Thay vì chỉ dựa vào các kênh phân phối truyền thống như trước đây, hầu hết doanh nghiệp đã thay đổi chiến lược kinh doanh, tận dụng tối đa sức mạnh của nền tảng số để mở rộng kênh bán hàng.
Bà Phạm Thị Thơ – Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Giải Pháp Xanh cho biết khia chia sẻ với DĐDN.
>>Xu thế phát triển đa kênh giữ ngành bán lẻ ổn định
Những năm trở lại đây, nhiều doanh nghiệp đã chú trọng, tập trung phát triển mô hình kinh doanh bán hàng đa kênh, vừa kết hợp kênh truyền thống với các sàn thương mại điện tử, trang mạng xã hội. Nhờ đó đã gia tăng sự hiện diện của mình trên thị trường, thu về tệp lớn khách hàng tiềm năng, tạo ra doanh thu cao hơn trước.
- Mô hình bán hàng đa kênh đang trở thành xu hướng của ngành bán lẻ Việt Nam. Đâu là những lợi ích được thấy rõ, thưa bà?
Hoạt động kinh doanh đồng loạt trên nhiều kênh, từ cửa hàng, đại lý truyền thống đến các sàn thương mại điện tử như Tiki, Shopee, Lazada… cùng trang mạng xã hội Facebook, Tiktok, Zalo… đã và đang trở nên phổ biến và là xu hướng chung của đại đa số doanh nghiệp ở các tỉnh, thành phố khu vực Bắc Trung Bộ nói chung, cả nước nói riêng.
Hiệu quả mang lại từ việc bán hàng đa kênh là rất lớn, sản phẩm công ty trong năm 2023 vừa qua bán ra tăng gấp ba, gấp năm lần so với các năm trước kia. Chưa kể, vào mùa cao điểm nắng nóng kéo dài, các loại mặt hàng điện máy như: Điều hòa, quạt điện, quạt hơi nước… của công ty chúng tôi bán rất chạy, từ 300 - 500 đơn hàng/tháng; trong đó, kênh bán hàng trực tiếp đến tay người tiêu dùng như bán lẻ online chiếm gần 50% tổng doanh số.
- Nói như vậy thì bán lẻ đa kênh giúp doanh nghiệp tiếp cận tới nhiều ngách của thị trường hơn và có được những khách hàng mới, từ đó tăng lượng sản phẩm bán được. Vậy, theo bà, doanh nghiệp cần chuẩn bị những gì cho xu hướng này?
Đối với một đơn vị chuyên kinh doanh các mặt hàng điện máy, thiết bị gia dụng, những năm trước khi xảy ra đại dịch Covid-19, chúng tôi mở rộng thị trường, chủ yếu thông qua việc phân phối đến các đại lý ở một số tỉnh tiềm năng khu vực Bắc Trung Bộ như: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình…
Tuy nhiên, trong vài năm trở lại đây, nền kinh tế thị trường bị suy thoái nặng nề đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động kinh doanh của công ty, sức mua của người tiêu dùng sụt giảm đáng kể đòi hỏi công ty phải thay đổi, điều chỉnh chiến lược bán hàng một cách hợp lý, phù hợp với xu thế phát triển chung của cộng đồng doanh nghiệp.
Do vậy, ngoài việc mở riêng một cửa hàng để phục vụ cho việc giới thiệu sản phẩm và bán hàng trực tiếp, dựa trên nền tảng kinh doanh thông qua các kênh đại lý, cửa hàng truyền thống ở khu vực Bắc Trung Bộ, chúng tôi còn phát triển bán hàng trên nhiều kênh trực tuyến, kết hợp giữa sỉ và bán lẻ, mang đến tận tay người tiêu dùng.
Bởi, chúng tôi nhận ra rằng, xu hướng tiêu dùng của khách hàng trong những năm trở lại đây có sự chuyển dịch đáng kể, từ truyền thống sang mua sắm online. Trong năm nay và cả thời gian tới, công ty sẽ tiếp tục tập trung đẩy mạnh kênh bán hàng online, tổ chức livestream giới thiệu sản phẩm hoặc tổ chức các chương trình quảng bá sản phẩm… để tăng độ phủ sóng cho sản phẩm, tiếp cận đến nhiều khách hàng hơn nữa.
Bên cạnh tăng độ phủ cho sản phẩm, thương hiệu của công ty, chúng tôi cũng rất chú trọng trong việc cam kết, bảo hành sản phẩm nhằm tạo uy tín, độ tin cậy cao đối với các đối tác, khách hàng; nhất là trong bối cảnh thị trường ngày càng bão hòa, yêu cầu của khách hàng ngày càng cao, trong khi đó sức mua lại có phần giảm sút như hiện nay.
>>Webrooming, showrooming và mua sắm đa kênh có gì mới?
- Đâu là khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp vừa và nhỏ khi tham gia vào xu hướng này, thưa bà?
Đối với một doanh nghiệp nhỏ như chúng tôi, có xuất phát điểm với số vốn ít ỏi và mới bước vào thị trường chưa đến 10 năm, thế nhưng nhờ chiến lược kinh doanh tốt, cùng việc gia tăng sự hiện diện, tạo niềm tin với đối tác, khách hàng đã giúp công ty đứng vững ở thị trường nội địa.
Tuy nhiên, trong năm vừa qua, công ty có thời điểm cũng đã gặp phải một số khó khăn nhất định, đơn cử như: Thị trường ảm đạm dẫn đến lượng khách hàng ít đi, chưa thể cạnh tranh được các doanh nghiệp mạnh khác, trong khi đó lại gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng và đặc biệt là thiếu trầm trọng nguồn nhân công lao động kỹ thuật có tay nghề cao để hỗ trợ đối tác, khách hàng trong việc lắp đặt cũng như sửa chữa, bảo hành sản phẩm.
Bên cạnh đó, vấn đề “đầu ra” cũng là một điều mà doanh nghiệp khá là lo ngại khi nhiều chuyên gia kinh tế dự báo rằng, năm 2024, sức mua của người dân ở các tỉnh khu vực Bắc Trung Bộ vẫn còn ở mức thấp. Vậy nhưng, với xu hướng kinh doanh đa kênh, đưa sản phẩm lên nhiều nền tảng kinh doanh khác nhau, tận dụng đối đa sức mạnh của nền tảng số thì hi vọng rằng, cộng đồng doanh nghiệp vừa và nhỏ không những sẽ vẫn “sống khỏe” mà còn tạo ra doanh thu cao hơn trước đây.
- Trân trọng cảm ơn bà!
Có thể bạn quan tâm
02:30, 01/02/2024
14:45, 07/08/2023
04:00, 06/10/2022