Những nỗ lực trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của Tiền Giang đã được thể hiện rõ nét qua số liệu thu hút đầu tư trong năm 2022.
Theo ông Nguyễn Đình Thông, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Tiền Giang, năm 2022, tổng vốn đầu tư toàn xã hội trên địa bàn tỉnh ước thực hiện 41.843,1 tỷ đồng, đạt 100,2% kế hoạch, tăng 10,1% so năm 2021.
Đặc biệt, 11 tháng năm 2022 đã có 869 doanh nghiệp thành lập mới, với vốn đăng ký 6.424 tỷ đồng (vượt 29,7% kế hoạch năm, tăng 72,4% về số doanh nghiệp và tăng 48,4% về vốn đăng ký so cùng kỳ năm 2021). Ước thực hiện cả năm 2022 có 920 doanh nghiệp thành lập mới, vượt 37,3% kế hoạch; tổng vốn đăng ký là 6.810 tỷ đồng. Ước đến cuối năm 2022, tổng số doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn là 6.100 doanh nghiệp.
Về thu hút đầu tư, trong 11 tháng năm 2022, tỉnh đã thu hút được 16 dự án đầu tư mới với tổng vốn đầu tư đăng ký là 4.448 tỷ đồng, tăng 10 dự án và vốn đầu tư gấp 4,67 lần so với cùng kỳ năm 2021. Có 06 dự án điều chỉnh tăng vốn là 1.712 tỷ đồng, bằng 42% so cùng kỳ năm 2021. Nâng tổng vốn đầu tư thu hút mới 11 tháng đầu năm đạt 6.160 tỷ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ năm 2021.
>>Tiền Giang: Phục hồi ngành công nghiệp “không khói”
Ước thực hiện cả năm 2022, tỉnh thu hút được 17 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký 10.214,41 tỷ đồng, số dự án tăng 70%, vốn đầu tư tăng 92% so với năm 2021. Trong đó, thu hút 9 dự án vốn đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư đăng ký 3.604,13 tỷ đồng, tăng 2 dự án, vốn đầu tư gấp 3,16 lần so với năm 2021; thu hút 8 dự án vốn đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư đăng ký 919 tỷ đồng, tăng 5 dự án, vốn đầu tư gấp 15,9 lần so với năm 2021; có 7 dự án đăng ký tăng vốn 5.691,5 tỷ đồng (1 dự án trong nước tăng vốn 32,2 tỷ đồng, 6 dự án nước ngoài tăng vốn 5.659 tỷ đồng), tăng 38,3% so với năm 2021.
Để có được kết quả trên, trong tăm 2022, UBND tỉnh Tiền Giang đã chủ động, tích cực triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, bình đẳng, thân thiện, thông thoáng và minh bạch, quan tâm hỗ trợ doanh nghiệp ngoài Nhà nước, nhất là các doanh nghiệp khởi nghiệp; doanh nghiệp đổi mới sáng tạo; tạo động lực, thu hút nhanh nguồn lực đầu tư xã hội vào tỉnh Tiền Giang.
Đồng thời, Tiền Giang đã triển khai nhanh chóng các chính sách hỗ trợ của Trung ương, chủ động nắm bắt hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, từ đó xây dựng các giải pháp hỗ trợ nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động, xóa bỏ tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa, lao động, củng cố niềm tin và sự an tâm của doanh nghiệp khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát.
>>Tiền Giang phát huy lợi thế thu hút đầu tư
Trong năm 2022, UBND tỉnh đã tổ chức Hội nghị Chủ tịch UBND tỉnh gặp mặt, đối thoại với các doanh nghiệp tại các khu công nghiệp, tại trụ sở các doanh nghiệp; xây dựng các kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp: Kế hoạch hỗ trợ chuyển đổi số giai đoạn 2022-2025; Kế hoạch hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; tổ chức Hội nghị phát triển doanh nghiệp tại một số địa phương để phổ biến các chính sách, vận động, hỗ trợ hộ kinh doanh có quy mô lớn để phát triển thành doanh nghiệp; tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp trong quá trình phục hồi sản xuất, kinh doanh; triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động như: miễn, giảm thuế, phí, lệ phí; gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất; hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động; hỗ trợ lãi suất vay vốn cho các doanh nghiệp.
“Các sở, ngành, các địa phương luôn đồng hành, chia sẻ và tạo điều kiện thuận lợi nhất, cũng như sẵn sàng hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp, nhà đầu tư đến tìm hiểu để đầu tư tại địa phương. Ngoài ra, tỉnh nỗ lực thu hút các dự án mới và khuyến khích các nhà đầu tư mạnh dạn đầu tư mở rộng quy mô dự án, thường xuyên cung cấp thông tin quy hoạch; minh bạch thông tin về đất công; công khai thông tin dự án mời gọi đầu tư; bố trí cán bộ am hiểu về chuyên môn để hướng dẫn, hỗ trợ nhà đầu tư, doanh nghiệp thực hiện các thủ tục đầu tư, đăng ký kinh doanh, đất đai, môi trường, xây dựng, thủ tục và điều kiện hưởng các ưu đãi về thuế; chú trọng tiếp xúc trực tiếp các nhà đầu tư lớn, hỗ trợ doanh nghiệp trong đào tạo và tuyển dụng lao động đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế, đặc biệt nhu cầu của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài sau các đợt đứt gãy về nguồn lao động do dịch bệnh,… Các hoạt động này được doanh nghiệp đánh giá cao, góp phần cải thiện ngày càng tốt hơn mối quan hệ giữa các cơ quan hành chính và doanh nghiệp, nhà đầu tư.”- ông Nguyễn Đình Thông chia sẻ.
>>Tiền Giang xây dựng chính quyền thân thiện
Ông Nguyễn Đình Thông cho biết: Trong thời gian tới tỉnh sẽ tiếp tục tăng cường công tác xúc tiến, mời gọi đầu tư vào các khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN) để lắp đầy diện tích đất công nghiệp cho thuê. Thực hiện tốt công tác quy hoạch, công tác giải phóng mặt bằng, chính sách đất đai,… nhằm tạo mặt bằng sản xuất công nghiệp. Năm 2023 tỉnh tập trung thu hút lấp đầy CCN Gia Thuận 1, KCN Long Giang; hoàn chỉnh hạ tầng và thu hút đầu tư dự án thứ cấp vào CCN Gia Thuận 2, CCN Thạnh Tân, CCN Mỹ Phước Tây, CCN Tân Lý Đông; triển khai đầu tư hạ tầng KCN Bình Đông, KCN Dịch vụ dầu khí Soài Rạp, KCN Tân Phước 1, CCN Long Bình, CCN Mỹ Lợi, CCN Mỹ Phước. Mục tiêu của tỉnh trong năm 2023 vẫn là thu hút các dự án lĩnh vực công nghiệp chế biến nông lâm thủy hải sản, công nghiệp công nghệ cao ít thâm dụng lao động, giảm tỷ lệ các dự án gia công, ít ảnh hưởng đến môi trường; mời gọi đầu tư lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, nuôi trồng thủy sản công nghệ cao.
Chú trọng công tác bổ sung, hoàn thiện quy hoạch xây dựng để mời gọi đầu tư các dự án phát triển đô thị, nâng cao chất lượng và tỷ lệ đô thị hóa trên địa bàn tỉnh; tăng cường huy động nguồn lực để từng bước phát triển hạ tầng và thu hút đầu tư phát triển nông thôn mới. Tập trung mời gọi đầu tư từ các quốc gia Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc..., mời gọi đầu tư các tập đoàn kinh tế lớn đến đầu tư trên địa bàn tỉnh.
Có thể bạn quan tâm