So với thời điểm trước Tết, hàng loạt ngân hàng cùng giảm lãi suất tiền gửi tiết kiệm giao động từ 0,2 điểm phần trăm đến 0,5 điểm phần trăm.
Đồng loạt hạ lãi suất tiết kiệm
VPBank đã áp dụng biểu lãi suất tiền gửi mới từ 30/3, điều chỉnh giảm ở nhiều kỳ hạn. Theo đó, giảm 0,2 điểm phần trăm ở các kỳ hạn dưới 6 tháng và từ 12-36 tháng, giảm 0,3 điểm phần trăm ở kỳ hạn 6-7 tháng và giảm 0,4 điểm phần trăm kỳ hạn 8-11 tháng. Đây là lần giảm lãi suất huy động thứ ba liên tiếp trong hai tháng gần đây của VPBank.
Tại ngân hàng MB, lãi suất ở nhiều kỳ hạn ngắn giảm từ 0,1 đến 0,2 điểm phần trăm so với đầu tháng 2. Ví dụ như lãi suất kỳ hạn 6 tháng đã giảm 0,2% xuống còn 5,5%. Trong khi đó, lãi suất kỳ hạn 12 tháng vẫn giữ nguyên ở mức 7,2%.
Ở khối NHTM có vốn chi phối của Nhà nước, lãi suất đã thấp lại càng xuống sâu hơn. Tại VietinBank, trần lãi suất ở các kỳ hạn 6 tháng, 7 tháng, 8 tháng hiện chỉ còn 4,8%, giảm tới 0,5 điểm phần trăm so với trước đây. Tuy nhiên, hầu hết các kỳ hạn dài lại không thay đổi, từ 12 tháng đến dưới 36 tháng, khách hàng gửi tiết kiệm vẫn được hưởng lãi 6,8 -6,9%/năm.
Đâu là lý do?
Việc các ngân hàng đồng loạt giảm lãi suất tiền gửi tiết kiệm được xem như giải pháp trước yêu cầu giảm lãi suất cho vay, ổn định tỷ giá theo chỉ đạo của Chính phủ trong bối cảnh Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất và đồng USD trên thị trường thế giới. Cụ thể, tại Nghị quyết phiên họp thường kỳ tháng 1/2018, Thủ tướng yêu cầu trong quý I/2018, điều hành lãi suất phù hợp với điều kiện kinh tế vĩ mô, lạm phát và thị trường tiền tệ, tạo điều kiện thuận lợi để tổ chức tín dụng tiếp tục giảm lãi suất cho vay…
Theo TS Vũ Viết Ngoạn, Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng cho biết, nếu muốn giảm lãi suất thì chỉ còn cách hạ lãi suất huy động. Nhưng có hạ được lãi suất huy động hay không còn phụ thuộc vào việc này có làm thay đổi nguồn vốn huy động của ngân hàng hay không? Người dân có chuyển sang kênh đầu tư khác hay không, nhất là khi các kênh khác như bất động sản, chứng khoán… đang hấp dẫn.
Trong khi đó, TS.Cấn Văn Lực cho rằng, lý do nhiều ngân hàng giảm lãi suất huy động thời gian qua là do muốn điều chỉnh cơ cấu kỳ hạn để tăng vốn huy động trung và dài hạn, nhằm đáp ứng nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp cũng như đáp ứng được yêu cầu của Thông tư 36 của NHNN quy định việc tổ chức lại tổ chức tín dụng. Một lý do nữa là trong quý I vừa qua, lượng tín dụng đẩy ra nền kinh tế chưa nhiều, vì vậy các ngân hàng phải tạm thời giảm đi phần huy động vốn ngắn hạn, thay vào đó là tăng huy động nguồn vốn dài hạn.
Ông Lực cũng cho biết trong thời gian tới các ngân hàng sẽ tiếp tục điều chỉnh đồng bộ đối với cơ cấu huy động vốn, tuy nhiên điều này không phải là xu thế dài hạn hoặc cả năm mà chỉ xảy ra tại một thời điểm nhất định. Về lâu dài, xu hướng giảm lãi suất đầu vào rất khó xảy ra, nhất là trong bối cảnh áp lực lạm phát năm nay tăng khá rõ, cùng với đó các kênh khác như: vàng, bất động sản đã và đang trở nên hấp dẫn với các nhà đầu tư.