Ngày 22/1, tỉnh Hòa Bình tổ chức Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Hòa Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
>>Hoà Bình: Giải “bài toán“ nâng cao chỉ số PCI
Điểm nhấn đầu tư trung du miền núi phía Bắc
Hòa Bình có vị trí chiến lược, nằm ở vị trí cửa ngõ của vùng Tây Bắc, tiếp giáp với thủ đô Hà Nội về phía Đông, là cực tăng trưởng của tiểu vùng phía Tây gồm Hòa Bình - Sơn La - Điện Biên thuộc Vùng Trung du, miền núi phía Bắc. Với nhiều tiềm năng, lợi thế, nguồn lực phong phú là điều kiện, tiền đề để Hòa Bình bước vào thời kỳ phát triển mới, tạo sự bứt phá vươn lên trở thành tỉnh có trình độ phát triển khá, có mức thu nhập bình quân thuộc nhóm dẫn đầu vùng trung du, miền núi phía Bắc.
Thời gian qua, với sự hỗ trợ của Chính phủ, các ban, bộ, ngành Trung ương và người dân, doanh nghiệp, tỉnh Hòa Bình đã đạt nhiều kết quả quan trọng, khá toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực; tiềm năng, lợi thế của tỉnh từng bước được phát huy.
Quy hoạch tỉnh Hòa Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được xây dựng và phê duyệt thống nhất, đồng bộ với quy hoạch, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của vùng và cả nước. Đồng thời, quy hoạch phù hợp với định hướng, chủ trương tại Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh Vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Qua đó, công tác xây dựng Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 có ý nghĩa quan trọng và phải đi trước một bước. Đây là công cụ cần thiết để hoạch định, quản lý, điều hành thống nhất, xuyên suốt kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngành, lĩnh vực cũng như phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực của tỉnh.
Phát biểu tại Hội nghị ông Nguyễn Phi Long, Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình nhấn mạnh, quy hoạch tỉnh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1648/QĐ-TTg ngày 20/12/2023 có vai trò, ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển của tỉnh. Đây là bước thể chế, khái quát hóa về tầm nhìn, quan điểm, mục tiêu, định hướng phát triển của tỉnh và từng ngành, lĩnh vực, địa phương trong dài hạn, đồng thời là cơ sở pháp lý quan trọng để tổ chức sắp xếp không gian lãnh thổ, phân bổ nguồn lực, thu hút đầu tư, phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh; hiện thực hóa mục tiêu đưa tỉnh Hòa Bình đạt trình độ phát triển khá, có mức thu nhập bình quân thuộc nhóm dẫn đầu vùng trung du và miền núi phía Bắc.
Các nhiệm vụ trọng tâm phát triển kinh tế
Với mục tiêu tỉnh Hòa Bình đạt trình độ phát triển khá, có mức thu nhập bình quân thuộc nhóm dẫn đầu vùng Trung du và miền núi phía Bắc, có nguồn nhân lực chất lượng cao, hoàn thành mục tiêu chuyển đổi số trên tất cả các lĩnh vực, năng lực cạnh tranh của tỉnh thuộc tốp khá của cả nước.
Kinh tế phát triển với công nghiệp là động lực, du lịch là mũi nhọn, nông nghiệp sản xuất hàng hóa, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ là nền tảng, gắn kết với hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại và hệ thống đô thị xanh, thông minh.
Tài nguyên thiên nhiên, môi trường được quản lý chặt chẽ, khai thác, sử dụng hiệu quả. Đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân được cải thiện, các giá trị bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc được giữ gìn và phát huy. Chủ động tham gia hội nhập quốc tế và kết nối với các trung tâm kinh tế lớn của đất nước; quốc phòng, an ninh được bảo đảm vững chắc.
Để đạt được mục tiêu đã đề ra, thời gian qua tỉnh Hoà Bình luôn bám sát 7 quan điểm phát triển, với quan điểm xuyên suốt là: Phát triển bao trùm, hài hòa; kinh tế phát triển nhanh và bền vững trên cơ sở phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế liền kề với thành phố Hà Nội, nằm trong quy hoạch xây dựng vùng Thủ đô Hà Nội, đồng thời là cửa ngõ kết nối Hà Nội với tiểu vùng Tây Bắc; tập trung vào bốn trụ cột bao gồm: 1. Công nghiệp chế biến, chế tạo, 2. Nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, 3. Du lịch, và 4. Nhà ở vệ tinh gắn với giữ gìn bản sắc và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc, bảo đảm tiến bộ, công bằng xã hội, cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân.
Các phương án, định hướng phát triển và giải pháp thực hiện quy hoạch tỉnh Hòa Bình hướng đến mục tiêu phát triển 2 vùng động lực tăng trưởng kinh tế là thành phố Hòa Bình, huyện Lương Sơn và phát triển đa cực các đô thị là cầu nối giữa Thủ đô Hà Nội và vùng Trung du và miền núi phía Bắc. Đồng thời, đánh thức tiềm năng vùng lòng Hồ Hòa Bình; thực hiện 5 đột phá phát triển; 2 hành lang kinh tế; 4 ngành kinh tế quan trọng là công nghiệp, dịch vụ, nông nghiệp và nhà ở vệ tỉnh gắn với đảm bảo an sinh xã hội và giữ vững quốc phòng, an ninh.
Quy hoạch tỉnh được xây dựng trên cơ sở kế thừa và phát triển quan điểm của tỉnh qua các thời kỳ, trọng tâm là Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025.
Tại hội nghị ông Bùi Văn Khánh, Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình cam kết nỗ lực, năng động, đổi mới sáng tạo, quyết liệt hơn nữa trong chỉ đạo, điều hành theo tinh thần “làm gương, kỷ cương, trọng tâm, bứt phá”; chuyển đổi tư duy từ “chính quyền quản lý” sang “chính quyền phục vụ”, trong đó lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm phục vụ; nâng cao đạo đức công vụ, lấy lợi ích, hạnh phúc và sự hài lòng của người dân là thước đo của sự phát triển...
Có thể bạn quan tâm