẽ phát hành 10.000 bản đồ mang tên ‘Fighting Corona’ dành tặng cho du khách đến Việt Nam vào năm 2021”.
Nếu như kế hoạch triển khai mạng lưới cung cấp bản đồ giấy miễn phí cho du khách quốc tế buộc phải tạm dừng thì AskVietnamese lập tức chuyển sang các chiến dịch online như#govietnam2021 với thông điệp “Hãy thắp lên hy vọng cho du lịch Việt Nam”.
Trong khi đó, do cung cấp sản phẩm tour du lịch, hoạt động ‘bán hàng’ của Bon Bon buộc phải tạm dừng. Vì thế, với đội ngũ sáng lập Bon Bon, đây là thời kỳ ngủ đông, ủ mưu.
“Các nhân viên full-time làm việc tại nhà, tạm cắt giảm các vị trí part-time và ngân sách không thiết yếu” – Huyền Mi – CTO của Bon Bon cho biết. Bài toán đặt ra cho đội ngũ phát triển của Bon Bon là nghiên cứu và thiết kế những tour mới, lên sẵn kế hoạch truyền thông, tiếp cận khách hàng và sẵn sàng đón du khách trở lại bất cứ lúc nào.
Thời gian này, đội ngũ founder cũng kiện toàn lại bộ máy nhân sự cùng quy trình làm việc, đi gặp gỡ, nói chuyện với các nhà đầu tư và đối tác để bàn kế hoạch hợp tác, xây dựng chiến lược mới với nền móng thật tốt trước khi quay trở lại cuộc chơi”.
Không riêng AskVietnamese hay Bon Bon, tất cả các startup trong lĩnh vực du lịch đang đều bị ảnh hưởng. Hồi đầu tháng 4, Luxstay – dịch vụ đặt phòng online vốn được ví như AirBnB của Việt Nam – đã phải tạm dừng yêu cầu đặt chỗ với khách lưu trú trong khoảng thời gian từ 1/4-15/5.
Tuy nhiên, Hiền Mi hay Bảo Ngọc, Khánh Nguyễn đều tin rằng, sau cơn bão này mọi thứ sẽ phục hồi rất nhanh. Bởi theo báo cáo của Google và Temasek, quy mô thị trường du lịch trực tuyến Việt Nam năm 2018 đạt 3,5 tỉ USD và dự kiến sẽ đạt 9 tỉ USD vào năm 2025 và thị phần của các công ty du lịch trong nước ở mảng du lịch trực tuyến mới chiếm khoảng 20%. Vì vậy, cơ hội dành cho các startup Việt trong lĩnh vực này còn rất nhiều.
Sau cơn mưa trời lại sáng, vì thế việc chuẩn bị ‘kế hoạch và sản phẩm’ để đón đầu những làn sóng du khách là hết sức cần thiết với các startup du lịch.