Sức bật mới của tỉnh Hoà Bình

TIẾN VIỆT 23/02/2023 10:56

Hòa Bình nhất định sẽ tạo sức bật mới trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh.

>>Hoà Bình ưu tiên phát triển 4 trụ cột kinh tế

 Hoà Bình cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh

Hoà Bình cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh

Đây là khẳng định của Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Phi Long tại cuộc họp Ban Chỉ đạo cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh tỉnh Hòa Bình, vừa qua. Để làm được điều này, thời gian tới, cả hệ thống chính trị của tỉnh Hòa Bình phải nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu các sở, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố; quan tâm hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho người dân và doanh nghiệp, nhà đầu tư trong việc triển khai các thủ tục, dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh.

Tiềm năng – lợi thế

Với những tiềm năng, lợi thế đặc thù phát triển nông nghiệp, dịch vụ, công nghiệp và các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư thuận lợi, minh bạch, hấp dẫn đã mở ra những cơ hội lớn để tỉnh Hòa Bình tiếp tục bứt phá, phát triển. Là tỉnh nằm trong quy hoạch vùng thủ đô Hà Nội. Với diện tích 4.590,5 km2, dân số 942.871 người (năm 2021) tỉnh Hòa Bình có điều kiện tự nhiên đa dạng, phong phú, là điều kiện lý tưởng để phát triển nhiều lĩnh vực kinh tế như du lịch, dịch vụ, nông nghiệp, công nghiệp… Tuyến đường Hòa Lạc – Hòa Bình rút ngắn thời gian di chuyển từ thủ đô Hà Nội tới Hòa Bình chỉ gần 1 giờ ô tô chạy.

Với mạng lưới giao thông thuận lợi, tỉnh Hòa Bình có vị trí chiến lược, nằm trong vùng trọng điểm kinh tế phía bắc, giáp thủ đô Hà Nội nơi có sân bay quốc tế Nội Bài. Đồng thời, vị trí của tỉnh nằm trên trục giao thông nối liền thủ đô Hà Nội với các tỉnh Tây Bắc và Đông Bắc, nơi có các cửa khẩu quốc tế sang Trung Quốc, và cảng biển nước sâu như Hải Phòng, Quảng Ninh thuận lợi cho giao thương, phát triển kinh tế. Các tuyến đường nội thị đảm bảo, 100% các xã có đường ô tô đến trung tâm xã. Còn về đường thuỷ, Sông Đà từ Vân Nam (Trung Quốc) chảy qua địa phận tỉnh Hòa Bình 151km nối liền với tỉnh Sơn La và tỉnh Phú Thọ, với các cảng lớn như cảng Bích Hạ, Ba Cấp… tạo điều kiện thuận lợi cho giao thông và khai thác du lịch.

Thời gian qua, tỉnh Hòa Bình đã xây dựng và triển khai thực hiện Đề án phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ giai đoạn 2016 - 2020 và định hướng đến năm 2030 tại Quyết định số 3324/QĐ-UBND ngày 29/12/2016. Theo đó, tỉnh ưu tiên bố trí nguồn vốn đầu tư công để phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, cụ thể từ năm 2016 - 2020 đã dành 5.015 tỷ đồng, chiếm 33% tổng số vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 để đầu tư các công trình giao thông. Tỉnh Hòa Bình rất quan tâm chú trọng thu hút các nguồn vốn ngoài ngân sách để đầu tư các công trình giao thông lớn, trọng điểm theo hình thức đối tác công tư và huy động các nguồn lực của nhân dân để phát triển giao thông nông thôn. Kết quả đã có nhiều công trình giao thông đường bộ đã và đang được đầu tư như xây dựng mới như: Đường Hoà Lạc - thành phố Hòa Bình, cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 6, Quốc lộ 21, Quốc lộ 12B, đường 433 (Km0 - Km23), đường 431, đường 438B, đường tỉnh 435...

Tỉnh Hòa Bình đã quy hoạch 08 Khu công nghiệp (KCN) với tổng diện tích là 1.507,4 ha và 21 Cụm công nghiệp (CCN), tổng diện tích gần 866,605 ha. 

Mục tiêu trung bình khá của cả nước

Để đẩy mạnh thu hút đầu tư, giai đoạn tới, tỉnh Hòa Bình tập trung nguồn lực triển khai đề án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, đầu tư xây dựng các công trình giao thông quan trọng có tính đối ngoại, trọng điểm như: Đầu tư hoàn thành (giai đoạn 2) đường cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình; Khởi công dự án Đường liên kết vùng Hòa Bình - Hà Nội và cao tốc Sơn La (Hòa Bình - Mộc Châu); Đoạn 1 (đoạn tuyến từ huyện Kim Bôi kết nối với trục cao tốc quy hoạch Hòa Lạc – Hòa Bình tại TP Hòa Bình) với chiều dài khoảng 32km, đoạn 2 (đoạn tuyến từ TP Hòa Bình kết nối huyện Đà Bắc), chiều dài khoảng 17,55km và một số tuyến đường tỉnh tạo sự lan tỏa phát triển kinh tế - xã hội.

Năm 2022, toàn tỉnh có 75 dự án đầu tư trong nước được chấp thuận chủ trương đầu tư, lũy kế toàn tỉnh có tổng số 729 dự án được cấp quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII và Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2021 – 2025 đã đề ra mục tiêu: Trong 5 năm tới kinh tế tỉnh Hòa Bình phát triển nhanh và bền vững; tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân 5 năm đạt từ 9%/năm trở lên; năng suất lao động bình quân đạt trên 8%/năm; kim ngạch xuất khẩu bình quân đạt từ 18%/năm trở lên. Đến năm 2025, trong cơ cấu kinh tế ngành công nghiệp - xây dựng chiếm 54%; dịch vụ chiếm 27%; ngành nông, lâm nghiệp và thuỷ sản chiếm 19%; GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 100 triệu đồng; thu ngân sách nhà nước đạt 10.000 tỷ đồng; tỷ lệ đô thị hóa đạt trên 38%.

Theo ông Bùi Văn Khánh - Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình hướng đến mục tiêu là tỉnh đạt trình độ phát triển trung bình khá của cả nước, thuộc nhóm dẫn đầu Vùng Trung du và Miền núi phía Bắc.

Với Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Hòa Bình diễn ra vào ngày 25/02/2023, Tỉnh Hòa bình hướng tới một môi trường đầu tư kinh doanh doanh bình đẳng, thông thoáng, minh bạch, với các chính sách ưu đãi, giải pháp hỗ trợ tích cực sẽ thu hút các nhà đầu tư có năng lực đến đầu tư tại Hòa Bình trong thời gian tới. Tỉnh tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, phát triển kinh tế của tỉnh, từng bước nâng cao hiệu quả của các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh. 

Có thể bạn quan tâm

  • Hòa Bình phát triển du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn

    Hòa Bình phát triển du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn

    02:30, 20/01/2023

  • Huyện Hòa Bình (Bạc Liêu) trở thành tâm điểm đón sóng đầu tư

    Huyện Hòa Bình (Bạc Liêu) trở thành tâm điểm đón sóng đầu tư

    11:22, 29/12/2022

  • Cao Phong (Hoà Bình): Địa danh hút dòng tiền đầu tư

    Cao Phong (Hoà Bình): Địa danh hút dòng tiền đầu tư

    08:23, 08/12/2022

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Sức bật mới của tỉnh Hoà Bình
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO