Còn một số nội dung cần làm rõ để khắc phục những khó khăn, vướng mắc, nhằm thúc đẩy thực hiện, giải ngân kế hoạch vốn ODA
Đây là một trong những góp ý của các chuyên gia về Dự thảo Luật Đầu tư công sửa đổi (Dự thảo Luật).
Dự thảo Luật dự kiến sẽ trình Quốc hội cho phép áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn và xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 8 vào tháng 10 tới.
Khắc phục bất cập
Sau gần 05 năm thực hiện, Luật Đầu tư công năm 2019 cũng đã bộc lộ một số khó khăn, hạn chế, vướng mắc có tính cấp bách cần xử lý, tháo gỡ; một số quy định chưa phù hợp với tình hình thực tiễn. Việc sửa đổi Luật Đầu tư công là cần thiết để luật hoá các quy định, cơ chế, chính sách thí điểm, đặc thù đã được Quốc hội cho phép áp dụng; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phát huy trách nhiệm người đứng đầu, nâng cao sự linh hoạt, chủ động của các cấp, các ngành trong quản lý, thực hiện kế hoạch đầu tư công.
Cùng với đó, cắt giảm, đơn giản hoá một số trình tự, thủ tục để rút ngắn thời gian triển khai, sớm hoàn thành, đưa dự án vào khai thác và huy động năng lực quản lý, nguồn lực của các thành phần kinh tế trong thực hiện dự án đầu tư công.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tiến hành rà soát, báo cáo cấp có thẩm quyền sửa đổi quy định pháp luật đầu tư công theo hướng đơn giản hoá thủ tục, bao gồm 29 chính sách mới, tập trung trong 5 nhóm lĩnh vực.
Một trong 5 nhóm chính sách được sửa đổi là thúc đẩy thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn ODA và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài, bằng cách thiết kế một chương riêng.
Hoàn thiện quy định về vốn ODA
Góp ý hoàn thiện Dự thảo Luật, ông Nguyễn Trúc Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre đánh giá cao tư duy cách đổi mới, ưu tiên sự thông thoáng trong Dự thảo Luật.
Tuy nhiên, theo ông Sơn, các dự án ODA, dự án đầu tư công liên quan vốn ODA thủ tục quá nhiêu khê, nên xem xét hợp nhất yêu cầu của nhà tài trợ với các quy định của Luật Đầu tư công và Luật Đấu thầu.
“Có nên tính vốn ODA vào vốn đầu tư công trung hạn hay không? Trong khi, quy trình đầu tư ODA đang quá dài gồm 4 bước với ít nhất 2 năm để đưa vào triển khai. Quy trình đấu thầu dự án ODA yêu cầu phải lấy ý kiến nhà đầu tư tới 7 lần mà không có thời hạn trả lời”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre đặt vấn đề.
Đồng quan điểm, đại diện Bộ Giao thông vận tải cho biết, hiện Dự thảo Luật vẫn quy định chủ trương đầu tư gồm 2 bước. Để rút ngắn thời gian hơn nữa, cần lược bỏ bước đề xuất chủ trương dự án ODA và ghép vào bước chủ trương đầu tư dự án như dự án đầu tư trong nước. Các nội dung liên quan đến đánh giá về đảm bảo an toàn nợ công, đánh giá khoản vay cũng sẽ ghép vào bước chủ trương đầu tư.
Liên quan đến vấn đề nêu trên, về phía các đối tác phát triển, bà Susan Lim, đại diện Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) cho rằng, mục tiêu chính là làm sao sử dụng hiệu quả nhất vốn ODA. Do đó, việc đơn giản hóa thủ tục và trao quyền nhiều hơn cho chính quyền địa phương sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án ODA.
“Với các dự án khẩn cấp, ví dụ các dự án về thiên tai, bão lũ, biến đổi khí hậu… cần có quy định cụ thể để có thể sử dụng vốn ODA hiệu quả hơn”, bà Susan đề xuất.