Sửa Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt: Cần giải pháp hài hòa

MINH NGỌC 04/07/2023 14:30

Duy trì phương pháp tính Thuế TTĐB đối với rượu, bia theo tỷ lệ phần trăm và cân nhắc điều chỉnh tăng thuế suất theo lộ trình phù hợp với nhịp của thị trường và sức khỏe của doanh nghiệp.

>>Sửa Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt: Tìm điểm "cân bằng" trong chính sách thuế

"Nếu được chấp nhận, việc tăng thuế tỷ lệ phần trăm ở mức vừa phải và lộ trình như nêu trên có thể được xem là phương án có hiệu quả trong phân bổ nguồn lực sẽ giúp đảm bảo ổn định nguồn thu ngân sách Nhà nước (NSNN), đồng thời vẫn điều tiết, định hướng tiêu dùng, giảm mức độ sử dụng đồ uống có cồn mà vẫn giúp các doanh nghiệp sản xuất bia rượu trong nước ổn định phát triển sản xuất kinh doanh" - đó là ý kiến của ông Nguyễn Văn Phụng, nguyên Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn (Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính) góp ý xây dựng dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (Thuế TTĐB) sửa đổi.

Ngày 21/6/2023, Bộ Tài chính đã chính thức có tờ trình Chính phủ về đề nghị xây dựng dự án Luật Thuế TTĐB (sửa đổi). Đây là kết quả của quá trình nghiên cứu, cụ thể hóa chủ trương của Đảng và Nhà nước để định hướng đề xuất chính sách, tổng kết đánh giá thực tiễn thi hành Luật Thuế TTĐB trong thời gian qua với sự góp ý của các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp.

Những nội dung chính của Luật Thuế TTĐB được Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi gồm: Mở rộng cơ sở thuế, đưa vào diện chịu thuế TTĐB các hàng hóa dịch vụ như nước giải khát có đường, thức uống đại mạch, nước giải khát không cồn, sản phẩm thuốc lá mới, kinh doanh dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng; bổ sung quy định về căn cứ tính thuế và phương pháp tính thuế; quy định về Biểu thuế, mức thuế TTĐB (bổ sung), trong đó có việc điều chỉnh thuế suất thuế TTĐB đối với thuốc lá, rượu bia; mô tả cụ thể các mặt hàng chịu thuế trong Biểu thuế TTĐB; quy định nội dung của một số điều luật, đảm bảo sự thống nhất giữa Luật Thuế TTĐB và các luật chuyên ngành có liên quan.

Góp ý dự thảo luật, nhiều ý kiến bày tỏ sự đánh giá cao và đồng tình với quan điểm và nhiều nội dung sửa đổi, bổ sung do Bộ Tài chính đề xuất. Tuy nhiên, cũng còn không ít ý kiến khác nhau liên quan phương pháp tính thuế, điều chỉnh thuế suất, việc bổ sung một số mặt hàng vào diện đánh thuế TTĐB như thức uống đại mạch, nước giải khát có đường và nước giải khát không cồn…

Duy trì phương pháp tính Thuế TTĐB đối với rượu, bia theo tỷ lệ phần trăm và cân nhắc điều chỉnh tăng thuế suất theo lộ trình phù hợp với nhịp của thị trường và sức khỏe của doanh nghiệp.

Duy trì phương pháp tính Thuế TTĐB đối với rượu, bia theo tỷ lệ phần trăm và cân nhắc điều chỉnh tăng thuế suất theo lộ trình phù hợp với nhịp của thị trường và sức khỏe của doanh nghiệp.

Đáng chú ý, đối với sản phẩm rượu, bia, nhiều chuyên gia đồng tình với đề xuất của Bộ Tài chính về việc giữ nguyên phương pháp tính thuế tương đối như hiện nay. Lý do là việc thay đổi cách tích thuế thời điểm hiện tại sẽ tác động rất lớn tới hoạt động sản xuất kinh doanh của ngành rượu, bia vốn đang gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19, tác động bất lợi từ một số cơ chế chính sách liên quan (Luật Phòng chống tác hại rượu bia, Nghị định 100/2019/NĐ-CP), mặt khác sẽ làm mất khả năng cạnh tranh của bia phổ thông thương hiệu Việt (hiện chiếm tới 80% thị phần), ảnh hưởng đến thu ngân sách Nhà nước.

Bên cạnh đó, cũng có ý kiến cho rằng, cần áp dụng phương pháp tính thuế tuyệt đối và hỗn hợp như ở nhiều nước trên thế giới.

Về thuế suất TTĐB đối với mặt hàng rượu, bia, Bộ Tài chính đề xuất điều chỉnh tăng mức thuế suất thuế TTĐB để tăng giá bán rượu, bia ít nhất 10% theo khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và lộ trình tăng thuế theo mức tăng thu nhập và lạm phát. Nhiều ý kiến cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, cần cân nhắc kỹ lộ trình của việc tăng thuế suất thuế TTĐB đối với rượu, bia.

Cần sự hỗ trợ và chung tay của Nhà nước

Góp ý Dự án Luật Thuế TTĐB (sửa đổi), Luật sư Nguyễn Thị Quỳnh Anh - Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam đề xuất sửa đổi chính sách đối với sản phẩm rượu, bia thuộc nhóm đồ uống có cồn. Đây là những mặt hàng chịu tác động nhiều nhất trong thời gian qua bởi ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 và chính sách pháp luật như Luật Phòng chống tác hại rượu, bia, Luật Đầu tư, nhất là kể từ khi Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt có hiệu lực.

luật sư Nguyễn Thị Quỳnh Anh, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam

Luật sư Nguyễn Thị Quỳnh Anh, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam

Theo Luật sư Nguyễn Thị Quỳnh Anh, khi điều chỉnh tăng Thuế TTĐB đối với đồ uống có cồn, các nhà hoạch định chính sách cần quan tâm, hướng tới 3 mục tiêu: Điều tiết tiêu dùng, giảm tác động tiêu cực của đồ uống có cồn đến sức khoẻ con người; đảm bảo nguồn thu cho ngân sách nhà nước ổn định, bền vững; và đảm bảo tính công bằng của chính sách thuế cho xã hội và doanh nghiệp, bảo vệ ngành đồ uống trong nước.

Tuy nhiên, thực tế hiện nay và dự báo trong thời gian tới, ngành rượu bia đã và đang đối mặt với nhiều khó khăn khiến sản lượng sản xuất, tiêu thụ bia sụt giảm, tốc độ tăng trưởng âm, gây nhiều khó khăn, thách thức cho ngành. Trong bối cảnh đó, hơn lúc nào hết, đây là thời điểm ngành bia rất cần sự hỗ trợ và chung tay của Nhà nước để có thể duy trì sản xuất, phát triển, đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm rượu bia thương hiệu Việt mà họ đã phải mất rất nhiều năm để có thể gây dựng tên tuổi trên thị trường trong nước, dần vươn ra thị trường thế giới.

Luật sư Nguyễn Thị Quỳnh Anh cho rằng, việc Nhà nước tiếp tục duy trì phương pháp tính thuế theo tỉ lệ như hiện nay, đồng thời có cân nhắc lộ trình tăng thuế suất một cách hợp lý dựa trên tình hình kinh tế - xã hội trong từng giai đoạn, thì một mặt vẫn có thể đảm bảo được nguồn thu ngân sách ổn định, điều tiết tiêu dùng, mặt khác vẫn góp phần duy trì sức cạnh tranh của các thương hiệu rượu bia Việt đang chiếm tỷ trọng đáng kể trong cơ cấu tiêu dùng của người dân Việt Nam cũng như cơ cấu của ngành đồ uống có cồn Việt Nam.

>>Áp thuế thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường là vấn đề cấp bách

TS. Cấn Văn Lực

TS. Cấn Văn Lực

Chia sẻ về vấn đề này, TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - tiền tệ Quốc gia cho hay, hiện nay Thuế TTĐB đang áp dụng với rượu từ 35 đến 65% (tùy loại), bia là 65%. Thời gian qua, Thuế TTĐB đã được điều chỉnh tăng lên cùng với việc Chính phủ tăng cường các biện pháp hạn chế rượu bia như Nghị định 100/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm trong lĩnh vực giao thông, trong đó có quy định về xử phạt lái xe mà trong máu và hơi thở có cồn đã phần nào hạn chế tình trạng sử dụng rượu bia tại Việt Nam. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn xếp thứ 2 khu vực Đông Nam Á, xếp thứ 3 châu Á về mức tiêu thụ bình quân rượu bia/người theo số liệu của năm 2021.

Do đó, việc đề xuất theo hướng tăng thuế đối với như dự thảo có thể là phù hợp, nhưng cần tính đến lộ trình và thời điểm tăng thuế suất phù hợp, nhất là hiện nay lĩnh vực này đang rất khó khăn.

Tiếp tục duy trì phương pháp tính thuế theo tỉ lệ phần trăm

Đối với việc thay đổi cách tính thuế, ông Nguyễn Văn Phụng, nguyên Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn (Tổng Cục thuế, Bộ Tài chính) cho biết, thuế tương đối hay thuế theo tỷ lệ phần trăm (%) tính trên cơ sở tính thuế (giá tính thuế, trị giá tính thuế, doanh thu tính thuế, …), thuế tuyệt đối, hay thuế hỗn hợp (gồm cả thuế tuyệt đối và thuế phần trăm) là các phương pháp tính thuế đều có những ưu điểm cũng như các nhược điểm nhất định.

Ông Nguyễn Văn Phụng, nguyên Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn (Tổng Cục thuế, Bộ Tài chính)

Ông Nguyễn Văn Phụng, nguyên Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn (Tổng Cục thuế, Bộ Tài chính)

Việt Nam đã có quy định về phương pháp tính thuế hỗn hợp, phương pháp tính thuế theo tỷ lệ phần trăm, phương pháp tính thuế tuyệt đối tại Luật Thuế Xuất khẩu, Thuế Nhập khẩu (Luật số 107/2016/QH13 ngày 06/04/2016).

Cũng theo ông Phụng, đóng góp cho NSNN của ngành công nghiệp đồ uống trong giai đoạn gần đây tương đối cao và ổn định (từ 50.000 tỷ đồng/năm đến 56.800 tỷ đồng/năm). Trong bối cảnh các doanh nghiệp trong ngành đồ uống đang cần phục hồi sau ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19, mức đóng góp ngân sách như vậy là rất đáng khích lệ.

Nếu thay đổi phương pháp tính thuế mà không đánh giá tác động một cách kỹ lưỡng, ảnh hưởng đến khả năng sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp bia phổ thông thương hiệu Việt (đang sản xuất tại các nhà máy bia địa phương trải khắp cả nước) sẽ gián tiếp ảnh hưởng rất lớn đến thu NSNN cũng như cân đối ngân sách của các địa phương. Khi thị phần sụt giảm do mặt bằng giá bị đẩy cao lên (bởi tác động của thuế), sản lượng sản xuất và tiêu thụ giảm, đóng góp NSNN qua đó cũng sẽ giảm theo là điều dễ được nhận biết.

Cũng theo ông Phụng, lựa chọn phương pháp tính thuế nào là lựa chọn của mỗi quốc gia, vùng lãnh thổ, sao cho phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước để đảm bảo trong xu thế hội nhập của thế giới phải tạo ra lợi thế của quốc gia mình. Vì vậy, trong điều kiện thực tế của Việt Nam hiện nay, ông cho rằng thời điểm này chưa phải là thời điểm thích hợp để áp dụng phương pháp hỗn hợp hay phương pháp tuyệt đối, kể cả trên phương diện thu NSNN và chi phí quản lý thuế.

Nguyên Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn (Tổng cục Thuế) đề xuất tiếp tục duy trì phương pháp tính Thuế TTĐB đối với rượu, bia theo tỷ lệ phần trăm và cân nhắc điều chỉnh tăng thuế suất theo lộ trình phù hợp với nhịp của thị trường và sức khỏe của doanh nghiệp. Nếu được chấp nhận, việc tăng thuế tỷ lệ phần trăm ở mức vừa phải và lộ trình như nêu trên có thể được xem là phương án có hiệu quả trong phân bổ nguồn lực sẽ giúp đảm bảo ổn định nguồn thu NSNN, đồng thời vẫn điều tiết, định hướng tiêu dùng, giảm mức độ sử dụng đồ uống có cồn mà vẫn giúp các doanh nghiệp sản xuất bia rượu trong nước ổn định phát triển sản xuất kinh doanh.

Đồng quan điểm, với những xem xét các chiều cạnh mục tiêu chính sách, thực trạng và đặc điểm thị trường bia rượu Việt Nam hiện nay cũng như kết quả các nghiên cứu gần đây, TS.Võ Trí Thành cho rằng nên giữ nguyên phương pháp tính thuế TTĐB tương đối và điều chỉnh thuế suất thuế TTĐB đối với rượu, bia từ sau năm 2026 theo lộ trình.

PGS-TS. Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam

PGS.TS Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam

Còn theo PGS.TS Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam chưa nên sửa đổi Luật Thuế TTĐB, ít nhất trong thời gian 2023-2025 và ổn định chính sách thuế như hiện nay để giúp các doanh nghiệp vượt qua khó khăn và phục hồi.

“Khi chưa có đầy đủ cơ sở khoa học thuyết phục cũng như chưa đánh giá tác động đầy đủ đối với việc mở rộng các đối tượng chịu thuế TTĐB, chúng tôi đề nghị cân nhắc, chưa nên bổ sung mặt hàng nước giải khát có đường, thức uống đại mạch và nước giải khát không cồn vào đối tượng chịu Thuế TTĐB”, ông Việt chia sẻ.

Có thể bạn quan tâm

  • Sửa Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt: Tìm điểm

    Sửa Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt: Tìm điểm "cân bằng" trong chính sách thuế

    11:20, 29/06/2023

  • Áp thuế thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường là vấn đề cấp bách

    Áp thuế thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường là vấn đề cấp bách

    03:30, 17/05/2023

  • Chuyên gia, doanh nghiệp lo ngại về áp thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường

    Chuyên gia, doanh nghiệp lo ngại về áp thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường

    13:09, 05/05/2023

  • Cân nhắc việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt với một số mặt hàng, dịch vụ

    Cân nhắc việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt với một số mặt hàng, dịch vụ

    03:30, 19/04/2023

  • Áp thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường: Vì sao còn băn khoăn?

    Áp thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường: Vì sao còn băn khoăn?

    03:00, 05/04/2023

  • Đề xuất áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường, nước giải khát: Lợi bất cập hại

    Đề xuất áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường, nước giải khát: Lợi bất cập hại

    16:01, 31/03/2023

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Sửa Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt: Cần giải pháp hài hòa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO