Doanh nghiệp

Đẩy mạnh đổi mới công nghệ thúc đẩy phát triển ngành bán lẻ

Minh Châu 03/04/2025 03:38

Để đạt được mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp trong năm 2030, yếu tố quan trọng thúc đẩy sự phát triển của các DN nằm ở việc "hấp thụ" công nghệ và đổi mới theo xu hướng thời đại.

Nhằm hiện thực hoá mục tiêu về thúc đẩy phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa từ Chỉ thị số 10/CT-TTg, bà Trần Thị Phương Lan, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bán lẻ Việt Nam, nguyên Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết các doanh nghiệp bán lẻ cần đẩy mạnh đổi mới công nghệ, chuyển đổi số, bán hàng đa kênh, nắm chắc sự chuyển đổi xu hướng tiêu dùng của người dân để đáp ứng cho phù hợp.

Để đạt được mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp trong năm 2030, đại diện ngành bán lẻ Việt Nam khẳng định, yếu tố quan trọng thúc đẩy sự lớn mạnh của các doanh nghiệp trong ngành bán lẻ chính là sự tái cấu trúc, cập nhật và ứng dụng hiệu quả công nghệ số vào hoạt động kinh doanh bán hàng.

Báo cáo của Công ty nghiên cứu thị trường Nielsel cho thấy tại khu vực châu Á, thị trường bán lẻ Việt Nam là một trong những thị trường có tốc độ tăng trưởng cao thời gian gần đây. Việt Nam xếp đứng vị trí thứ 6 trong nhóm 30 quốc gia có tiềm năng và mức độ hấp dẫn đầu tư trong lĩnh vực bán lẻ toàn cầu và trong khoảng từ 5-10 năm tới, kinh tế Việt Nam nói chung và hệ thống bán lẻ nói riêng vẫn được đánh giá là rất tiềm năng và có mức độ hấp dẫn hàng đầu trong khu vực.

Năm 2025, các xu hướng mới từ việc áp dụng công nghệ trong thương mại điện tử, đến sự phân hóa hành vi tiêu dùng không chỉ hình thành lại thị trường, mà còn tạo ra cơ hội và thách thức lớn cho các doanh nghiệp.

Anh 3(6)
Bà Trần Thị Phương Lan, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bán lẻ Việt Nam, nguyên Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội.

Mặt khác, thực tế hiện nay, số lượng doanh nghiệp lập ra trong ngành bán lẻ nhiều nhưng đóng cửa cũng rất nhiều. Bởi vậy, sức mạnh của mỗi doanh nghiệp trên thị trường sẽ đóng góp cho tăng trưởng tiêu dùng trong nước. Tác động đến tiêu dùng doanh nghiệp có yếu tố của sự kết nối đồng bộ giữa các ngành và các bộ phận khác nhau. Bên cạnh đó là những hỗ trợ mang tính chất trực diện của Nhà nước để đảm bảo chỉ số niềm tin tiêu dùng này tăng cao hơn trong thời gian sắp tới.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp bán lẻ cần đẩy mạnh đổi mới công nghệ, chuyển đổi số, bán hàng đa kênh, nắm chắc sự chuyển đổi xu hướng tiêu dùng của người dân để đáp ứng cho phù hợp. Phối hợp trực tiếp với các nhà sản xuất để lựa chọn sản phẩm, giảm chi phí, hạ giá thành, cạnh tranh trên thị trường lành mạnh. Có các giải pháp để đối phó với các sản phẩm ngoại nhập giá rẻ đang chiếm lĩnh thị trường.

Theo bà Trần Thị Phương Lan, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam, bên cạnh việc triển khai đồng bộ các giải pháp về kích cầu tiêu dùng mà Bộ Công Thương đưa ra, các doanh nghiệp trong ngành bán lẻ phải tập trung vào các giải pháp như chuyển đổi số để bắt kịp xu thế về các chuỗi cung ứng liên kết chặt chẽ với nhau, triển khai bán hàng đa kênh, phục vụ du lịch mua sắm trải nghiệm của người dân, từ đó, tăng niềm tin và kích cầu tiêu dùng của người dân.

Bên cạnh đó, giữa nhà sản xuất, hệ thống phân phối và người tiêu dùng cần kết hợp chặt chẽ với nhau nhằm hướng đến sản xuất xanh, tiêu dùng xanh. Tất cả hướng đến phục vụ quyền lợi của người tiêu dùng, khi đó, người tiêu dùng sẽ có niềm tin vào sản phẩm. Đây là cách quan trọng để kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy tăng trưởng và đạt được con số 12% mà chúng ta đã đặt ra.

Về giải pháp tiên phong, bà Lan cũng cho rằng, doanh nghiệp cần tận dụng triệt để đổi mới sáng tạo mà Nghị quyết 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia đã đề ra. Cùng với đó các doanh nghiệp cần đi tắt, đón đầu trong ứng dụng số liên quan đến trí tuệ nhân tạo AI, từ đó, tạo ra những "bước ngoặt" về doanh số bán lẻ cao hơn trong giai đoạn sắp tới.

ban-le3.jpg
Các doanh nghiệp bán lẻ cần đẩy mạnh đổi mới công nghệ, chuyển đổi số, bán hàng đa kênh, nắm chắc sự chuyển đổi xu hướng tiêu dùng của người dân để đáp ứng cho phù hợp.

Nói thêm về ngành bán lẻ của Hà Nội, bà Trần Thị Phương Lan cho biết Hà Nội là địa phương có khả năng phát triển hạ tầng bán lẻ rất mạnh và có nhiều bước chuyển mạnh mẽ trong thời gian vừa qua. Các hệ thống bán lẻ nước ngoài, trong nước đều hiện hữu trên địa bàn Thủ đô. Cùng với đó, quan điểm từ Chính phủ đến Bộ Công Thương, đến các địa phương, trong đó có Hà Nội là phát triển các hệ thống phân phối trên cơ sở cạnh tranh lành mạnh, phát triển bền vững, hỗ trợ Việt Nam phát triển kinh tế mạnh mẽ.

Điểm nổi bật là việc phát triển hệ thống bán lẻ của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tại Việt Nam thời gian qua đã tạo nên sự cạnh tranh, buộc các doanh nghiệp bán lẻ nội vươn lên, làm mới mình, cạnh tranh với doanh nghiệp FDI. Thị trường đang ngày càng sôi động với sự tham gia nhiều nhà bán lẻ đến từ Nhật Bản, Thái Lan, Hàn Quốc, Singapore. Tuy vậy, các kết quả cũng cho thấy doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài và doanh nghiệp bán lẻ trong nước đều có sự tăng trưởng rất tốt trên địa bàn Thủ đô.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Đẩy mạnh đổi mới công nghệ thúc đẩy phát triển ngành bán lẻ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO