Được đánh giá là mang tính "đột phá" so với Luật số 69/2014, tuy nhiên Dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp vẫn còn một số nội dung cần tiếp tục xem xét làm rõ.
Theo đó, Dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp (Dự thảo) do Bộ Tài chính chủ trì soạn thảo. Điểm đáng chú ý tại Dự thảo là thực hiện nguyên tắc Nhà nước không trực tiếp quản lý pháp nhân doanh nghiệp, Nhà nước chỉ quản lý dòng vốn đầu tư tại doanh nghiệp và doanh nghiệp hoạt động theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp. Vốn nhà nước sau khi đã đầu tư vào doanh nghiệp được xác định là tài sản/vốn của pháp nhân doanh nghiệp; phân công rõ, phân cấp mạnh, cụ thể trong việc quản lý vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp...
Dự thảo cũng quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, bộ, UBND cấp tỉnh, cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn và doanh nghiệp trong quản lý vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp bảo đảm tách bạch chức năng quản lý nhà nước với chức năng đại diện chủ sở hữu nhà nước của các chủ thể.
Về giám sát, kiểm tra, thanh tra hoạt động quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Dự thảo nêu rõ, công tác kiểm tra, thanh tra được các cơ quan quản lý nhà nước thực hiện theo kế hoạch, đột xuất hoặc chuyên đề. Bộ Tài chính thực hiện kiểm tra, thanh tra cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn, doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư đối với hoạt động quản lý, đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và hoạt động đầu tư vốn của doanh nghiệp, tổ chức sắp xếp, cơ cấu lại doanh nghiệp. Cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn thực hiện giám sát, kiểm tra tình hình quản lý, đầu tư vốn của doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư trực tiếp và doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư khác.
Được đánh giá là có nhiều nội dung mang tính "đột phá" so với Luật số 69/2014/QH13 trước đây, tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, Dự thảo vẫn còn một số nội dung quy định cần tiếp tục xem xét làm rõ hơn.
Góp ý cho Dự thảo, ông Nguyễn Ngọc Ánh, Phó Giám đốc Sở Tài chính Đà Nẵng cho biết, Điều 10 Dự thảo quy định nhiệm vụ, quyền hạn của bộ, cơ quan ngang bộ, kiểm toán Nhà nước và UBND cấp tỉnh trong việc quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Tuy nhiên, Dự thảo chỉ nêu nhiệm vụ của UBND cấp tỉnh là “thanh tra, kiểm tra hoạt động của doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư theo chức năng, nhiệm vụ được giao về quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, định mức kinh tế ngành, lĩnh vực, khu vực, vùng, địa bàn”. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn của UBND cấp tỉnh cho phù hợp.
Ngoài ra, ông Ánh cho biết, tại Điều 13 và Điều 14 Dự thảo quy định liên quan đến thẩm quyền, trình tự, thủ tục quyết định công tác nhân sự, chiến lược kinh doanh, kế hoạch đầu tư phát triển của doanh nghiệp. Cụ thể, “cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn gửi hồ sơ và văn bản lấy ý kiến của cơ quan tài chính cùng cấp về cử người đại diện chủ sở hữu vốn của Nhà nước tại doanh nghiệp” và “người đại diện chủ sở hữu vốn của Nhà nước gửi lấy ý kiến của cơ quan tài chính cùng cấp về chiến lược kinh doanh, kế hoạch đầu tư phát triển của doanh nghiệp”.
“Chức năng, nhiệm vụ của cơ quan tài chính là tham mưu về công tác quản lý tài chính doanh nghiệp nói chung. Do vậy, cơ quan soạn thảo cần rà soát, điều chỉnh Dự thảo theo hướng cơ quan tài chính cùng cấp là cơ quan phối hợp với các cơ quan chuyên môn trong việc tham mưu cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn quyết định công tác nhân sự, chiến lược kinh doanh, kế hoạch đầu tư phát triển tại doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư trực tiếp…”, Phó Giám đốc Sở Tài chính Đà Nẵng đề nghị.
Cũng góp ý về vấn đề này, ông Nguyễn Cảnh Toàn, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đề nghị, xem xét quy định rõ trong Dự thảo các nội dung liên quan đến nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban là cơ quan chuyên trách thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu vốn tại doanh nghiệp.
Trong đó, cần tập trung quy định rõ quyền hạn, trách nhiệm, nghĩa vụ, cơ chế phối hợp với các bộ, ngành liên quan, với doanh nghiệp, hội đồng thành viên, người đại diện vốn...; quy định rõ quyền hạn, chức năng quản lý vốn, tài sản của Ủy ban tại doanh nghiệp về việc phê duyệt chủ trương đầu tư vốn, tài sản; phê duyệt dự án đầu tư, chủ trương vay vốn, thế chấp tài sản đặc thù…; quy định về cơ chế tài chính đặc thù, nguồn hoạt động của Ủy ban…