Cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản là đối tác chiến lược hàng đầu trong tiến trình phát triển quốc gia. EVFTA được ký kết là thời cơ để các DN Nhật Bản đóng góp vào tăng trưởng và xuất khẩu ở Việt Nam.
70% DN Nhật muốn đầu tư
Tham dự Hội nghị xúc tiến đầu tư Việt Nam, sáng nay tại Tokyo Thủ tướng cho biết “Có thể nói, đến Nhật Bản lần này, các bạn là những nhà mở hàng đầu tiên khi 2 Hiệp định này vừa ký ngày hôm qua”.
Theo báo Chính phủ: “Đến Nhật Bản lần này, so với những năm trước, tôi càng có niềm tin vững chắc rằng Việt Nam sẽ là miền đất lành cho các tập đoàn lớn của Nhật Bản”, Thủ tướng cho biết
Hơn ai hết, các nhà đầu tư Nhật Bản là người thấu hiểu điều này rất sớm bởi lẽ từ 500 năm trước, những doanh nhân Nhật Bản đã tới mở mang thương nghiệp ở Hội An của Việt Nam. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2018 đạt 7,08%, đưa Việt Nam trở thành một trong những nước tăng trưởng GDP hàng đầu thế giới, Thủ tướng nhấn mạnh
Thủ tướng nhắc đến chuyện các nhà đầu tư Nhật đã cam kết và giải ngân đầu tư tại Việt Nam trong thời gian ngắn như NIDEC, đã đầu tư 250 triệu USD vào sản xuất động cơ công nghệ cao. Đồng thời, công ty này cam kết sẽ tiếp tục đầu tư 1 tỷ USD trong lĩnh vực này tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc, Hà Nội.
Bên cạnh đó, năm 2018, AEON đã mua khoảng 300 triệu USD hàng Việt Nam và bán tại các siêu thị của AEON tại Nhật, sẽ đầu tư 500 triệu USD.
Thủ tướng khẳng định: Nếu Hiệp định EVFTA được thực hiện thì xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng thêm khoảng 20% vào năm 2020, 42,7% vào năm 2025 so với không có Hiệp định.
Về phương diện tăng trưởng kinh tế, EVFTA giữa Việt Nam-EU góp phần làm cho tăng GDP của Việt Nam thêm ở mức bình quân 2,18-3,25% cho giai đoạn 2019-2023, 4,57-5,3% cho giai đoạn 2024-2028 và 4,7-7,2% cho giai đoạn 2029-2033.
“Đây chính là thời cơ để các doanh nghiệp Nhật Bản đóng góp vào tăng trưởng và xuất khẩu ở Việt Nam”, người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh.
Thủ tướng nhắc đến các báo cáo của Google và Temasek về quy mô nền kinh tế internet của Việt Nam năm 2018 vào khoảng 9 tỷ USD, tăng trưởng 35%/năm giai đoạn 2015-2018, chiếm 4% GDP, cao nhất trong số các nền kinh tế ASEAN.
Bên cạnh đó, các giao dịch thương mại điện tử ở Việt Nam đã tăng gần gấp đôi trong năm 2018 so với năm 2017, có thể nói nền kinh tế Internet của Việt Nam đang bùng nổ, dự báo đến 2025, giá trị thương mại gộp của nền kinh tế Internet Việt Nam sẽ chạm ngưỡng 33 tỷ USD.
"Việt Nam có nhiều ngành có tiềm năng phát triển, Việt Nam giờ đã là công xưởng của thế giới trong nhiều mặt hàng như điện thoại, linh kiện điện tử, dệt may, da giày… Chúng tôi coi cộng đồng doanh nghiệp và doanh nhân Nhật Bản là đối tác chiến lược hàng đầu trong tiến trình phát triển quốc gia", Thủ tướng nói.
Cơ hội vàng cho DN Nhật
Trao đổi với báo Chính phủ, Thủ tướng nói: "Chúng tôi coi cộng đồng doanh nghiệp và doanh nhân Nhật Bản là đối tác chiến lược hàng đầu trong tiến trình phát triển quốc gia. Điều đặc biệt là hội nghị của chúng ta hôm nay diễn ra sau đúng 2 tháng đầu tiên của triều đại mới Reiwa (Lệnh Hòa), hứa hẹn một chương hợp tác mới với nhiều điều may mắn, tốt đẹp và thành công cho hợp tác song phương Việt Nam-Nhật Bản, Nhật Bản-Việt Nam”.
Có thể bạn quan tâm
11:00, 01/07/2019
06:34, 01/07/2019
18:45, 30/06/2019
18:21, 30/06/2019
17:00, 30/06/2019
16:45, 30/06/2019
Việt Nam đã tham gia 14 hiệp định FTA và 3 hiệp định đang đàm phán. Như vậy bao phủ đến hầu hết các lục địa trên thế giới khiến Việt Nam trở thành tâm điểm của các dòng chảy thương mại toàn cầu.
Nếu Hiệp định EVFTA được thực hiện thì xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng thêm khoảng 20% vào năm 2020, 42,7% vào năm 2025 so với không có Hiệp định. Về phương diện tăng trưởng kinh tế, EVFTA giữa Việt Nam-EU góp phần làm cho tăng GDP của Việt Nam thêm ở mức bình quân 2,18-3,25% cho giai đoạn 2019-2023, 4,57-5,3% cho giai đoạn 2024-2028 và 4,7-7,2% cho giai đoạn 2029-2033. “Đây chính là thời cơ để các doanh nghiệp Nhật Bản đóng góp vào tăng trưởng và xuất khẩu ở Việt Nam”, Thủ tướng nói.
Tại Hội nghị xúc tiến đầu tư lần này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các quan chức hai nước đã cùng chứng kiến trao 32 giấy chứng nhận đầu tư và Biên bản ghi nhớ hợp tác (MOU) giữa các địa phương, doanh nghiệp Việt Nam với các nhà đầu tư đến từ Nhật Bản trong nhiều lĩnh vực như: Bất động sản, cơ sở hạ tầng, dịch vụ bán lẻ, may mặc, công nghệ cao, năng lượng, hàng không, vận tải, logistics, xuất khẩu lao động, giáo dục, chăm sóc sức khỏe với tổng giá trị lên đến hơn 8 tỷ USD.
Tại hội nghị, dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, đại diện Thành phố Hà Nội, Nam Định đã trao giấy chứng nhận đầu tư cho các doanh nghiệp Nhật Bản; Chứng kiến Tổng công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) và UT Group Nhật Bản trao đổi Biên bản ghi nhớ hợp tác kinh doanh trong việc cung cấp dịch vụ lao động chất lượng cao cho các công ty Nhật Bản. Theo đó, trong giai đoạn 2019-2025, hai bên phấn đấu hợp tác để đào tạo, đưa nhân công đi thực tập tại nước ngoài hoặc tiếp nhận và hỗ trợ việc làm cho khoảng 20.000 lao động Việt Nam.
“Mở hàng” gói 4 tỷ đô
Các tập đoàn hàng đầu Nhật Bản đã ký kết biên bản ghi nhớ với UBND TP. Hà Nội về việc hợp tác để thực hiện các dự án đầu tư trên địa bàn thành phố với tổng số vốn cam kết lên tới gần 4 tỷ USD.
Đây là kết quả của các buổi làm việc giữa ông Nguyễn Đức Chung và lãnh đạo của các tập đoàn Mitsubishi, Sumitomo, AEON, IDS Equity Holdings và Nidec trong khuôn khổ chuyến công tác tháp tùng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm và làm việc tại Nhật Bản từ ngày 30/6 đến 1/7.
Riêng đối với Nidec, mặc dù không nêu rõ cụ thể số vốn đầu tư nhưng trong cuộc làm việc trước đó với Chủ tịch UBND TP Hà Nội, lãnh đạo Nidec cho biết sẽ đầu tư 1 tỷ USD vào một dự án ở thành phố này.
Tại các buổi làm việc, ông Nguyễn Đức Chung đã giới thiệu về môi trường và chính sách ưu đãi đầu tư của thành phố. Ông cho biết trong nỗ lực thu hút vốn đầu tư nước ngoài, cùng với các chính sách ưu đãi đầu tư, UBND TP Hà Nội đã nỗ lực cải cách hành chính để tạo điều kiện hơn nữa cho hoạt động đầu tư và kinh doanh của các doanh nghiệp nước ngoài trên địa bàn thành phố.
Kết quả là năm 2018, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Hà Nội đã tăng 4 bậc so với năm 2017 và thành phố đã dẫn đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Trong 5 tháng đầu năm nay, Hà Nội vẫn giữ vững vị trí đó khi chiếm tới 28,64% trong tổng số vốn FDI đăng ký của cả nước. Tính đến hết tháng 5/2019, lũy kế vốn FDI trên địa bàn Hà Nội là 41,2 tỷ USD, trong đó có 4.850 dự án còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký 34,2 tỷ USD, và 1.850 lượt nhà đầu tư thực hiện góp vốn mua cổ phần với tổng vốn đăng ký 7 tỷ USD.
Lãnh đạo các tập đoàn đều đánh giá cao môi trường đầu tư của Hà Nội, đồng thời khẳng định cam kết đầu tư vào thành phố này.
Đại diện tập đoàn Sumitomo và BRG bày tỏ mong muốn sớm triển khai dự án thành phố thông minh ở phía Đông Hà Nội, trong khi lãnh đạo Nidec muốn đẩy nhanh dự án đầu tư sản xuất và kinh doanh thiết bị, linh kiện điện tử công nghệ cao ở Khu Công nghiệp cao Hòa Lạc. Lãnh đạo Mitsubishi mong muốn đầu tư để phát triển các dự án bất động sản xung quanh các ga tàu điện trên địa bàn thành phố.
Theo đó, ông Nguyễn Đức Chung đã thông báo với các doanh nghiệp Nhật Bản về các định hướng và ưu tiên thu hút đầu tư nước ngoài của thành phố, đồng thời cam kết hỗ trợ các doanh nghiệp này về thủ tục, đất và đào tạo nguồn nhân lực khi đầu tư vào các lĩnh vực ưu tiên đó.