Tổng tài sản của STB đạt gần 401.000 tỷ đồng, tăng 8,7% so với đầu năm.
Trong các phiên giao dịch gần đây khi VN-Index vượt mức 1.020 điểm, cổ phiếu của Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank, HoSE: STB) liên tục được khối ngoại mua ròng với khối lượng rất lớn trên sàn HOSE.
Trong tuần trước, khối nhà đầu tư nước ngoài đã liên tục mua ròng cổ phiếu STB với giá trị lên tới 171,7 tỷ đồng.
Có thể bạn quan tâm
06:30, 13/01/2018
08:50, 13/10/2017
15:56, 07/06/2017
Dẫn đầu thanh khoản dòng ngân hàng
Bước sang những phiên giao dịch đầu tuần này, khối ngoại tiếp tục mua ròng cổ phiếu STB với giá trị khá lớn. Trong đó, ngày 1/10 khối ngoại mua 8,17 triệu cổ phiếu STB, giá trị 115,9 tỷ đồng; ngày 2/10 tiếp tục mua ròng cổ phiếu STB trị giá 13,7 tỷ đồng; và đến ngày 3/10 lại tiếp tục mua ròng cổ phiếu STB với 34,7 tỷ đồng. Đặc biệt, cổ phiếu STB tiếp tục “nổi sóng” dẫn đầu về thanh khoản dòng ngân hàng trong phiên 3/10 với 16 triệu đơn vị được khớp lệnh.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 2/2018, tổng tài sản của STB đạt gần 401.000 tỷ đồng, tăng 8,7% so với đầu năm; huy động từ tổ chức kinh tế và dân cư tăng nhanh hơn mức tăng của ngành, đạt hơn 364.000 tỷ đồng, tăng 11,9% so với đầu năm; thị phần huy động tăng từ 4,7% lên 4,9%; tổng tín dụng đạt hơn 247.000 tỷ đồng, tăng 9,6% so với đầu năm; thị phần cho vay tăng lên 3,6% so với 3,5% thời điểm đầu năm. Theo đó, tổng thu nhập của STB hơn 5.000 tỷ đồng, tăng 49,1% so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, thu dịch vụ tiếp tục tăng trưởng tích cực, đạt 1.134 tỷ đồng, tăng 35% so với cùng kỳ năm 2017. Nhờ vậy, các tỷ suất sinh lời đều cải thiện với ROA là 0,4% và ROE 6,55%.
Không riêng gì STB, mà bất kỳ cổ phiếu nào được khối ngoại nhòm ngó là điều mong đợi của doanh nghiệp và nhà đầu tư, bởi tính thanh khoản cao của cổ phiếu đó sẽ thu hút dòng tiền, tạo động lực để doanh nghiệp huy động vốn cho phát triển.
Nợ xấu giảm mạnh
Ngoài các điểm phân tích trên, thì cổ phiếu STB còn hấp dẫn nhà đầu tư bởi khối bất động sản (BĐS) lớn. Mới đây, STB thông báo thanh lý loạt BĐS để xử lý nợ, trong đó có 4 khối BĐS trị giá tới hàng nghìn tỷ đồng.
Tiến trình xử lý nợ xấu ở STB đang được đẩy nhanh hơn trong khoảng 1 năm trở lại đây. Cuối năm ngoái, ngân hàng này cũng đã đấu giá thành công tài sản đảm bảo là 3 lô đất tại Khu công nghiệp Đức Hòa III, tỉnh Long An với tổng giá trị 9.200 tỷ đồng, sau khi phải hạ giá bán gần 900 tỷ.
401.000
tỷ đồng là tổng tài sản của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín tính đến cuối quý 2, tăng 8,7% so với đầu năm 2018.
Trong những tháng đầu năm 2018, STB cho biết đã thu hồi được hơn 3.600 tỷ đồng nợ xấu và tài sản tồn đọng. Tỷ lệ nợ xấu giảm từ 4,28% xuống còn 3,3% cuối tháng 6/2018 và dự kiến sẽ giảm xuống dưới 3% vào cuối năm 2018. Tổng số nợ xấu cuối tháng 6 ở mức 8.136 tỷ đồng. Ngoài ra, STB đang nắm giữ 42.289 tỷ đồng trái phiếu đặc biệt do VAMC phát hành, trong đó dự phòng rủi ro là 2.158 tỷ đồng.
Thách thức hút dòng tiền
Theo ông Lý Trọng Minh-Chuyên viên phân tích Cty Chứng khoán VPBS, trong rổ chỉ số VN-Index, cổ phiếu được khối ngoại lựa chọn dựa nhiều trên vốn hóa và tỷ lệ cổ phiếu tự do chuyển nhượng. Trong số này, không phải doanh nghiệp nào cũng có ngành nghề thuận lợi, kinh doanh và sử dụng vốn hiệu quả. Bên cạnh đó, việc nằm trong nhóm cổ phiếu trụ cột nâng đỡ VN-Index không có nghĩa đảm bảo cho chất lượng cổ phiếu cũng như chất lượng quản trị, kinh doanh tốt của doanh nghiệp.
STB không phải là cổ phiếu đại diện cho nhóm cổ phiếu ngân hàng, bởi thị giá cổ phiếu ở mức giá thấp như STB không thể so sánh với các nhóm cổ phiếu ngân hàng có thị giá cao như VCB, TCB, VPB, BID... Tuy nhiên với tính thanh khoản cao như phân tích ở trên, STB đang là tâm điểm thu hút dòng vốn ngoại. Đây cũng là thách thức đối với STB, nhất là khi phải duy trì vị trí trong top cổ phiếu ngân hàng vốn hoá lớn có tính thanh khoản cao và đặc biệt duy trì vị thế kinh doanh có hiệu quả và xử lý nợ xấu tốt. Điều này phụ thuộc hoàn toàn vào STB khi ngân hàng này phải quản trị được nhiều yếu tố rủi ro trong giai đoạn tới.
Nhóm ngân hàng với triển vọng tích cực Trong số cổ phiếu của các nhóm ngành niêm yết, cổ phiếu nhóm ngành ngân hàng được đánh giá là đang dẫn dắt thị trường với đóng góp tới 40% vào tổng giá trị vốn hóa toàn thị trường và chiếm 50% giá trị giao dịch trung bình hàng ngày từ đầu năm 2018 đến nay. Đến tháng 9/2018, cổ phiếu nhóm ngành ngân hàng đã tăng 22% so với hồi đầu năm. Trong đó, MBB tăng 15%, VCB tăng 30%, BID tăng 20,5%, SHB tăng 8%, ACB tăng 15%, CTG tăng 15,9%... Theo các chuyên gia tài chính, diễn biến tích cực của cổ phiếu ngân hàng xuất phát từ nhiều cơ sở. Một trong số đó là sự khởi sắc của nền kinh tế, cùng với đó là đà tăng của nhóm cổ phiếu thuỷ sản khi chiến tranh thương mại Mỹ-Trung ngày càng leo thang đã hỗ trợ cho toàn thị trường. Bên cạnh đó, đến nay các ngân hàng đã gần như đã giải quyết được cơ bản vấn đề nợ xấu, nhất là từ khi Quốc hội ban hành Nghị quyết 42 về thí điểm xử lý nợ xấu. Hoạt động kinh doanh có hiệu quả cũng thúc đẩy cổ phiếu ngân hàng thuộc nhóm tăng trưởng nhanh nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam. Cổ phiếu ngành ngân hàng là nhóm được Cty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) lưu ý trong nửa cuối năm nay. Với mục tiêu tăng trưởng tín dụng ở mức 17% năm nay, tăng trưởng thu nhập lãi thuần trung bình của các ngân hàng thương mại được dự báo sẽ ở mức trên 20%. Giới chuyên gia dự báo, EPS ngành ngân hàng sẽ tiếp tục tăng trưởng tốt, dù ngành này không được nới room tăng trưởng tín dụng những tháng cuối năm nay. Theo đó, EPS của ngành ngân hàng có thể sẽ tăng 42,1% vào cuối năm 2018, tương đương VN-Index đạt mức 1.200 điểm, thì cổ phiếu nhóm ngân hàng sẽ chinh phục ở mốc mới. Theo đó, VCB ở mốc 60.000-70.000đ/cp, CTG là 30.000-35.000đ/cp, BID là 40.000đ/cp, MBB là 30.000-35.000đ/cp, VPB là 35.000- 40.000đ/cp, TCB là 35.000- 40.000đ/cp, STB là 20.000- 30.000đ/cp… |