Luật các Tổ chức tín dụng (TCTD) sửa đổi, có hiệu lực từ 15/01/2018, sẽ là tiền đề quan trọng để NHNN thực hiện Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Theo đại diện cơ quan thanh tra giám sát NHNN, năm 2016 và trọng tâm 2017, NHNN đã tiếp tục tái cơ cấu 5 ngân hàng thương mại, trong đó có 3 ngân hàng mà NHNN đã mua lại bắt buộc với giá 0 đồng, bao gồm: Ngân hàng Xây dựng (CB), Ngân hàng Đại Dương (Ocean Bank), Ngân hàng Dầu khí Toàn cầu (GP Bank).
Tái cơ cấu gắn chặt với xử lý nợ xấu
Theo TS. Bùi Quang Tín, trong Luật đã đề cập rõ những ngân hàng yếu kém cần có một giai đoạn hỗ trợ, và NHNN đã đưa ra những biện pháp hỗ trợ rõ ràng. Khi ngân hàng yếu kém có cơ hội để phục hồi. Nếu không phục hồi thì các ngân hàng có ba lựa chọn: giải thể, phá sản hoặc mua lại giá 0 đồng.
“Các TCTD cũng như loại hình doanh nghiệp, nhưng không thể nào coi đó là một doanh nghiệp bình thường được. Hệ thống TCTD là những định chế trung gian tài chính, khi gặp vấn đề sẽ ảnh hưởng đến sự luân chuyển vốn trong nền kinh tế, ảnh hưởng an toàn hệ thống. Do đó, thực hiện tái cơ cấu các TCTD có lộ trình là phương án thích hợp để hỗ trợ chương trình tái cơ cấu các TCTD”, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính, cho biết và nhấn mạnh, sau tái cơ cấu, không khắc phục được những tồn tại, yếu kém tại TCTD, thì không nên trì hoãn việc phá sản.
Trước những yêu cầu này và để thực thi Luât các Tổ chức Tín dụng sửa đổi, theo ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc NHNN, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của NHNN trong năm 2018 là triển khai tiếp các bước tái cơ cấu và xử lý nợ xấu của các TCTD một cách căn bản, triệt để hơn. Theo đó, hàng loạt các giải pháp đã được đề ra như hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, cơ chế, chính sách về tiền tệ và hoạt động ngân hàng; Tập trung triển khai có chất lượng và đúng tiến độ các nhiệm vụ được giao tại Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng triển khai thực hiện Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020” và Nghị quyết số 42/2017/QH14 thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD. Đồng thời nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, giám sát ngân hàng phù hợp với yêu cầu thực tiễn của nền kinh tế Việt Nam
Nhìn lại kết quả
Theo ông Lê Minh Hưng, Thống đốc NHNN, đến thời điểm này, NHNN đã xây dựng các phương án cụ thể xử lý ba ngân hàng đã mua lại bắt buộc, cùng DongA Bank và Sacombank sau sáp nhập. NHNN đã thừa ủy quyền của Chính phủ, xây dựng phương án báo cáo Bộ Chính trị và Bộ Chính trị đã có kết luận rất cụ thể, chi tiết việc xử lý đối với 5 ngân hàng này.
Cho đến nay, tỷ lệ nợ xấu đã giảm mạnh là do các TCTD đã tập trung các nguồn lực để xử lý tài sản đảm bảo, thu hồi nợ, sử dụng nguồn trích lập dự phòng rủi ro. Mặt khác, số nợ xấu bán cho VAMC giảm so với 2016 do nợ xấu phát sinh 2017 nhỏ hơn những năm trước.
Trong đó, Vietcombank là ngân hàng thương mại đầu tiên sạch nợ tại VAMC, chỉ sau 2 năm tập trung kế hoạch xử lý nợ, sớm trước 3 năm so với lộ trình 2020 mà Quốc hội, Chính phủ chủ trương.
Đặc biệt, Luật các TCTD sửa đổi đã được Quốc hội thông qua, sẽ tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho việc thực hiện các giải pháp của Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Đối với các TCTD được kiểm soát đặc biệt, Luật đã quy định cụ thể về quy trình xử lý, các biện pháp xử lý có thể áp dụng để bảo đảm cơ quan có thẩm quyền, có đủ cơ sở pháp lý để lựa chọn cách thức xử lý phù hợp nhất đối với từng TCTD.
NHNN xem xét áp dụng can thiệp sớm đối với TCTD lâm vào một trong các trường hợp sau: Không duy trì được tỷ lệ an toàn vốn trong thời hạn 06 tháng liên tục; Không duy trì được tỷ lệ khả năng chi trả trong thời gian 03 tháng liên tục; Xếp hạng dưới mức trung bình theo quy định của NHNN.
Cùng với đó, các phương án cơ cấu lại TCTD được kiểm soát đặc biệt bao gồm: Phương án phục hồi; Phương án sáp nhập, hợp nhất, chuyển nhượng toàn bộ cổ phần, phần vốn góp; Phương án giải thể; Phương án chuyển giao bắt buộc; Phương án phá sản.