Thời điểm nước Mỹ nhận thấy cần thu gom lại quyền lực cũng là lúc những cường quốc mới nổi muốn tái định hình cục diện theo cách của riêng mình.
Trong những năm gần đây, cục diện kinh tế, chính trị toàn cầu đang diễn tiến theo hai hướng “phân mảnh và hội tụ”. Những quy tắc, hệ thống ra cũ đang phân rã; manh nha hội tụ thành những cực mới.
Mọi thay đổi đều có thể nhìn thấy ở những cuộc xung đột, chiến tranh, trong đó chiến sự Nga - Ukraine là dấu khá rõ ràng. Cho đến khi Trung Đông bùng lên mâu thuẫn giữa Israel và thế giới Hồi giáo - đã khẳng định rằng thế giới đang thiếu vắng bộ ứng xử có thể làm hài lòng đại đa số thành viên của Liên hợp quốc.
Hai sự kiện này không thể tách rời khỏi mối quan hệ đang căng thẳng giữa Trung Quốc và Mỹ. Một bên muốn “xoay trục” về châu Á - Thái Bình Dương; bên còn lại ra sức tranh thủ mọi cơ hội để lấp đầy khoảng trống quyền lực.
Trong bối cảnh đó, hệ thống đầu tư, thương mại Đông - Tây bị xáo trộn. Chưa bao giờ vấn đề các tập đoàn đa quốc gia “rời khỏi Trung Quốc” được đặt ra nhiều như năm nay. Đông Nam Á, hay Nam Á, Nam Mỹ có thể đón những “đại bàng” gặp bão?
Các tiêu chuẩn cũ như lao động, tài nguyên, thể chế bị đặt lùi sau các thuật ngữ mới “nearshoring”, “frienshoring” và “onshoring”. Bản thân xu hướng đầu tư mới đậm đặc yếu tố “địa chính trị - kinh tế”. Hay nói cách khác, đó là sự lựa chọn dựa trên tình trạng mối quan hệ ngoại giao song phương hoặc đa phương hẹp.
Chưa bao giờ tính rủi ro của sự “lựa chọn” trở nên quan trọng như lúc này. Bởi vì trong nhãn quan chiến lược của các cường quốc hiện nay - với phần còn lại của thế giới - bằng hữu hay thù địch chỉ cách nhau gang tấc. Nhiệm kỳ mới của ông Donald Trump chắc chắn sẽ khiến sự “phân mảnh và hội tụ” diễn biến nhanh hơn.
Thách thức, rủi ro rất lớn trong thời điểm tái cấu trúc hệ thống kinh tế, thương mại, đầu tư toàn cầu. Song, cơ hội cũng chia đều cho tất cả, nhất là những quốc gia mới nổi - họ có thể tự đưa mình vào vị trí quan trọng hơn trong chuỗi cung ứng, trở thành những “mắt xích” liên kết giữa các cực sẽ hoàn thiện trong vài năm tới. Vì sao?
Các cường quốc, các liên minh có thể lạnh nhạt về ngoại giao, vẫn tồn tại mâu thuẫn hệ thống, nhưng nhất quyết mọi nền kinh tế lớn không thể thiếu thị trường, trung tâm sản xuất, phân phối, nhân công rẻ, tài nguyên thiên nhiên mới, đối tác, đồng minh mới…
Rõ ràng thế giới đa cực cần nhiều hơn những “khớp nối” so với cục diện “toàn cầu hóa”. Đó là gì? Là nền tảng ngoại giao đại đồng, thị trường tiềm năng, tài nguyên dồi dào, nhân lực phong phú, thể chế minh bạch. Quốc gia nào sở hữu càng nhiều điều kiện này càng giàu cơ hội vươn lên tận dụng thành quả cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Việt Nam là một trong những quốc gia được các hãng thông tấn, báo chí lớn trên thế giới “điểm tên” nhiều nhất khi bàn về điểm đến đầu tư cho tương lai. Thông qua chiến lược “kết hợp với người khổng lồ” mà rất nhiều trong số đó đã trở thành đối tác thực sự hiệu quả với nước ta.
Xét một trong những điều kiện trên, Việt Nam đang đóng vai trò “mắt xích” cho các hệ thống. Chúng ta có quan hệ ngoại giao tầm mức cao nhất, đối tác chiến lược toàn diện với Mỹ, Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia và Pháp; đồng thời là đối tác đặc biệt quan trọng của nền kinh tế số 2 thế giới, Trung Quốc. Có nghĩa rằng Việt Nam đáp ứng tiêu chuẩn đầu tư, thương mại “nearshoring” và “frienshoring” với hầu hết.
Một đặc điểm nổi trội của “ngoại giao cây tre” là có thể dung hòa nhiều trường phái, quan điểm, hệ thống. Và chúng ta cũng từng xử lý rất “mềm mại” tác dụng phụ nhờ ý chí cầu thị, chủ động của các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội. Đây là tiền đề xây dựng thể chế hiện đại, đáp ứng đòi hỏi của xu hướng đầu tư mới.