Điểm yếu, mạnh của nền kinh tế đã phơi bày rất rõ khi đại dịch COVID-19 lây lan. Một phần của tái khởi động phải làm nhiệm vụ vá "lỗ hổng".
Hơn 100 ngày virus corona lây lan nhưng làm thay đổi rất nhiều thứ, trong đó có cả những định kiến cũ kỹ, mô thức phát triển kinh tế, xã hội đã được áp dụng mấy thập kỷ nay.
Khi vật lộn với dịch bệnh, đóng cửa nền kinh tế, giãn cách xã hội, ngưng trệ mọi hoạt động thì cũng là lúc mọi điểm yếu, mạnh trong nền kinh tế lập tức lộ ra. Vậy nên, tái khởi động nền kinh tế phải đi kèm với nhiệm vụ “vá lỗ hổng”.
Sự tham gia của một quốc gia trong chuỗi giá trị toàn cầu (Global Value Chain) thường được đánh giá bởi mấy yếu tố: vị trí địa lý, nguồn vốn, số lượng lao động, quy mô thị trường và chất lượng thể chế.
Thực tế, GVC là một cách tiếp cận mới, toàn diện hơn về phân công lao động quốc tế, nghĩa là bất kì doanh nghiệp nào có tham gia vào quá trình sản xuất một sản phẩm xuất khẩu đều có thể coi là đã tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Ví dụ, một chiếc áo bán ở Paris có thể được thiết ở Milan, dùng vải của Trung Quốc, phụ liệu từ Malaysia và cắt may thành phẩm tại Việt Nam. Thông qua khâu tham gia GVC để doanh nghiệp xác định mình ở đâu trên bản đồ kinh tế.
Có thể bạn quan tâm
08:33, 16/04/2020
14:38, 13/04/2020
05:00, 17/04/2020
Hậu dịch, Việt Nam nên rà soát lại các khâu mà mình tham gia trong GVC để tìm xem, ngành nào, nghề nào quá phụ thuộc vào nguyên liệu nước ngoài; lĩnh vực nào có thể tự chủ, sống được qua biến cố.
Hàng dệt may là lĩnh vực mà Việt Nam tham gia tích cực nhất vào GVC. Tuy nhiên, trong lĩnh vực này, Việt Nam chỉ tham gia được ở các khâu chế tác với mức độ hạn chế.
Do vậy, câu hỏi đặt ra là làm thế nào để vươn cao hơn trong chuỗi này. Tuy nhiên, cũng phải hiểu rằng không có một công thức chung cho các quốc gia tham gia vào chuỗi giá trị, vì nó phụ thuộc vào sự phát triển, giai đoạn, thách thức của từng nước.
Sở dĩ Việt Nam chưa thể tham gia sâu vào GVC là bởi nguồn lực con người hạn chế, tay nghề có hạn, nguyên liệu phụ thuộc vào Trung Quốc.
Thực tế là những quốc gia thu được lợi ích lớn trong GVC đều bỏ ra lượng chất xám lớn hơn nhiều so với các quốc gia kiếm được ít hơn. Với hàng dệt may, đa số công đoạn mang lại thặng dư lớn đều thuộc về các tác vụ “mềm”.
Ví dụ, tư duy sáng tạo để hình dung ra mẫu mã mới là công việc đòi hỏi nhiều kỹ năng; hoặc một đôi giày bán ở phố thời trang Milan luôn “có giá trị” hơn rất nhiều việc bán ở Campuchia; hay làm cách nào để sản phẩm trở nên quý phái bằng Marketing...
Đôi khi “giá trị mang lại” không nằm ở chổ sản phẩm đó được làm bằng thứ gì, mà nhiều khi giá trị được tạo nên từ thương hiệu, địa điểm bán, cách thức bán, người bán, quốc gia bán...
Và như vậy, chỉ cần một ý tưởng mới về sản phẩm lóe ra từ một cá nhân nhưng giá trị thu lại nhiều hơn hàng ngàn công nhân sử dụng cơ bắp, thời gian để may gia công cho sản phẩm.
Cũng như vậy, với ngành dệt may, Việt Nam khó tham gia sâu, khó kiếm được nhiều nhất từ GVC nếu như chúng ta không trở thành một “chấm” có vị thế trên bản đồ thời trang toàn cầu.
Chúng ta từng tự hào là “nhà sản xuất máy điện thoại Samsung có thứ hạng” hay “thủ phủ sản xuất những đôi giày thể thao Nike thượng hạng”...song, vì khâu mà chúng ta đảm nhiệm khá đơn giản nên thù lao không là bao.
Nói như vậy để thấy rằng, tham gia vào GVC không đơn giản chỉ là sản xuất và xuất khẩu càng nhiều càng tốt, mà hiện nay phải trả lời câu hỏi: Sản xuất cái gì? Sản xuất như thế nào? Thu được bao nhiêu?...