Chứng khoán

Sự cố bò chết do tiêm vắc xin, VET giải trình ra sao?

Đình Đại 19/09/2024 11:00

Liên quan đến sự cố tiêm vắc xin viêm da nổi cục NAVET-LPVAC tại tỉnh Lâm Đồng, khiến hàng trăm con bò bị bệnh và chết, VET đã có văn bản giải trình.

vacxin.jpg
Sự cố tiêm vắc xin viêm da nổi cục NAVET-LPVAC tại tỉnh Lâm Đồng khiến hàng loạt bò sữa của người dân bị bệnh và chết - Ảnh minh họa.

Về sự cố tiêm vắc xin viêm da nổi cục NAVET-LPVAC tại tỉnh Lâm Đồng, Công ty CP Thuốc thú y Trung ương Navetco (UpCOM: VET) cho biết, Công ty có ký Hợp đồng kinh tế số 06/2024/HĐKT ngày 17/5/2024 với Chi cục chăn nuôi, thú y và thuỷ sản Lâm Đồng về cung cấp vắc xin phòng bệnh viêm da nổi cục trâu bò, vắc xin phòng bệnh cúm gia cầm và hoá chất sát trùng.

Từ cuối tháng 7/2024, sau khi tiêm vắc xin phòng bệnh viêm da nổi cục NAVET-LPVAC cho bò sữa thì phát sinh hiện tượng bò bị bệnh và chết sau thời gian phát bệnh (tỷ lệ chết khoảng 5%) tại tỉnh Lâm Đồng. Kết quả bước đầu xác định nguyên nhân gây bệnh với triệu chứng bị tiêu chảy và mất nước, một số sẩy thai và một số bò chết do tiêu chảy khi không được cứu chữa kịp thời.

Theo VET, kết luận về nguyên nhân bò sữa bị bệnh đã được Cục thú y thông báo theo công văn số 1850/TY-DT ngày 12/8/2024, văn bản 1925/TY-DT ngày 22/8/2024. Ngoài sự cố xảy ra cũng còn có sự kết hợp ngẫu nhiên xảy ra trong cùng một thời điểm với một số các nguyên nhân gây tiêu chảy khác như vi khuẩn gây tiêu chảy E.Coli, Clostridium, ký sinh trùng đường máu, cũng như một số các yếu tố khác không phải vi sinh vật gây bệnh như thể trạng bò lúc tiêm, tình trạng thời tiết, điều kiện tự nhiên, môi trường chăm sóc... đã được đề cập tại thông báo theo công văn số 888-TB/TU ngày 15/8/2024 của Lãnh đạo tỉnh Lâm đồng. Theo đó, việc xảy ra dịch bệnh tiêu chảy sau khi tiêm vắc xin NAVET-LPVAC là sự cố không mong muốn.

“Sau khi tiếp nhận thông tin, Công ty đã ngay lập tức phối hợp cùng cơ quan chức năng, chuyên môn tại Lâm Đồng cùng các chuyên gia về bò sữa để lên phác đồ điều trị, cung cấp nhân lực, vật tư và thuốc men để cứu chữa, phục hồi đàn bò, giảm thiểu tối đa thiệt hại; đồng thời có phương án bồi thường, khắc phục sự cố, chia sẻ thiệt hại với các hộ chăn nuôi. Tính đến ngày 15/09/2024, có gần 6.000 con bò đã phục hồi, trong 19 ngày trước đó không phát sinh thêm bò bệnh, số bò chết cũng giảm đi”, VET cho biết.

cpvet.jpg
Trên thị trường, chốt phiên giao dịch ngày 18/9, cổ phiếu VET đạt thị giá 22.000 đồng/cổ phiếu, giảm hơn 33,7% so với hồi cuối tháng 6.

Đại diện VET cũng cho rằng, theo quy định tại Điều 4 của Hợp đồng kinh tế số 06/2024/HĐKT ngày 17/5/2024 trách nhiệm của bên cung cấp hàng hoá và đồng thời cam kết thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ và trách nhiệm được nêu trong E-ĐKC và E-ĐKCT hợp đồng.

Tuy nhiên, do VET là Công ty có 65% vốn Nhà nước và đơn vị chủ quản là Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn (NN&PTNT) nên quy trình thực hiện việc hỗ trợ, bồi thường phải thực hiện theo đúng quy định pháp luật. Hiện Công ty đang xây dựng Dự thảo phương án bồi thường, hỗ trợ thiệt hại trên đàn bò sữa phát bệnh do tiêm vắc xin viêm da nổi cục NAVET- LPVAC tại tỉnh Lâm Đồng và xin ý kiến chỉ đạo của Cơ quan chủ quản.

Tính tới ngày 28/8, tỉnh Lâm Đồng đã có 6.312 con bò sữa bị bệnh, trong đó, 415 co đã chết sau khi tiêm vắc xin phòng viêm da, nổi cục nhược độc đông khô NAVET- LPVAC của VET.

Về kết quả kinh doanh, theo Báo cáo tài chính soát xét bán niên năm 2024, nửa đầu năm 2024, VET ghi nhận doanh thu thuần đạt hơn 153 tỷ đồng, giảm hơn 13,5% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế đạt hơn 6,2 tỷ đồng, giảm mạnh hơn 57,5% so với cùng kỳ năm 2023.

Giải trình nguyên nhân lợi nhuận bán niên năm 2024 sụt giảm mạnh, VET cho rằng, số lượng tổng đàn gia súc gia cầm ngày càng giảm sút, thu hẹp vì dịch bệnh và giá thành chăn nuôi cao hơn giá bán. Như vậy càng nuôi càng lỗ chưa kể có khi còn nợ nần, phá sản nên người chăn nuôi bỏ chuồng, không tái đàn. Dẫn đến việc kinh doanh sản phẩm công ty bị ảnh hưởng, không thể tiêu thụ sản phẩm.

Bên cạnh đó, sự cạnh tranh áp lực quá lớn từ các công ty đối thủ khi mà thị trường ngày càng thu hẹp. Tình hình chăn nuôi giảm nhưng thị trường lại xuất hiện ngày càng nhiều các công ty sản xuất, nhập khẩu phân phối kinh doanh vắc xin, thuốc thú y dẫn đến sự cạnh tranh ngày càng gay gắt, khốc liệt giữa các công ty đối thủ.

Ngoài ra, để duy trì nhà máy hoạt động và giải quyết việc làm cho người lao động có những lúc công ty chấp nhận bán hàng với giá hòa vốn để có doanh thu và đủ trả lương cho người lao động. Trong giai đoạn khó khăn này để tiêu thụ được hàng công ty phải chấp nhận giảm giá bán sản phẩm xuống thấp, điều này cũng ảnh hưởng đến doanh số công ty.

VET cũng cho rằng, lợi nhuận giảm chủ yếu cho công ty đẩy mạnh chính sách bán hàng. Trước tình hình sụt giảm doanh thu đáng kể, đội ngũ kinh doanh của công ty đã đưa ra nhiều chương trình khuyến mãi, giảm giá bán, chấp nhận giảm lợi nhuận để sản phẩm được tiếp cận với người dân nhiều hơn. Để cạnh tranh, công ty cũng áp dụng chính sách hỗ trợ chi phí giao hàng tận nơi làm tăng đáng kể chi phí vận chuyển, giao hàng.

“Thêm vào đó, chiến tranh giữa Nga và Ukraine ảnh hưởng đến giá xăng dầu; tỷ giá đồng USD tăng biến động; chi phí nguyên liệu tiếp tục gia tăng dẫn đến chi phí đầu vào đội lên khá lớn làm cho giá thành sản phẩm của công ty tăng cao. Tuy nhiên, trước tình hình kinh doanh khó khăn, cạnh tranh khốc liệt nên công ty chấp nhận giảm lợi nhuận, không điều chỉnh tăng giá trong giai đoạn này”, bà Nguyễn Thị Kim Lan – TGĐ của VET nêu trong văn bản giải trình.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Sự cố bò chết do tiêm vắc xin, VET giải trình ra sao?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO