Theo Tổng cục trưởng Cục Giáo dục nghề nghiệp, nếu chúng ta tập trung đúng mức vào trụ cột nâng cao kỹ năng lao động và đổi mới công nghệ, thì lò xo năng suất lao động sẽ kích hoạt và bung ra.
>>TÁI CẤU TRÚC NỀN KINH TẾ: Cần đạt sự bứt phá về năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp
Chất lượng nguồn nhân lực suy giảm
Phát biểu tại Diễn đàn “Tái cấu trúc nền kinh tế giai đoạn 2021-2025: Những vấn đề đặt ra với doanh nghiệp”, TS. Trương Anh Dũng, Tổng cục trưởng, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cho biết, hiện nay, nhu cầu lao động có kĩ năng sẽ tăng cao trong khi nhu cầu đối với người lao động ít được đào tạo và kỹ năng thấp thì giảm. Thị trường lao động việc làm sẽ phân hóa theo hai nhóm đó là: kỹ năng thấp lương thấp và kỹ năng cao lương cao.
Quá trình này không chỉ đe dọa đến việc làm của lao động trình độ thấp, mà những lao động kĩ năng bậc trung cũng bị ảnh hưởng, nếu họ không được trang bị các kiến thức mới, sáng tạo của nền kinh tế số. Và rõ ràng, trong bối cảnh như vậy, thị trường lao động trong nước sẽ cần những giải pháp toàn diện từ tất cả các bên có liên quan, để hướng tới nâng cao chất lượng tuyển dụng và đào tạo nguồn nhân lực, thông qua phát triển kỹ năng và tăng cường trí thức cho người lao động trong tình hình mới.
Về xu thế của thế giới, diễn đàn kinh tế thế giới đưa ra nhận định ở phạm vi toàn cầu, trong đó báo cáo mới cho thấy, tác động cộng hưởng của đại dịch COVID-19 và cách mạng công nghiệp 4.0, thì trong 5 năm tới, trên 80% doanh nghiệp sẽ gia tăng làm việc từ xa và chuyển sang số hóa nhanh chóng; các quy trình làm việc và tỷ lệ tự động hóa lên đến 50%, cùng với đó là tỷ lệ tương ứng người lao động phải được đào tạo lại, bổ sung kiến thức, kỹ năng mới đáp ứng yêu cầu công việc.
Báo cáo này cũng chỉ ra một khảo sát, trong bối cảnh như vậy thì có tới 79% doanh nghiệp hiện nay không có ngân sách cho đào tạo và đào tạo lại, vì vậy, họ kêu gọi các Chính phủ cần ưu tiên nguồn lực và hành động quyết liệt, để nâng cao kỹ năng nghề và có các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp.
Một số tổ chức quốc tế và tổ chức OECD cũng đưa ra nhận định, kỹ năng lao động, người lao động có kĩ năng, được coi là một đơn vị tiền tệ mới trong thị trường lao động toàn cầu. Vì trong thế kỷ 21, nó không chỉ mang lại năng lực cạnh tranh tốt hơn, năng suất lao động tốt hơn, mà còn mang tới cuộc sống tốt đẹp hơn.
Việt Nam đang có lợi thế cơ cấu dân số vàng 55 triệu lao động, nhưng điểm nghẽn chính là chất lượng nguồn nhân lực vì tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ mới đạt 24,5%, chỉ số kĩ năng có tăng những năm gần đây, nhưng vẫn ở mức rất thấp, có khoảng cách rất xa so với các nước Đông Bắc Á và ASEAN. Tỷ lệ người lao động được đào tạo trình độ đại học trở lên, nhưng làm vị trí công việc chỉ trình độ cao đẳng trở xuống lại có khoảng cách tăng lên qua các năm. Trong 10 năm qua, tỷ lệ này đã tăng 12% năm 2012 và đến nay đã tăng lên 25%, đây là nguyên nhân dẫn đến năng suất lao động thấp, dù tăng trưởng kinh tế khá cao trong hơn hai thập kỷ qua.
“Chúng tôi muốn nhấn mạnh là, chúng ta sẽ hết cơ hội để tranh thủ thời cơ dân số vàng nếu không tăng tốc phát triển nguồn nhân lực có kỹ năng”, ông Dũng nói.
Ngoài ra, dịch bệnh đã gây ra sức ép hết sức nặng nề về mọi mặt cho nền kinh tế và cho thị trường lao động. Dữ liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, trong quý 2/2021 có 28,2 triệu người trên 15 tuổi bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch bệnh, điều này khiến họ mất việc làm, nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập và tỷ lệ tham gia vào các lực lượng lao động của quý 3/2021 là thấp nhất trong 10 năm trở lại đây.
Trong bối cảnh như vậy, nhu cầu tuyển dụng lao động trở lại tăng rất cao, trong cơ cấu thì nhu cầu tuyển dụng lao động có trình độ đại học trở lên chiếm 21%, trình độ đào tạo nghề là 66% và 13% là chưa qua đào tạo.
“Các kịch bản phục hồi, các số liệu dự báo có thể khác nhau, nhưng chắc chắn khi kết nối lại các hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ thì nhu cầu lao động có kĩ năng sẽ tăng cao và nhu cầu lao động ít được đào tạo sẽ giảm.Từ đó nguy cơ thiếu nguồn cung lao động, đứt gãy chuỗi cung ứng lao động sẽ hiện hữu, nếu chúng ta chậm tiến độ bao phủ vaccine, cũng như chưa mở cửa lại các cơ sở giáo dục đào tạo”, TS. Dũng dự báo.
>>TÁI CẤU TRÚC NỀN KINH TẾ: Doanh nghiệp cần đặt mình trong vai trò chủ động
Nâng cao vai trò doanh nghiệp
TS. Trương Anh Dũng cho biết thêm, hiện nay 80% doanh nghiệp đã chủ động đào tạo bồi dưỡng, nâng cao năng lực lao động, đây là một điểm đáng mừng và doanh nghiệp đã chú trọng hơn đến việc liên kết với các cơ sở giáo dục bên ngoài để đào tạo nâng cao kỹ năng, tuy nhiên vẫn còn chậm trễ.
Đồng thời, 80% các doanh nghiệp biết đến công nghệ đặc thù trong cách mạng công nghiệp 4.0, nhưng có tới 42% doanh nghiệp chưa có sự chuẩn bị gì về nhân lực, 39% đang xây dựng kế hoạch, chỉ có 11,8 % là đã có kế hoạch chưa triển khai và 6 % là đã đang triển khai và có kết quả. Đây là một sự hạn chế của cộng đồng doanh nghiệp trong việc chuẩn bị lực lượng lao động cho cách mạng công nghiệp 4.0 và cho việc tái cấu trúc nền kinh tế.
Theo Tổng cục trưởng, việc tái cấu trúc nền kinh tế của chúng ta gắn liền với phục hồi và phát triển bền vững, do vậy bên cạnh việc thúc đẩy tiến độ bao phủ vaccine để khôi phục lại các hoạt động sản xuất kinh doanh, thì cần tập trung vào các trụ cột quan trọng của phục hồi kinh tế đó là: Đảm bảo các hoạt động sản xuất kinh doanh an toàn; Triển khai các chương trình đầu tư quy mô lớn, có tác động lan tỏa; Nâng cao chất lượng thể chế chính sách, môi trường đầu tư; Hỗ trợ phát triển thị trường lao động; và Đẩy nhanh đào tạo nhân lực có kỹ năng nghề.
“Nếu chúng ta tập trung đúng mức vào trụ cột nâng cao kỹ năng lao động và đổi mới công nghệ, thì chúng tôi cho rằng lò xo năng suất lao động sẽ kích hoạt, sẽ bung ra.Trong trạng thái bình thường mới, chính kỹ năng lao động sẽ giúp các doanh nghiệp các ngành công nghiệp mới, năng suất lao động cao sẽ phục hồi và phát triển mạnh mẽ, qua đó sẽ giúp nền kinh tế không những thoát khỏi suy thoái mà còn đồng thời được tái cấu trúc theo hướng hiệu quả hơn, đi vào tăng trưởng theo chiều sâu bền vững và bắt kịp với xu thế tiến bộ của thế giới”, Tổng cục trưởng khẳng định.
Trong việc đẩy nhanh đào tạo có nhiều giải pháp, nhưng TS. Trương Anh Dũng muốn nhấn mạnh đến các vấn đề hết sức quan trọng và cũng là cái khâu yếu của Việt Nam đó là:
Thứ nhất, chất lượng dự báo cung cầu lao động, đây là khâu chúng ta chưa làm tốt dẫn đến tổ chức đào tạo cung ứng lao động chưa được hiệu quả cao.
Thứ hai, cần tái cấu trúc lại hệ thống đào tạo thông qua xây dựng chiến lược và quy hoạch đào tạo mới về quy mô, cơ cấu ngành nghề, trình độ và chất lượng.
Thứ ba, là phát triển nội dung chương trình đào tạo phù hợp.
Thứ tư, là đẩy nhanh đào tạo đào tạo lại cho người lao động.
Thứ năm, là chuyển đổi số thay đổi phương thức đào tạo.
Thứu sáu, là hợp tác công tư gắn kết giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp và thị trường lao động.
Thứ bảy, là hỗ trợ thu hút doanh nghiệp tham gia giáo dục nghề nghiệp.
Về phía doanh nghiệp, trước mắt cần tập trung cập nhật các thông tin, thay đổi nhận thức về chuẩn bị nguồn nhân lực cho quá trình tái cơ cấu nền kinh tế cả đất nước, cũng như tái cơ cấu của doanh nghiệp. Sau đó nắm bắt cơ hội hành động mau lẹ, để tranh thủ các chính sách hỗ trợ đào tạo nghề.
“Về dài hạn, chúng tôi cho rằng doanh nghiệp cần có chiến lược và lộ trình phát triển nhân lực thích ứng với bối cảnh tái cấu trúc nền kinh tế và cách mạng công nghiệp 4.0.Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay,cần gắn kết, đồng hành với hệ thống giáo dục nghề nghiệp trong đào tạo bồi dưỡng nhân lực có kỹ năng nghề. Xây dựng cơ chế hợp tác trên cơ sở hài hòalợi ích, cùng có trách nhiệm xây dựng mô hình gắn kết giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp, để thúc đẩy người sử dụng lao động phát triển nhân lực có kỹ năng, thích ứng với yêu cầu của quá trình tái cấu trúc nên kinh tế”, Tổng cục trưởng Trương Anh Dũng khuyến nghị.
Có thể bạn quan tâm
15:53, 14/12/2021
15:00, 14/12/2021
14:18, 14/12/2021
12:30, 14/12/2021