PGS.TS Tạ Văn Lợi, Viện trưởng Viện Thương mại và Kinh tế quốc tế (Đại học Kinh tế Quốc dân) chia sẻ về văn hoá kinh doanh gắn liền với thương hiệu quốc gia và doanh nghiệp.
>>Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công: Đất nước phát triển phải có văn hóa kinh doanh quốc gia
Năm 2020-2021 là giai đoạn “lửa thử vàng” đối với doanh nghiệp. Những khó khăn trong thời gian này, vừa là thách thức vừa là cơ hội để doanh nghiệp xây dựng sự gắn kết bền vững với người lao động, nâng tầm văn hóa kinh doanh, thúc đẩy tư duy phát triển ở mỗi cá nhân, làm đòn bẩy cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp. Tuy vậy, phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam mới dừng ở 2 loại văn hóa tổ chức ban đầu là văn hóa gia đình và văn hóa thứ bậc tháp Eiffel.
- Có ý kiến cho rằng, văn hóa là bộ “gene” đặc biệt tạo nên hệ giá trị giúp cho doanh nghiệp xác định được phương hướng và có biện pháp, sức mạnh ứng phó hiệu quả trong khủng hoảng, biến cố bất thường để tiếp tục chèo lái đưa doanh nghiệp vượt qua thách thức, đạt đến mục tiêu phát triển bền vững. Ông có thể chia sẻ thêm về vấn đề này?
Điều đó hoàn toàn chính xác, tôi chỉ xin nêu rõ minh chứng như Hãng Start buck của Mỹ luôn tự hào là hãng cà phê lớn nhất thế giới mặc dù nước Mỹ không có lợi thế xuất khẩu cà phê.
Vậy, điều gì làm cho Starbuck phát triển bền vững vượt qua thách thức khủng hoảng? Đó chính là văn hóa tổ chức. Văn hóa tạo nên giá trị chung, mỗi thành viên ứng xử như nhau, tôn trọng tôn chỉ và được đào tạo chuẩn mực như nhau cho nên khách hàng cảm nhận dù uống cà phê ở bất kỳ đâu trên thế giới hình ảnh cà phê starbuck đều giống nhau.
Hơn nữa, hiện nay trên thế giới đã hình thành 4 loại văn hóa tổ chức trong kinh doanh đi từ văn hóa gia đình, văn hóa thứ bậc Eiffel, văn hóa tên lửa định hướng và văn hóa lồng ấp đã được chỉ ra những ưu và nhược điểm trong điều hành quản trị doanh nghiệp.
>>Cội nguồn văn hoá kinh doanh
Phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam mới dừng ở 2 loại văn hóa tổ chức ban đầu là văn hóa gia đình và văn hóa thứ bậc tháp Eiffel nên trải qua đợt khủng hoảng vừa qua càng thấy rõ giá trị của văn hóa trong kinh doanh.
Tôi xin trích dẫn một nhận định của tổ chức tư vấn đào tạo quốc tế Franklin Covey: “Đối thủ của bạn có thể sao chép tất cả mọi thứ, từ chiến lược, sản phẩm, hệ thống, bí quyết công nghệ chỉ trong tích tắc bằng một cú nhấp chuột… Nhưng có một thứ duy nhất, họ không thể sao chép hay ăn cắp được, đó chính là văn hóa của doanh nghiệp của bạn”.
- Để trở thành một quốc gia thịnh vượng, doanh nghiệp vững mạnh thì vấn đề kinh tế là yếu tố quan trọng. Tuy nhiên, văn hoá kinh doanh mới là vấn đề lớn. Quan điểm của ông vê vấn đề này như thế nào?
Như trao đổi ở trên, nếu sự phát triển kinh tế không đi đôi với phát triển văn hóa tổ chức trong kinh doanh thì sớm muộn gì cũng sẽ có mâu thuẫn và khó phát triển bền vững.
Bàn đến vấn đề văn hóa là chủ đề rộng từ văn hóa quốc gia, văn hóa vùng miền đến văn hóa kinh doanh trong đó có văn hóa tổ chức. Quan điểm của tôi là phát triển văn hóa phải song hành và đồng bộ với phát triển kinh tế, đặc biệt lấy văn hóa tổ chức là trụ cột tạo nên văn hóa kinh doanh.
Thực tế, sẽ không thể có quốc gia giàu mạnh nếu giới doanh nhân, doanh nghiệp không có văn hóa, bản sắc ở tầm cao.
- Tuy nhiên, hiện nay vấn đề văn hoá kinh doanh của chúng ta đang khiến nhiều người không khỏi lo lắng. Đơn cử, vẫn có những doanh nghiệp còn theo đuổi tư duy “rau hai luống, lợn hai chuồng”. Ý kiến của ông ra sao?
Vấn đề văn hóa kinh doanh đó chỉ là một khía cạnh do việc các công ty nhỏ và các hộ nông dân phải chạy theo “cơm, áo, gạo, tiền” mang tính ngắn hạn. Đó không phải là bản chất nhưng lại có tác động lớn tới xã hội.
Trên thực tế vẫn đang còn không ít doanh nghiệp mà việc kinh doanh chỉ là phụ sau việc quan hệ, lobby, chạy dự án… Điều đó gây ra nhiều hệ lụy, như môi trường kinh doanh bị vẩn đục, doanh nghiệp làm ăn chân chính, lương thiện lại bị thua thiệt, bị chèn ép; niềm tin giữa con người trong kinh doanh cũng vì thế mà mong manh hơn…
Bản chất mọi mối quan hệ dạng này là vì lợi ích, nhóm lợi ích. Chúng không chỉ dừng ở bảo hộ mà còn là “lá chắn” theo kiểu “đôi bên cùng có lợi”, thứ “quyền lực dựa hơi” này là bài toán nan giải cho sự minh bạch, công bằng, dựa vào chính nội lực doanh nghiệp.
Do đó, vấn đề này cần có giải pháp đồng bộ từ giáo dục tuyên truyền tới các chế tài phạt sẽ đảm bảo giải quyết được. Chẳng hạn, trường Đại học Kinh tế quốc dân đã kết hợp với UNDP nghiên cứu đưa vào giảng dạy môn học kinh doanh có trách nhiệm, đạo đức và trách nhiệm xã hội.
Còn các cơ quan ban ngành từ quản lý thị trường tới Bộ Y tế, Bộ Công Thương… sẽ tăng cường quản lý nhà nước về tiêu chuẩn hàng hóa an toàn, chuỗi cung ứng xanh để đảm bảo lành mạnh hóa tình trạng kinh doanh gian dối đó.
- Theo ông, để xây dựng văn hoá kinh doanh trong đó có uy tín quốc gia và thương hiệu doanh nghiệp Việt Nam thì chúng ta cần phải làm gì?
Như tôi đã trao đổi, gốc của vấn đề là văn hóa tổ chức, chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp. Còn vai trò của Nhà nước là phải đảm bảo công bằng, minh bạch, không phân biệt đối xử, có đủ hệ thống quản lý chặt chẽ các cấp thì việc gian dối và vi phạm sẽ giảm thiểu, tiến dần tới xã hội văn minh, tạo niềm tin cho sản phẩm từ truy xuất nguồn gốc đến tay người tiêu dùng.
Trân trọng cảm ơn ông!
Có thể bạn quan tâm
Văn hoá doanh nghiệp - "bộ gene" làm nên hệ giá trị doanh nghiệp
05:00, 22/11/2021
VCCI mong muốn phối hợp AVSE Global xây dựng văn hóa kinh doanh Việt Nam
15:05, 07/03/2022
Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công: Đất nước phát triển phải có văn hóa kinh doanh quốc gia
03:49, 27/02/2022
VCCI tiên phong trong việc xây dựng văn hóa kinh doanh Việt Nam
15:42, 26/02/2022
Cội nguồn văn hoá kinh doanh
03:00, 09/02/2022