Sau hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Nam Định, bất động sản của địa phương này trở nên hấp dẫn nhà đầu tư.
Trước bối cảnh chuyển mình mạnh mẽ của đất nước, tỉnh Nam Định nổi lên như một điểm sáng trên bản đồ công nghiệp của Việt Nam.
Lợi thế tiềm năng
Nhiều tập đoàn lớn của nước ngoài như Công ty THHH Youngone, Toyota, Công ty TNHH tư nhân Herberton… đặt trụ sở sản xuất và không ngừng gia tăng vốn đầu tư tại đây.
Tính đến nay, Nam Định đã quy hoạch 8 khu công nghiệp với tổng diện tích 2.003ha. Trong đó 04 khu công nghiệp Hòa Xá, Mỹ Trung, Bảo Minh, Rạng Đông đã và đang xây dựng với tổng diện tích 1.110ha.
Nam Định có khoảng 34.788 cơ sở sản xuất công nghiệp, trong đó có 1.854 doanh nghiệp và 32.934 hộ cá thể. Tổng sản phẩm công nghiệp chiếm 28,94% trong cơ cấu tổng sản phẩm của tỉnh.
Phát triển công nghiệp đã tạo thêm nhiều việc làm mới cho người lao động. Đến nay số lao động của ngành công nghiệp khoảng 205.000 người. Trong đó: khu vực doanh nghiệp là 132.000 chiếm 64,4% tổng số lao động ngành công nghiệp và tăng 10,7%. Khu vực cá thể 73.000 người, chiếm 35,6% tổng số lao động ngành công nghiệp và tăng 0,6% so với năm trước. Lao động công nghiệp năm 2010 là 143.519 người, năm 2015 là 163.149 người.
Dựa trên tiềm năng và lợi thế này, Nam Định định hướng tạo lập môi trường đầu tư hấp dẫn, thu hút phát triển công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, chế biến chế tạo, đặc biệt là phát triển sản xuất công nghiệp trong các KCN. Theo tính toán của tỉnh Nam Định, trong thời kỳ quy hoạch, nhu cầu phát triển công nghiệp công nghệ cao của tỉnh là rất lớn, nhất là nhu cầu mở rộng diện tích KCN (dự kiến trên 3.500ha vào năm 2030).
Cùng với đó, Nam Định nâng cao tính chuyên nghiệp và chủ động xúc tiến đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, gắn với đính hướng phát triển kinh tế – xã hội. Quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực có tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, hướng tới các nhà đầu tư lớn đến từ Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore và các tập đoàn lớn trong nước như: Vingroup, Sungroup… chú trọng công tác xúc tiến đầu tư tại chỗ, tích cực hỗ trợ các nhà đầu tư trong quá trình triển khai thực hiện dự án nhằm khuyến khích doanh nghiệp tái đầu tư và mở rộng sản xuất.
Còn nhiều dư địa
Được biết, hiện nay thị trường bất động sản công nghiệp phía bắc mới nổi như Quảng Ninh, Hải Phòng, Vĩnh Phúc và Bắc Giang đang là những điểm thu hút vốn FDI, có khả năng cung cấp nguồn cung chất lượng cao cùng với giá cho thuê cạnh tranh, tiệm cận nhóm khu vực cấp 1.
Tuy nhiên, sau hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Nam Định thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và xúc tiến đầu tư năm 2024, Nam Định đã được biết đến với nhiều tiềm năng dư địa cho thị trường này. Được biết, hiện đã có nhiều doanh nghiệp, tập đoàn quy mô lớn tiếp cận, xúc tiến cơ hội đầu tư vào tỉnh.
Các nhà đầu tư đã đặt chân tại Nam Định đang đẩy nhanh tiến độ các phần việc để sớm được triển khai các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng các khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN). Đáng kể như các KCN: Hải Long quy mô khoảng 1.100ha, Minh Châu quy mô khoảng 300ha, Nam Hồng quy mô khoảng 200ha... Từ thực tế có thể thấy đây mới chỉ là khởi đầu trong lộ trình tăng trưởng đầu tư vào hạ tầng các khu, CCN.
Trong bối cảnh, dòng vốn FDI tại Việt Nam duy trì tăng trưởng tốt nhờ lợi thế các chính sách ưu đãi thuế cùng với việc nhiều doanh nghiệp quốc tế đang dịch chuyển dần ra miền Bắc tìm kiếm các địa điểm mới cho sản xuất và chuỗi logistics, Nam Định trở thành địa điểm hấp dẫn các nhà đầu tư do còn nhiều dư địa dài hạn cho đầu tư bất động sản công nghiệp với tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ.
Theo Quy hoạch tỉnh, thời kỳ 2021-2030 tỉnh quy hoạch mới 8 KCN với diện tích là 1.454,80ha; cùng với 4 KCN đã hình thành (Hoà Xá, Mỹ Trung, Dệt may Rạng Đông, Bảo Minh) nâng tổng diện tích đất KCN lên 2.546ha vào năm 2030. Trong giai đoạn tiếp theo (2031-2050) Nam Định sẽ mở rộng, tăng thêm 30 KCN mới với diện tích 5.843ha, nâng tổng số đến năm 2050 tỉnh có 42 KCN với tổng diện tích 8.389,48ha.
Đối với quy hoạch các CCN cấp huyện, thời kỳ 2021-2030, tỉnh quy hoạch 46 CCN với tổng diện tích 2.603,7ha; cùng với 24 CCN đã thành lập với tổng diện tích 496,2ha nâng tổng số lên 70 CCN với tổng diện tích khoảng 3.178,5ha. Giai đoạn 2031-2050 tập trung lấp đầy diện tích các CCN đã thành lập và mở rộng 11 CCN đã có với tổng diện tích mở rộng là 272,5ha, nâng tổng diện tích CCN đến năm 2050 lên khoảng 3.451ha.
Ông Phạm Gia Túc – Bí thư tỉnh Nam Định cho biết: Tỉnh đã chủ động lựa chọn, bố trí quỹ đất các khu, CCN gắn với các trục động lực phát triển của tỉnh và các hành lang phát triển của vùng đồng bằng sông Hồng (ĐBSH). Đây là những vị trí kết nối giao thông và giao thương thông suốt, thuận tiện với các thành phố lớn có sân bay, cảng biển như Hà Nội, Hải Phòng...
Điều này giúp các khu, CCN nâng cao lợi thế cạnh tranh và khả năng thu hút các nhà đầu tư thứ cấp bởi sự đồng bộ về cơ sở hạ tầng kỹ thuật, khả năng liên kết, mở rộng và các thuận tiện trong chuỗi cung ứng dịch vụ.
Bên cạnh đó, xét về dài hạn, Nam Định còn nhiều khía cạnh có giá trị hấp dẫn cao với nhà đầu tư bất động sản công nghiệp. Nam Định nằm ở vị trí chiến lược, gần các trung tâm công nghiệp lớn như Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh, rất thuận lợi cho việc kết nối giao thông và vận chuyển hàng hóa, đặc biệt qua các tuyến cao tốc và các cảng biển lân cận.
Tỉnh được Chính phủ xác định sẽ là một cực phát triển quan trọng của tiểu vùng Nam ĐBSH, trung tâm kinh tế hiện đại, động lực phát triển quan trọng; điểm kết nối giao thương hàng hóa, dịch vụ và văn hóa của vùng.
Nam Định đã và đang tập trung đầu tư mạnh vào hạ tầng kỹ thuật theo hướng hiện đại, kết nối liên vùng và quốc gia trọng tâm là hạ tầng giao thông, nhất là nâng cấp, đầu tư mới tuyến đường bộ ven biển và các tuyến cao tốc Hà Nam - Nam Định (CT.11) giai đoạn 1 từ thành phố Phủ Lý đến thành phố Nam Định, cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng đoạn qua các tỉnh Nam Định, Thái Bình... Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa và thu hút các nhà đầu tư vào lĩnh vực bất động sản công nghiệp.
Trong những năm gần đây, cộng đồng doanh nghiệp, trong đó có các nhà đầu tư nước ngoài có quy mô lớn, vị thế top đầu trên toàn cầu (như các Tập đoàn Quanta Computer Inc, Tập đoàn JiaWei của Đài Loan, Trung Quốc, Tập đoàn Sunrise Material của Singapore...) đánh giá rất tích cực tính năng động, linh hoạt, sáng tạo trong hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết thủ tục hành chính, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, các vấn đề phát sinh của các cơ quan chính quyền tỉnh Nam Định, giúp nhà đầu tư tiếp cận dễ dàng hơn với thị trường và giảm chi phí đầu tư ban đầu.
Đây là "điểm cộng" quan trọng đối với chính quyền tỉnh, góp phần nâng cao sức cạnh tranh cho môi trường đầu tư, giúp tỉnh đã và đang ngày càng có thêm nhiều nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước tin tưởng, lựa chọn để đầu tư các dự án đa dạng ngành, lĩnh vực, nhất là các dự án công nghệ cao.
Tại buổi làm việc của Tập đoàn VSIP miền Bắc, miền Trung và Tây Nam Bộ của Việt Nam (đại diện nhà đầu tư KCN Hải Long), ông Lee Ark Boon - Tổng Giám đốc Sembcorp Development, đồng Chủ tịch Hội đồng thành viên chia sẻ, đánh giá cao tinh thần quyết liệt, hành động chuyên nghiệp trong hỗ trợ nhà đầu tư, doanh nghiệp của các cấp chính quyền, ngành chức năng của tỉnh mà VSIP đã trực tiếp trải nghiệm trong thời gian tiếp cận, tìm hiểu, xúc tiến đầu tư.
Ông Lee Ark Boon khẳng định: "đó là yếu tố mấu chốt để Tập đoàn Sembcorp và Công ty VSIP Việt Nam đi đến quyết định đầu tư thực hiện dự án xây dựng KCN Hải Long". Ông cho biết đây cũng là một trong những thuận lợi cho Tập đoàn Sembcorp và Công ty VSIP Việt Nam khi quảng bá, thu hút các nhà đầu tư thứ cấp đầu tư vào KCN Hải Long sau khi hoàn tất xây dựng.
Với những giá trị thiết thực hiện hữu, Nam Định đang trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn cho các doanh nghiệp muốn đầu tư vào bất động sản công nghiệp tại Việt Nam.