Sửa đổi Luật Phòng, chống rửa tiền để đáp ứng yêu cầu hội nhập

NGUYỄN VIỆT 01/11/2022 02:00

Sửa đổi Luật Phòng, chống rửa tiền để đáp ứng yêu cầu hội nhập, thực hiện các điều ước, cam kết quốc tế, khắc phục những bất cập của luật hiện hành.

>>Giữ đất là việc “của cả làng” chứ không riêng mình ai

Ngày 1/11, Quốc hội thảo luận về dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi).

Ngày 1/11, Quốc hội thảo luận về dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi). Ảnh: QH

Quốc hội thảo luận về dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi). Ảnh: QH

Trước đó, tại phiên thảo luận tại tổ về Dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi), nhiều đại biểu cho rằng, với những nội dung đã rõ, đã chín, đã qua kiểm nghiệm thực tế thì cần quy định cụ thể ngay trong Dự án Luật này để đảm bảo tính minh bạch của Luật.

Tham gia thảo luận, đa số ý kiến các đại biểu cho rằng việc sửa đổi Luật Phòng, chống rửa tiền là cần thiết nhằm nhằm thể chế hóa các chủ trương của Đảng và Nhà nước; đáp ứng yêu cầu hội nhập, thực hiện các điều ước, cam kết quốc tế, khắc phục những bất cập của luật hiện hành; bảo đảm an ninh, an toàn tài chính, tiền tệ quốc gia; góp phần đẩy mạnh và tăng cường hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Các đại biểu cũng cho rằng, các nội dung của dự thảo Luật phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013 và cơ bản tương thích với các điều ước quốc tế có liên quan mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã gia nhập hoặc phê chuẩn. Hồ sơ dự án Luật đã được Cơ quan soạn thảo chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng, đầy đủ, đáp ứng yêu cầu quy định của pháp luật.

Một số ý kiến đề nghị tiếp tục rà soát, luật hóa các quy định của văn bản dưới luật đã được kiểm nghiệm và áp dụng ổn định trong thực; hoàn thiện đồng bộ dự thảo các văn bản hướng dẫn, bảo đảm hiệu lực thi hành của Luật sau khi được ban hành.  

Có ý kiến cho rằng, trong Tờ trình của Chính phủ, nội dung về tính cấp thiết, cấp bách của việc sửa đổi Luật này chưa được nêu rõ, mà mới chỉ đề cập tới các căn cứ sửa đổi luật, nên cần nghiên cứu thêm để làm rõ nét nội dung này. Bên cạnh đó, có đại biểu kiến nghị cần tách Điều 1 trong Dự thảo Luật cần tách thành hai điều riêng rẽ quy định về phạm vi điều chỉnh và áp dụng pháp luật.

Về phạm vi điều chỉnh, khoản 2 Điều 1 quy định: Việc phòng, chống hành vi rửa tiền của các tổ chức, cá nhân có mục đích tài trợ khủng bố, tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt được thực hiện theo quy định của Luật này, quy định của pháp luật hình sự và pháp luật về phòng, chống khủng bố, phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt. Có ý kiến cho rằng, về nội dung này đã được quy định trong Luật Hình sự, Luật Phòng, chống khủng bố, nên cần quy định rõ ràng, cụ thể, làm rõ hình thức rửa tiền được quy định tại 3 tỉnh xem có gì chồng chéo, mâu thuẫn hay không.

Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) cho biết, dự án Luật còn nhiều điều, khoản cần giao Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước ban hành văn bản quy định chi tiết, hoặc hướng dẫn thực hiện. Đại biểu đề nghị, với những nội dung đã rõ, đã chín, đã qua kiểm nghiệm thực tế thì cần quy định cụ thể ngay trong Dự án Luật này để đảm bảo tính minh bạch của Luật.

Tại điểm c, khoản 2, Điều 9 về nhận biết khách hàng có quy định, Tổ chức tài chính phải nhận biết khách hàng trong trường hợp có nghi ngờ giao dịch hoặc các bên liên quan đến giao dịch có liên quan đến hoạt động rửa tiền. Đại biểu đề nghị làm rõ hơn những hoạt động như thế nào được coi là hoạt động rửa tiền.

Khoản 3 của Điều này cũng quy định, tổ chức, cá nhân kinh doanh ngành nghề phi tài chính phải nhận biết khách hàng trong 5 trường hợp cụ thể, tuy nhiên, nội dung để nhận biết khách hàng không được quy định cụ thể, đại biểu đề nghị cần quy định cụ thể về nội dung này, đảm bảo dự án Luật đạt được sự chặt chẽ, nhất quán.

Về phân loại khách hàng theo mức độ rủi ro, dự thảo Luật quy định, đối với khách hàng có mức độ rủi ro về rửa tiền thấp, đối tượng báo cáo có thể nhận biết, cập nhật, xác minh thông tin nhận biết khách hàng ở mức độ giảm nhẹ sau lần đầu thiết lập quan hệ với khách hàng.

>>Hai bộ sách giáo khoa “biến mất” với 1 năm tuổi thọ

>>“Hồi chuông” lãng phí nhân lực ở môi trường giáo dục

đại biểu Trần Văn Tiến - Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc. Ảnh; QH

Đại biểu Quốc hội Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc). Ảnh: QH

Đối với khách hàng có mức độ rủi ro về rửa tiền trung bình, đối tượng báo cáo phải nhận biết, cập nhật, xác minh thông tin nhận biết khách hàng… Đại biểu Sùng A Lềnh (Lào Cai) cho rằng cần có quy định, tiêu chí xác định mức độ rủi ro thấp, trung bình và cao.

Với nội dung quy định về cá nhân nước ngoài có ảnh hưởng chính trị, khoản 1, Điều 17 quy định, “cá nhân nước ngoài có ảnh hưởng chính trị là người giữ chức vụ cấp cao trong các cơ quan, tổ chức của nước ngoài và tổ chức quốc tế”. Nhiều đại biểu cho rằng, cần làm rõ thế nào là “chức vụ cấp cao” để phân biệt theo quy định của pháp luật.

Tham gia thảo luận, đại biểu Lê Minh Nam (Hậu Giang) cho rằng, trọng tâm của dự án Luật này là ở các biện pháp phòng, chống rửa tiền, tuy nhiên nội dung này trong Dự án Luật còn khiêm tốn, chưa có nhiều quy định mang tính cụ thể để xử lý, mới dừng lại ở việc cập nhật, xác minh, nhận diện, xử lý thông tin cụ thể. Đại biểu đề nghị cần quy định cụ thể, chặt chẽ hơn nữa về nội dung này.

Đại biểu Lê Minh Nam cho rằng, đối với các nội dung liên quan đến truy cứu trách nhiệm hình sự, cần có sự đối chiếu kỹ lưỡng đối với Luật Hình sự để quy định cụ thể các hành vi vi phạm, hình thức, chế tài xử lý, đảm bảo tính chất vừa giáo dục, vừa răn đe, có căn cứ pháp lý đầy đủ để đảm bảo dễ dàng áp dụng khi luật được ban hành.

Trong quy định về trì hoãn giao dịch, điểm a khoản 1 Điều 44 quy định, đối tượng báo cáo phải áp dụng ngay biện pháp trì hoãn giao dịch trong trường hợp có cơ sở hợp lý để nghi ngờ hoặc phát hiện các bên liên quan tới giao dịch thuộc danh sách đen hoặc có lý do để tin rằng giao dịch được yêu cầu thực hiện có liên quan đến hoạt động phạm tội.

Nhiều đại biểu đề nghị làm rõ thế nào là “có cơ sở hợp lý để nghi ngờ” để quy định cụ thể ngay trong Luật, lưu ý bảo đảm không hạn chế quyền con người và phù hợp với quy định tại Hiến pháp năm 2013.

Về nội dung này, có ý kiến đề nghị nghiên cứu quy định cụ thể thẩm quyền, trách nhiệm, điều kiện trì hoãn giao dịch, phong tỏa tài khoản, niêm phong, phong tỏa hoặc tạm giữ tài sản để minh bạch, rõ ràng hơn và tránh lạm quyền trong thi hành các biện pháp phòng, chống rửa tiền.

Có thể bạn quan tâm

  • Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị làm rõ việc chậm tiến độ Quy hoạch điện VIII

    03:30, 23/10/2022

  • Hôm nay, Quốc hội thảo luận về phát triển kinh tế - xã hội 

    03:02, 22/10/2022

  • Quốc hội thông qua Nghị quyết bầu ba tư lệnh ngành

    17:27, 21/10/2022

  • Quốc hội phê chuẩn bổ nhiệm Bộ trưởng Bộ Y tế và Bộ trưởng Bộ GTVT

    10:00, 21/10/2022

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Sửa đổi Luật Phòng, chống rửa tiền để đáp ứng yêu cầu hội nhập
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO