Thành công của chiến lược chuyển đổi số phải bắt đầu từ lãnh đạo, phải thay đổi nhận thức ngay lập tức và có một cam kết với chuyển đổi số.
>>TÁI CẤU TRÚC NỀN KINH TẾ: Gắn trách nhiệm đào tạo nguồn nhân lực với doanh nghiệp
Phát biểu tại Diễn đàn “Tái cấu trúc nền kinh tế giai đoạn 2021-2025: Những vấn đề đặt ra với doanh nghiệp”, ông Nguyễn Bình Minh, Trưởng ban phát triển nguồn nhân lực, Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam bày tỏ, vấn đề chuyển đổi số của nền kinh tế số hiện nay đang đặt ra rất nhiều thách thức, đặc biệt xảy ra trong quá trình dịch bệnh COVID-19 diễn ra.
Theo ông Minh, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là một xu hướng chuyển đổi tất yếu. Trong thời gian 10 năm vừa qua, cuộc cách mạng này đã tạo ra bước nhảy rất lớn trong nền kinh tế thế giới, tuy nhiên không phải doanh nghiệp nào cũng được hưởng lợi và kể cả doanh nghiệp Việt Nam cũng vậy. Có thể thấy rằng, tuy là động lực nhưng việc giãn cách số giữa Việt Nam và các nước tiên tiến trên thế giới ngày càng xa, nếu chúng ta không có sự cố gắng, nỗ lực đuổi kịp, thì khả năng Việt Nam sẽ gặp rất nhiều khó khăn.
“Đáng chú ý, trong quá trình số hóa và tự động hóa kinh doanh ở Việt Nam hiện nay diễn ra vẫn còn chậm chạp, chuyển đổi mô hình kinh doanh số, đặc biệt là chưa có nền tảng kĩ năng để thực hiện. Trong khi đó, chỉ có các doanh nghiệp dịch vụ ở Việt Nam là có khả năng sinh lời tốt, vậy có thể nói, thương mại điện tử sẽ trở thành một mũi nhọn rất quan trọng để kéo theo cả nền kinh tế đi lên, vì hầu hết các dịch vụ sẽ phải ứng dụng thương mại điện tử”, ông Minh dự báo.
Theo Nghị quyết của Bộ chính trị số 52/2019 mà từ đó Thủ tướng Chính phủ đã đưa ra quyết định số 749 về chương trình chuyển đổi số quốc gia từ nay đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, trọng tâm đặc biệt là chuyển đổi về nhận thức đối với doanh nghiệp. Vì nhận thức chuyển đổi số của doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn yếu, trong khi đó, nền kinh tế gặp những sự cố cần phải thay đổi, thì ngay lập tức phải tái cấu trúc nên kinh tế, mà khi tái cấu trúc nền kinh tế sẽ dẫn đến thay đổi môi trường kinh doanh của các doanh nghiệp, từ đó các doanh nghiệp lại phải tái cấu trúc một lần nữa. Cho nên, phát triển Chính phủ số, kinh tế số và đẩy mạnh những chương trình chuyển đổi số là một trong những cái mục tiêu mà tất cả các địa phương ở Việt Nam hiện nay đều phải triển khai.
Cũng theo ông Nguyễn Bình Minh, môi trường kinh doanh của Việt Nam hiện nay thực sự rất khó lường và đang chuyển qua giai đoạn VUCA 3.0, bao gồm các hoạt động kinh doanh biến động, không chắc chắn, phức tạp, thậm chí mơ hồ... Ở thời điểm này, để thích ứng với VUCA 3.0, các doanh nghiệp Việt Nam buộc phải có phương pháp để thích nghi, ví dụ như bắt buộc phải chuyển sang các kế hoạch sản xuất kinh doanh linh hoạt để thích nghi với tình hình mới.
Bên cạnh đó, các rào cản của doanh nghiệp khi chuyển đổi số đó là thiếu nguồn nhân lực có kỹ năng mà Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đã đề cập đến. Cùng với thiếu nền tảng công nghệ chuyển đổi số, mà theo báo cáo đánh giá của thế giới về Việt Nam, thì chúng ta còn thiếu tư duy, thiếu ý thức của lãnh đạo doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi số. Trong khi dịch bệnh lại càng làm cho vấn đề trở nên phức tạp khi đứt gãy chuỗi giá trị, không thể kết nối được các hoạt động vận chuyển, thiếu nguyên liệum thiếu nguồn lực kinh doanh,...
“Với các vấn đề nêu trên, chúng ta sẽ thấy, hiện nay có rất nhiều doanh nghiệp đang băn khoăn có chuyển đổi số hay không chuyển đổi số? Nhưng rõ ràng, người tiêu dùng đã chuyển đổi số xong rồi, đại đa số đã sử dụng các thiết bị điện tử, smartphone, cộng đồng người tiêu dùng trực tuyến phát triển ngày càng nhanh, các sự kiện trên mạng cũng phát triển rất tốt”, ông Minh đánh giá.
>>TÁI CẤU TRÚC NỀN KINH TẾ: Cần đạt sự bứt phá về năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp
Một điểm nữa mà ông Minh đề cập đến đó là cạnh tranh ở các quốc gia, nếu không nhanh thì các quốc gia sẽ đi vượt qua chúng ta rất xa, vì thế các doanh nghiệp phải đối đầu với các nhóm dấu hiệu mà cần tái cấu trúc doanh nghiệp như:
Thứ nhất là dấu hiệu bề mặt, doanh số bắt đầu sụt giảm trong quá trình dịch bệnh vừa qua, thị phần bị thu hẹp, kinh doanh trì trệ;
Thứ hai là dấu hiệu về cận bề mặt, khách hàng bắt đầu khiếu nại, nợ nần bắt đầu chậm, hoạt động kinh doanh đình đốn;
Thứ ba là dấu hiệu về lõi, đó là “bệnh nan y” khó chữa, liên quan đến nhận thức của doanh nghiệp. Doanh nghiệp không nhận ra là quá trình chuyển đổi số đang kể cận và nếu không chuyển đổi số thì sẽ bị giãn cách rất xa so với các đối thủ cạnh tranh.
Do đó, buộc doanh nghiệp phải chú ý trong môi trường kinh doanh hiện nay, hoạt động kinh doanh thông minh là một trong những vấn đề quan trọng và các chức năng kinh doanh chéo ở trong doanh nghiệp phải được triển khai như quản trị quan hệ khách hàng, lập kế hoạch nguồn lực doanh nghiệp, hay quản trị chuỗi cung ứng,... dựa trên các nền tảng thương mại điện tử và di động.
“Việt Nam có một may mắn là người tiêu dùng cũng đã chuyển đổi số, đặc biệt là giới trẻ, nguồn nhân lực có khả năng thích nghi rất tốt, lợi thế hơn các quốc gia như Nhật Bản, họ muốn chuyển đổi số mạnh cũng rất khó vì dân cư bị già”, ông Minh phân tích.
Về giải pháp, Trưởng ban phát triển nguồn nhân lực, Hiệp hội Thương mại điện tử chia sẻ, các doanh nghiệp phải kinh doanh các sản phẩm có chất lượng, xuất sứ nguồn gốc rõ ràng, hay khai thác tối đa các sàn giao dịch thương mại điện tử Việt Nam, vì đó là một trong những Top của Đông Nam Á, chiếm thị phần lớn.
Mặt khác, cần phối hợp nhiều công cụ kinh doanh số, vì công cụ này phát triển liên tục, đa dạng hóa. Chuyển đổi số doanh nghiệp còn phải tiến hóa số chứ không phải chuyển đổi xong là xong. Đặc biệt, các yếu tố mà chúng ta thấy để đảm bảo thành công của chiến lược chuyển đổi số, thì phải bắt đầu từ lãnh đạo, phải thay đổi nhận thức ngay lập tức và có một cam kết với chuyển đổi số. Đồng thời mang theo tư duy dám vượt khó, không ngại khó khăn trong mọi tình huống.
Có thể bạn quan tâm
16:09, 14/12/2021
15:53, 14/12/2021
15:00, 14/12/2021
14:18, 14/12/2021
12:30, 14/12/2021