Cổ phiếu nhóm ngân hàng niêm yết được dự báo tăng tốc nhờ kết quả kinh doanh tăng trưởng mạnh…
Báo cáo của MBS ghi nhận, tín dụng tăng tốc trong Quý 2/2025 nhờ môi trường lãi suất thấp được duy trì. Tín dụng toàn hệ thống bắt đầu tăng mạnh từ tháng 02/2025 nhờ tâm lý tích cực hỗ trợ bởi mục tiêu tăng trưởng GDP 8% cùng với những chỉ tiêu chính sách tiền tệ được nới thêm. Tính đến 16/06/2025 tín dụng đã tăng 6,99% so với đầu năm, cao hơn so với mức 3,75% cùng kỳ năm ngoái. Theo MBS, tín dụng các NHTM niêm yết (NHNY) không có nhiều sự biến động so với quý trước.
Nhóm NHTM cổ phần có mức tăng tốt hơn so với nhóm NHTM quốc doanh. Những ngân hàng có mức tăng tín dụng tốt trong quý đầu năm như MSB, EIB, VPB, SHB, CTG vẫn tiếp tục đà tăng tốt trong Quý 2/2025. Theo đó, môi trường lãi suất thấp tập trung vào nhóm khách hàng doanh nghiệp (KHDN) vẫn tiếp tục là động lực chính của tín dụng trong Quý 2/2025.
Tính đến giữa tháng 06/2025, tăng trưởng huy động đạt 5,09% so với đầu năm, vượt xa con số 0,92% cùng kỳ năm ngoái dù lãi suất không tăng quá nhiều, điều này có thể giảm áp lực huy động của các ngân hàng trong nửa cuối năm. MBS dự báo lợi nhuận sau thuế các NHNY theo dõi sẽ tăng khoảng 14,7% trong Quý 2/2025. Những ngân hàng được dự báo có mức tăng tốt như VPB, CTG, EIB được dự báo có tín dụng tăng khả quan hơn so với toàn ngành và NIM cũng sẽ ít giảm hơn so với nền thấp của năm ngoái
Với VPB ước tính tăng trưởng tín dụng (TTTD) có thể đạt khoảng 12% đến cuối Quý 2/2025, NIM ước khoảng 5,9%, đi ngang so với quý trước. Cho vay nhóm KHDN dự báo vẫn sẽ dẫn dắt tín dụng và chủ yếu liên quan đến hoạt động thương mại và xây dựng. Cho vay khách hàng cá nhân (KHCN) chủ yếu vẫn đến từ cho vay mua nhà trong khi cho vay margin và tín dụng tiêu dùng vẫn sẽ chậm cho đến khi kết quả đàm phán công bố. Chi phí trích lập dự kiến đạt trên 9000 tỷ đồng tăng 11,0% s và tăng 38,2% so quý trước. Lợi nhuận 6 tháng đầu năm dự kiến của VPB tăng 32,6% và đạt 44% kế hoạch năm 2025. Đóng cửa phiên giao dịch ngày 14/7 cổ phiếu VPB đạt vùng giá 21.000 đồng/cp tăng 20% so với đầu năm
Với cổ phiếu TCB, tính đến cuối Quý 2/2025, tín dụng được kỳ vọng sẽ đạt 9% nhỉnh hơn so với cùng kỳ đạt 12%, chủ yếu nhờ các khoản cho vay mua nhà hồi phục khi các dự án lớn đang có tình hình mở bán khá tốt. Cho vay bất động sản (BĐS) cũng sẽ được duy trì khi các vướng mắc dần được tháo gỡ. Tỷ lệ biên lãi ròng (NIM) của ngân hàng do đó cũng sẽ hồi phục nhẹ lên mức 3,8%, nhỉnh hơn so với 3,6% trong Quý 1/2025 theo đà hồi phục của mảng cho vay mua nhà. Thu ngoài lãi vẫn chủ yếu tập trung vào phí IB và thanh toán thẻ của TCB.
Chi phí trích lập dự báo của ngân hàng tăng lên 1.500 tỷ đồng, giảm 10% so với do nền cao năm trước và tăng 35,7% so với quý trước. Lợi nhuận 6 tháng đầu năm ngân hàng dự báo giảm 0.8% svck và đạt 49% kế hoạch cả năm. Đóng cửa phiên giao dịch ngày 14/7 cổ phiếu TCB đạt vùng giá 35.000 đồng/cp tăng gần 30% so với đầu năm.
Với cổ phiếu EIB, tăng trưởng tín dụng cuối Quý 2/2025 dự báo tăng mạnh và đạt 13% YTD tại cuối quý, một phần nhờ mức tăng rất khả quan hơn 9% YTD trong Quý 1/2025. NIM được dự báo sẽ nhích nhẹ lên mức 2.5% (Q1/25: 2.3%) chủ yếu nhờ COF giảm xuống 4.1% (Q1/25: 4.3% do huy động tăng mạnh). Chi phí trích lập trong Quý 2/2025 dự kiến đạt khoảng 200 tỷ, tương đương svck nhưng tăng 66% so với quý trước do nợ xấu và nợ nhóm 2 vẫn chưa có dấu hiệu giảm. Dù lợi nhuận 6 tháng 2025 tăng rất khả quan nhưng chỉ đạt 34% kế hoạch tương đối tham vọng.
Với VCB, đại diện cho nhóm Big 3 niêm yết, tăng trưởng tín dụng cuối Quý 2/2025 dự kiến đạt 7%, do VCB liên tục đẩy mạnh các gói tín dụng với lãi suất ưu đãi từ đầu tháng4/2025. Dự báo NIM có thể tiếp tục xu hướng giảm trong Quý 2/2025. Tỷ lệ nợ xấu dự kiến giảm nhẹ so với cuối Quý 1/2025, đạt khoảng 1%. Chi phí trích lập dự phòng dự kiến của VCB đạt hơn 1.000 tỷ đồng do không còn khoản hoàn nhập dự phòng. Lợi nhuận sau thuế 06 tháng đầu năm của ngân hàng nhích nhẹ 4,5% và đạt 45% kế hoạch cả năm. Đóng cửa phiên giao dịch ngày 14/7 cổ phiếu VCB cán mốc 62.400 đồng/cp, so với đầu năm cổ phiếu VCB tăng giá gần 20%.
Ngoài tăng trưởng tín dụng cao, khiến giá cổ phiếu của nhóm ngân hàng niêm yết tăng theo, MBS cho rằng những quy định mới tác động đến ngành Ngân hàng nhất là nhóm niêm yết, giúp các cổ phiếu ngành hồi phục. Đó là Nghị định 69/2025/NĐ‑CP so với quy định cũ (Nghị định 01/2014/NĐ‑CP): Thay đổi lớn nhất liên quan đến việc nâng tỷ lệ sở hữu tối đa của nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN) lên 49% tại các NHTM nhận chuyển giao bắt buộc (trước đó 30%) bao gồm VPB, MBB và HDB. Điều này giúp các NHTM cổ phần này có thêm dư địa khi cần gia tăng độ dày vốn.
Tuy nhiên, MBS cho rằng các ngân hàng trên chưa thực sự cấp thiết trong việc sử dụng room ngoại tăng thêm này. VPB sau khi có đối tác chiến lược là SMBC đã tăng CAR lên mức hơn 14% tại cuối Quý 1/2025, đứng thứ 2 toàn ngành. MBB và HDB hiện vẫn đang khóa room ngoại dưới mức 30% lần lượt là 23,2% và 17,5%.
Bên cạnh đó, Luật hóa Nghị quyết 42/2017/NQ-CP, với những điểm thay đổi quan trọng trong dự thảo liên quan đến việc chủ động thu giữ tài sản đảm bảo (TSĐB) giúp các ngân hàng giảm bớt áp lực trích lập dự phòng và chi phí xử lý nợ; minh bạch hóa và giảm thủ tục trong việc mua bán, xử lý nợ và nâng cao ý thức trả nợ của người đi vay giúp cải thiện chất lượng tài sản toàn hệ thống trong dài hạn.
Do vậy, những ngân hàng lớn có chi phí trích lập lớn như CTG, VPB và những ngân hàng có quy mô nhỏ như OCB, MSB, VIB… sẽ được hưởng lợi nhiều hơn. Do vậy, MBS khuyến nghị nhà đầu tư tiếp tục nắm giữ nhóm cổ phiếu ngân hàng chờ đợi những tín hiệu tích cực tăng trưởng tín dụng từ nay đến cuối năm 2025.