Kế hoạch bán 2-3 dự án để lấy tiền trả lại cho nhà đầu tư đã mua trái phiếu trong 9 lô đã bán và bị hủy của Tân Hoàng Minh gặp không ít nghi ngại về khả năng thanh lý tài sản vào lúc này...
>> Quyền lợi trái chủ nhìn từ câu chuyện hủy phát hành trái phiếu Tân Hoàng Minh
Trong tuần qua, con trai cả của ông Đỗ Anh Dũng – người thay thế vị Chủ tịch vừa bị bắt và khởi tố để điều hành các công ty thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh, đã thông tin trong buổi làm việc với nhà đầu tư là “'Chúng tôi sẽ bán ra ít nhất 2 đến 3 dự án của tập đoàn để thực hiện việc chi trả các khoản đầu tư của anh chị”.
Việc Tân Hoàng Minh tích cực tìm kiếm đối tác để bán tài sản, sớm hoàn tiền cho khách hàng như Tập đoàn này cam kết, tuy nhiên chưa thực sự làm an lòng các nhà đầu tư. Bởi trước đó, khi bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước hủy bỏ 9 lô trái phiếu đã phát hành và nhiều Lãnh đạo, nhân sự bị bắt, khởi tố, Tân Hoàng Minh đã thông tin sẽ đưa ra lộ trình hoàn tiền trong vòng 5 ngày tới kể từ ngày 7/4, cho nhà đầu tư. Thời gian 5 ngày là gấp rút, càng gấp rút với Tân Hoàng Minh đang khó tránh xáo trộn; nên cũng không khó hiểu khi đến hiện tại sau cam kết trên thì Tân Hoàng Minh cũng chưa ra được lộ trình cụ thể.
Tân Hoàng Minh như được biết, là một Tập đoàn tư nhân có hệ sinh thái tập hợp nhiều công ty con, thành viên, đầu tư nhiều dự án địa ốc ở nhiều nơi. Hơn chục năm trước, Tân Hoàng Minh đã nổi tiếng trong lĩnh vực kinh doanh vận tải với thương hiệu taxi V20. Nhưng nhiều năm sau chuyển dịch trọng tâm sang bất động sản và từ bỏ vận tải, Tập đoàn này đã tích lũy và lên kế hoạch phát triển chuỗi dự án bất động sản cao cấp, hạng sang. Nhiều dự án trong đó ghi cột mốc “đầu tiên” như D’. Ozea Cosmo Bay là dự án đầu tiên của Tân Hoàng Minh tại đảo Ngọc, vừa được trao giải thưởng bất động sản du lịch tiềm năng nhất năm 2022. Tuy nhiên, lại cũng phải nói rằng trong "tệp" danh sách dự án của Tân Hoàng Minh, không ít dự án gắn với 2 chữ “tiềm năng”, và không ít dự án đang ở giai đoạn “dự kiến” hoặc “sẽ phát triển”.
Theo đó, yếu tố pháp lý, tình trạng triển khai, tiến độ triển khai dự án là các vấn đề chắc chắn đã, sẽ được nhiều các chủ đầu tư, người mua tài sản thanh lý quan tâm hơn cả.
Theo thống kê, tính đến 2021, một số dự án Tập đoàn Hoàng Minh hiện đã thực hiện và đưa vào sử dụng, đang hoàn thiện gồm: Khu đô thị D'. Capitale tại số 119 Trần Duy Hưng trị giá trên 15.000 tỷ đồng; khu căn hộ D'. Palais Louis tại số 6 Nguyễn Văn Huyên; toà nhà D'. Le Pont D'or tại 36 Hoàng Cầu; D'. Le Roi Soleil số 2 Đặng Thai Mai, D'. Eldorado I tại số 659A Lạc Long Quân; D'. Eldorado II số 298 Võ Chí Công.
Một số dự án Tập đoàn này cũng có kế hoạch tại thời điểm cuối 2021 là sẽ triển khai gồm: Dự án BT Hoàng Mai có tổng mức đầu tư hơn 2,5 tỷ USD; dự án khu đô thị vệ tinh Xuân Mai có diện tích khoảng 300ha, tổng mức đầu tư gần 3 tỷ USD; dự án Khu đô thị Đông Minh thuộc Khu Kinh tế Thái Bình có diện tích trên 1.200 ha, tổng mức đầu tư khoảng 2 tỷ USD… Bên cạnh đó, còn có rất nhiều dự án trong "kế hoạch" ở dạng đề xuất hoặc mong muốn đầu tư như ở Đăk Lak hay Lạng Sơn...
>> Chủ tịch Quốc hội yêu cầu làm rõ nợ xấu phát sinh trong BOT, trái phiếu, ngân hàng...
Nói tóm lại, muốn bán được dự án để thu hồi tiền hoàn trả các trái phiếu, chuyên gia Tài chính Nguyễn Lê Ngọc Hoàn cho rằng, chắc chắn Tân Hoàng Minh phải biết thị trường cần gì và họ cần đưa dự án nào để có thu hút đối tác nhận sang nhượng trong thời điểm “tiền khôn, của khó”, đặc biệt với các vấn đề phức tạp của Tân Hoàng Minh vẫn đang còn hiện hữu như hiện nay.
Ở góc độ khác, chuyên gia nhận định cũng chính vì vẫn đang ở giai đoạn xáo trộn và nhiều lãnh đạo vướng vòng lao lý, ngay cả khi có dự án đảm bảo góc độ pháp lý để có thể đưa bán, Tân Hoàng Minh cũng có thể ở “thế kẹt” vì người bán cần bán, còn bên mua có tiền sẽ là người “cầm trịch”; việc gặp nhau trên bàn đàm phán mua bán sang nhượng theo đó, sẽ cần rất nhiều thời gian rà soát, định giá dự án, Tân Hoàng Minh cũng phải chấp nhận thua thiệt lớn về giá cả mới có khả năng kiếm được người sẵn sàng mua lại. Vì vậy các trái chủ khó có thể hi vọng nhận được tiền hoàn sớm như mong đợi.
Trong khi đó, lưu ý ngay cả khi có mong muốn “bán ra ít nhất 2 đến 3 dự án của tập đoàn để thực hiện việc chi trả các khoản đầu tư của anh chị (nhà đầu tư); Với tiềm năng của Tân Hoàng Minh, với lượng dự án của Tân Hoàng Minh thì chúng tôi cam kết chúng tôi làm được" như chia sẻ của đại diện Tập đoàn, thì cũng “không phải Tân Hoàng Minh muốn bán gì cũng được”. Chính đại diện của Tân Hoàng Minh cũng phải thừa nhận việc bán dự án còn phụ thuộc vào nhà đầu tư mua, đồng thời do các lãnh đạo của tập đoàn đang bị tạm giam, cơ quan chức năng đang điều tra vụ việc, nên sẽ phải thông qua cơ quan chức năng hướng dẫn.
"Chưa kể, việc Tân Hoàng Minh huy động như được biết để đầu tư vào các công ty trong cùng hệ sinh thái, và cũng có cả trường hợp bên mua chính là Tập đoàn (hoặc qua các công ty trong hệ sinh thái). Khi dòng tiền còn vòng vèo như vậy thì đây chính là vấn đề vướng nhất khiến Tân Hoàng Minh khó sớm có câu trả lời cho những nhà đầu tư đã ôm trái phiếu trong 9 lô phát hành bị hủy. Bởi thông thường khi các dự án thuộc các công ty có dòng tiền đầu tư "vòng vèo", có nguy cơ vướng hoặc rắc rối về pháp lý trực tiếp hoặc gián tiếp, cho dù các nhà đầu tư “tay to” nếu có tiền, có mong muốn được mua lại tài sản như được “quảng cáo” ở nhiều vị trí đắc địa, hạng sang của Tân Hoàng Minh, cũng sẽ phải suy xét trước khi "dám xuống tiền", một Luật sư lưu ý.
Ngoài ra, Tân Hoàng Minh, khác với trường hợp FLC, không có nhiều công ty trong hệ sinh thái hay chính Tập đoàn lên sàn nên mức độ minh bạch thông tin không thể so sánh với các công ty đại chúng, niêm yết. Mức độ thanh khoản tài sản và vốn cổ phần thời gian ngắn theo đó cũng hạn chế nhất định. Trong khi nhà đầu tư có thể “ngắm” FLC và các công ty con qua giao dịch mua bán cổ phiếu thông thương hoặc thông qua chào mua công khai để tham gia nắm giữ cổ phần, thậm chí như đánh giá của chuyên gia Tài chính Lâm Minh Chánh, có thể mua ở tỷ lệ chi phối, mua lại công ty để tái cấu trúc lại toàn phần công ty trên nền tảng các tài sản lõi; thì lựa chọn bán trực tiếp dự án với Tân Hoàng Minh vào lúc này được cho là lựa chọn duy nhất có tính khả thi. Nhưng, như đề cập ở trên, việc khả thi trong hiện thực cần phải đáp ứng nhiều điều kiện, thậm chí cả sự may mắn trong tìm kiếm được đối tác để đi đến "thuận mua vừa bán".
Một điểm có thể có yếu tố giảm áp lực tài chính cho Tân Hoàng Minh lúc này, là trong 7 /9 lô trái phiếu bị hủy có công bố cơ cấu người mua trái phiếu, thì có 3 tổ chức tín dụng "bí ẩn" đã mua trái phiếu Tân Hoàng Minh. Thông thường, với kinh nghiệm của các nhà kinh doanh tài chính, thậm chí đó có thể là các thành viên trong danh sách tạo lập thị trường công cụ nợ, các ngân hàng sẽ quyết định đầu tư theo hướng "nắm đằng chuôi", tức không đầu tư mà không có tài sản đảm bảo; cũng như họ luôn có phương án, công cụ để có thể thanh lý, thu hồi tài sản và giảm thiểu thất thoát tối đa. Nếu các ngân hàng vẫn đang là tổ chức nắm giữ trái phiếu các công ty thuộc Tân Hoàng Minh và chưa phân phối lại cho các nhà đầu tư khác như có hiện tượng đã xảy ra trên thị trường, và đã bị Bộ Tài chính cảnh báo các hiện tượng này nhiều lần, thì khả năng Tân Hoàng Minh đàm phán về việc lùi thời gian hoàn tiền mua trái phiếu, hoặc thậm chí "gán" dự án cho chính các trái chủ ngân hàng sẽ thuận tiện hơn, tất nhiên, với điều kiện tuân thủ theo các cơ quan chức năng hướng dẫn.
Từ trường hợp Tân Hoàng Minh để thấy, việc các trái chủ, những người mua trái phiếu riêng lẻ không có tài sản đảm bảo, không được bảo lãnh thanh toán, lại không xem xét và đánh giá đầy đủ năng lực tài chính của chủ đầu tư, nếu rơi vào trường hợp phải đi đòi tiền các chủ thể phát hành, phải yêu cầu chủ thể doanh nghiệp thực thi các cam kết có thể có trong hợp đồng như mua lại trái phiếu trước hạn hoặc trả lại tiền + lãi khi phát sinh rủi ro, sẽ rất... cam go. Đó là chưa xét trong trường hợp doanh nghiệp vỡ nợ, thì việc thanh lý, xử lý tài sản của doanh nghiệp để trả nợ còn phải tuân thủ thứ tự chủ nợ theo quy định pháp luật.
Có thể bạn quan tâm