Việt Nam đang trở nên hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư nước ngoài khi trở thành thành viên của nhiều Hiệp định tự do thương mại.
Ông Tony Chu – Giám đốc Bán hàng và phát triển của Công ty Logisitcs KPL cho biết, sẽ đến Việt Nam để tìm kiếm cơ hội đầu tư, sau khi thực hiện sứ mệnh tương tự ở các quốc gia Đông Nam Á khác như Thái Lan, Indonesia và Malaysia.
Cụ thể, ông Tony Chu cho biết: “Chúng tôi đang chứng kiến sự thay đổi trong hoạt động đầu tư từ các tập đoàn lớn sang Việt Nam, nơi được đánh giá là có nhu cầu phát triển cơ sở hạ tầng rất lớn”.
Cũng theo ông Tony Chu “Trước đó nhiều nhà đầu tư Mỹ tại Việt Nam cũng đang tìm kiếm các đối tác để phát triển mạng lưới logistic của riêng họ tại Việt Nam. Vì vậy,chúng tôi cho rằng đây là cơ hội để hợp tác với họ”.
Không chỉ tìm kiếm cơ hội hợp tác về phát triển logistics, một doanh nghiệp khác với mong muốn ứng dụng công nghệ 4.0 vào hoạt động sản xuất cũng đã tìm đến Việt Nam. Như trường hợp của ông Nick Miller, Giám đốc tài chính của ứng dụng di động giúp người nông dân chia sẻ tài nguyên được phát triển dựa trên nền tảng blockchain mang tên Ag Agitycủa (Úc) cho biết, đã sẵn sàng bắt đầu thực hiện một dự án thí điểm xung quanh chuỗi giá trị gạo tại Việt Nam.
Để hiện thực hoá dự án này, Nick Miller cho biết, đã hợp tác với 2 công ty nông nghiệp Việt Nam là Công ty cổ phần nông nghiệp công nghệ cao Trung Thành và Tập đoàn PAN, thông qua Mekongopingech Challenge (MATCh).
Ông Millerkỳ vọng rằng, “nếu ứng dụng của được triển khai thành công tại Việt Nam, chúng tôi sẽ tìm cách ứng dụng sang các chuỗi giá trị khác và hợp tác với nhiều đối tác địa phương hơn”.
Đáng chú ý, trong xu hướng chuyển dịch dòng vốn FDI, KPL và AgUnity là hai trong số nhiều nhà đầu tư, sản xuất thế giới coi Việt Nam là điểm đến đầu tư an toàn và hấp dẫn tại khu vực Đông Nam Á. Bên cạnh môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam đang được cải thiện, lực lượng lao động trẻ là những người am hiểu công nghệ và chăm chỉ... thì việc Việt Nam là thành viên của nhiều FTA chính là sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư, như chia sẻ của ông Tony Chu.
Hiện nay, Việt Nam, một thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới, đã tham gia 12 hiệp định thương mại tự do (FTA), bao gồm 6 thỏa thuận giữa ASEAN và các đối tác lớn như Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Ngoài ra, năm 2019 cũng ghi nhận Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương CPTPP có hiệu lực tại Việt Nam. Thông tin từ website, Hội đồng bộ trưởng EU mới đây đã phê chuẩn thỏa thuận EVFTA, mở đường cho việc ký kết chính thức dự kiến vào ngày 30/6 này.
Theo đánh giá của các chuyên gia, những FTA này đang mở ra cơ hội cho hơn 50 nền kinh tế thực hiện xuất khẩu và đầu tư vào Việt Nam.
Cụ thể, theo ông Mauro Petriccione, trưởng đoàn đàm phán của EU và Phó tổng giám đốc phụ trách thương mại tại Ủy ban châu Âu, đánh giá cao EVFTA. Đây sẽ là công cụ hỗ trợ tuyệt vời cho các nhà đầu tư châu Âu để tăng chuỗi giá trị của họ tại Việt Nam so với các quốc gia khác.
Số liệu từ EU cho thấy Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn thứ hai của khối này trong khu vực Đông Nam Á, chỉ sau Singapore. Theo đó, tổng thương mại hàng hóa giữa EU và Việt Nam đạt gần 50 tỉ euro/năm, trong khi nhánh dịch vụ là gần 4 tỉ euro.
Đối với xuất khẩu của Việt Nam, ngay khi EVFTA có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với khoảng 85,6% số dòng thuế, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU.
Sau 7 năm kể từ khi hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 99,2% số dòng thuế, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Đối với khoảng 0,3% kim ngạch xuất khẩu còn lại, EU cam kết dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan với thuế nhập khẩu trong hạn ngạch là 0%.
Như vậy, có thể nói gần 100% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu sau một lộ trình ngắn. Cho đến nay, đây là mức cam kết cao nhất mà một đối tác dành cho Việt Nam trong các FTA đã được ký kết. Lợi ích này đặc biệt có ý nghĩa khi EU liên tục là một trong hai thị trường xuất khẩu lớn nhất của ta hiện nay.
Ở chiều ngược lại, đối với hàng xuất khẩu của EU, Việt Nam cam kết sẽ xóa bỏ thuế quan ngay khi hiệp định có hiệu lực với 48,5% số dòng thuế (chiếm 64,5% kim ngạch nhập khẩu). Tiếp đó, sau 7 năm, 91,8% số dòng thuế tương đương 97,1% kim ngạch xuất khẩu từ EU được Việt Nam xóa bỏ thuế nhập khẩu.
Sau 10 năm, mức xóa bỏ thuế quan là khoảng 98,3% số dòng thuế (chiếm 99,8% kim ngạch nhập khẩu). Đối với khoảng 1,7% số dòng thuế còn lại của EU, Việt Nam áp dụng lộ trình xóa bỏ thuế nhập khẩu dài hơn 10 năm hoặc áp dụng hạn ngạch thuế quan theo cam kết WTO.
Bên cạnh đó, "hiệp định này là một cơ hội lớn cho các nhà xuất khẩu châu Âu. Bởi, Việt Nam có một nền kinh tế sôi động với hơn 90 triệu người tiêu dùng, tầng lớp trung lưu đang phát triển và lực lượng lao động trẻ và năng động. Đây là một thị trường có tiềm năng lớn cho xuất khẩu nông sản, công nghiệp và dịch vụ của EU", ông Mauro Petriccione nhấn mạnh.
Hiệp định Bảo hộ đầu tư (IPA) bao gồm các quy định hiện đại về bảo hộ đầu tư cho phép việc thực thi và triển khai thông qua Hệ thống mới tòa án về đầu tư, đồng thời vẫn đảm bảo các chính phủ cả 2 phía có quyền điều tiết các lợi ích của công dân.
Hiệp định này sẽ thay thế các hiệp định đầu tư song phương mà 21 nước thành viên EU đã ký với Việt Nam, triển khai một khung pháp lý mới đảm bảo ngăn ngừa xung đột về lợi ích cũng như tăng cường minh bạch.
Theo nghiên cứu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, EVFTA sẽ giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng thêm khoảng 20% vào năm 2020; 42,7% vào năm 2025 và 44,37% vào năm 2030 so với không có hiệp định. Đồng thời, kim ngạch nhập khẩu từ EU cũng tăng nhưng với tốc độ thấp hơn xuất khẩu, cụ thể là khoảng 15,28% vào năm 2020; 33,06% vào năm 2025 và 36,7% vào năm 2030.
Về mặt vĩ mô, EVFTA góp phần làm GDP của Việt Nam tăng thêm ở mức bình quân 2,18 - 3,25% (năm 2019 - 2023); 4,57 - 5,30% (năm 2024 - 2028) và 7,07 - 7,72% (năm 2029 - 2033).
Ngoài ra, những cam kết về dịch vụ - đầu tư, mua sắm chính phủ cũng như những quy định cụ thể về mở cửa thị trường và biện pháp kỹ thuật trong một số lĩnh vực cụ thể cũng sẽ tạo cơ hội cho doanh nghiệp, sản phẩm hàng hóa và dịch vụ của EU tiếp cận được thuận lợi hơn thị trường gần 100 triệu dân của Việt Nam. Đồng thời giúp người tiêu dùng Việt Nam được tiếp cận nguồn cung các sản phẩm và dịch vụ chất lượng cao từ EU trong các lĩnh vực như dược phẩm, chăm sóc sức khỏe, xây dựng hạ tầng và giao thông công cộng…