Tái thiết sức khoẻ tinh thần và thể chất

Diendandoanhnghiep.vn Mặc dù giới doanh nhân được xem là những trụ cột kinh tế cho một quốc gia nhưng từ trước đến nay, vấn đề sức khỏe tinh thần của doanh nhân vẫn chưa được coi trọng đúng mức.

Mặc dù giới doanh nhân được xem là những trụ cột kinh tế cho một quốc gia nhưng từ trước đến nay, vấn đề sức khỏe tinh thần của doanh nhân vẫn chưa được coi trọng đúng mức.

Công việc kinh doanh thường được mô tả giống như trải nghiệm trên một chuyến tàu lượn siêu tốc đầy cảm xúc và doanh nhân có nguy cơ mắc bệnh trầm cảm cao gấp hai lần, nguy cơ lạm dụng chất kích thích cao gấp ba lần và nguy cơ mắc chứng rối loạn thiếu tập trung cao gấp sáu lần, mắc chứng rối loạn lưỡng cực cao gấp mười một lần so với quần thể chung.

Căn bệnh tinh thần trong khủng hoảng

Trên thực tế, việc trở thành một doanh nhân và điều hành công việc kinh doanh của một đơn vị luôn căng thẳng ngay cả trong những thời điểm tốt nhất, chứ đừng nói là trong một cuộc khủng hoảng như đại dịch COVID-19.

Theo một nghiên cứu của Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia Hoa Kỳ, có đến 72% doanh nhân bị ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp bởi các vấn đề sức khỏe tâm thần, gần gấp đôi so với chỉ 46% ở những người không phải là doanh nhân.

Hay một khảo sát trên hơn 5000 doanh nhân ở 23 quốc gia khác nhau trong đại dịch cho thấy 61% doanh nhân nhận thấy sự tồn tại của doanh nghiệp đang bị đe dọa và không thể dự đoán được tương lai; 57% lo lắng về sức khỏe của bản thân và các thành viên gia đình, 44% báo cáo không ngủ đủ giấc trong 3 tháng trở lại. Mặc dù các quốc gia đều có những chính sách hỗ trợ nhưng chỉ chưa có đến một phần ba (32%) nhận được sự hỗ trợ tài chính trên thực tế. Rất nhiều doanh nhân vốn là người hướng ngoại nên dễ thất vọng khi bị hạn chế giao tiếp xã hội trong đại dịch (chiếm đến 48,8%). Dù làm việc từ xa với sự hỗ trợ công nghệ đang trở nên phổ biến, cũng phải có đến 15% doanh nhân trải qua cảm giác cô đơn nghiêm trọng ở nơi làm việc.

Và một điều đáng nói nữa là vì bản chất công việc của các doanh nhân vốn không dễ dàng, họ đã quen phải đưa ra những quyết định dưới căng thẳng áp lực, họ đã quen sống trong bối cảnh ranh giới giữa công việc và cuộc sống gia đình nhiều khi bị trộn lẫn. Có một câu nói rất nổi tiếng là những doanh nhân thật cô đơn khi ở trên đỉnh, họ cũng rất cô đơn trên con đường đi đến đỉnh cao và thậm chí còn tệ hơn nếu khi phải quay trở lại phía dưới. Điều này có nghĩa là họ đã quen với cô đơn và cô lập, họ cứ thế chịu đựng, chăm chỉ, kiên cường, quyết tâm vượt qua.

Những phẩm chất đôi khi có phần cực đoan này của doanh nhân lại được tôn vinh trong xã hội, được chấp nhận như phẩm chất, tinh thần văn hóa doanh nhân. Họ trở thành những hình mẫu động viên, truyền cảm hứng cho các thế hệ trẻ đang hăm hở khởi nghiệp. Nhưng ẩn bên dưới nó, và với chính họ lại là một thông điệp có hại. Đó là không thể chấp nhận họ đang yếu đuối, đang tổn thương tâm lý. Không dám cắt giảm lượng thời gian làm việc 18 giờ mỗi ngày vì luôn cảm thấy mình đang ở phía sau. Không thể thoải mái tận hưởng những thành công vì không hài lòng với những mục tiêu cao ở phía trước. Cũng chính nó làm họ ngại không tìm kiếm sự hỗ trợ chuyên nghiệp cho các vấn đề sức khỏe tâm thần của chính mình.

Đối diện để tái thiết

Đại dịch COVID-19 rồi sẽ qua đi. Các doanh nhân sẽ có rất nhiều việc phải làm khi chúng ta bước sang phía bên kia của cuộc khủng hoảng. Nhưng làm thế nào để có thể giúp cho các doanh nhân quay lại ngay với công việc mà không mất nhiều thời gian ổn định hoặc tái thiết sức khỏe tinh thần và thể chất của mình. Có thể một số gợi ý sau khiến các bạn doanh nhân lưu tâm.

Thừa nhận căng thẳng: Cảm thấy căng thẳng, choáng ngợp, lo lắng, tuyệt vọng là phản ứng bình thường của tất cả chúng ta trong hoàn cảnh hiện tại. Nó không phải là một điều dễ chịu nhưng hãy thừa nhận nó khiến ta hiểu rõ hơn những kịch bản khó khăn hiện tại và khiến ta nỗ lực hơn trong việc huy động các nguồn lực ứng phó. Nó tránh cho chúng ta rơi vào những mơ mộng hão huyền rằng mọi việc sẽ đột nhiên tốt đẹp hơn.

Thay vì thế hãy thừa nhận căng thẳng. Để tâm suy xét thêm cái gì đang làm bạn căng thẳng nhất: trả lương cho nhân viên; xử lý khéo léo với nhà cung cấp; giải quyết các vấn đề tài chính cá nhân; thời gian cho gia đình… Việc xác định những yếu tố căng thẳng sẽ giúp các doanh nhân lấy lại cảm giác kiểm soát và thể hiện ra lòng trắc ẩn, sự cảm thông với mọi người và chính bản thân mình.

Dành thời gian để phục hồi: Cơ thể thường tự động huy động năng lượng để ứng phó với căng thẳng nhưng nó chỉ có thể làm như vậy trong một thời gian ngắn. Căng thẳng trong thời gian dài khiến bạn kiệt sức và kiệt quệ tinh thần. Vì vậy việc chăm sóc, từ bi hơn với bản thân là cần thiết để duy trì sự thư giãn và tốc độ phục hồi. Điều này đặc biệt đúng với những doanh nhân đã trải qua căng thẳng mãn tính của giai đoạn đầu khởi nghiệp.

Tuy nhiên, xây dựng thói quen phục hồi tích hợp vào lịch sinh hoạt hàng ngày rất cần thiết. Hãy dành cho bản thân thời gian nghỉ ngắn trong ngày (khuyến nghị cứ 5 phút/ 1 giờ làm việc). Có nhiều ứng dụng thú vị nhắc nhở bạn điều này. Hãy dành thói quen tách bản thân khỏi công việc vào buổi tối (như không xem email sau 9:00 tối); nghiêm khắc với chế độ tập huấn (30 phút mỗi ngày); dành thời gian trong không gian xanh thiên nhiên (2 giờ/ tuần), ngủ đủ giấc (ít nhất 7 giờ/ngày). Các hoạt động phục hồi này sẽ giúp chúng ta làm việc ngắn hơn nhưng hiệu quả và sáng tạo hơn. Đó cũng là một khoản đầu tư đáng giá và sinh lời vào bạn ngay tại thời điểm này.

Tìm kiếm sự hỗ trợ: Một doanh nhân đã quen với việc ra quyết định và chịu trách nhiệm. Tìm kiếm sự hỗ trợ đôi khi bị đánh đồng với yếu đuối. Nhưng thực ra nó là dấu hiệu của sức mạnh. Tại sao các doanh nhân không hình thành nên một mạng lưới đồng nghiệp để có thể kết nối xã hội và trò chuyện trung thực về vấn đề sức khỏe tâm thần. Tại sao không bắt đầu các cuộc làm việc nhóm bằng một bài thư giãn mindfulness để định tâm, thực hành một bài tập về lòng biết ơn và sẵn sàng lắng nghe những khó khăn thách thức của từng cá nhân trước khi vào công việc chính.

Không chỉ trong mùa dịch mà xuyên suốt quá trình hoạt động, các chế độ chăm sóc sức khỏe cần được quan tâm đúng mức. Ảnh: VNM

Không chỉ trong mùa dịch mà xuyên suốt quá trình hoạt động, các chế độ chăm sóc sức khỏe cần được quan tâm đúng mức. Ảnh: VNM

Dịch bệnh không chừa một ai và chúng ta đang cùng ngồi trên một con thuyền. Đó là điểm chung để bạn bắt đầu cuộc trò chuyện với khách hàng, nhà cung cấp, người tài trợ về các khoản thanh toán, phức tạp trong logistics dẫn đến chậm trễ trong giao hàng. Hãy bắt đầu cuộc nói chuyện trong bối cảnh rộng lớn mà tất cả chúng ta đều chịu ảnh hưởng và chia sẻ được với nhau thay vì chỉ một số vấn đề cụ thể như một món thanh toán. Tiếp cận thế này dẫn đến những giải pháp thấu hiểu và sáng tạo hơn.

Việc đàm phán cũng dễ thông cảm nhau hơn nếu gọi thoại video chứ không chỉ gọi thoại qua đó bạn có thể nhìn thấy ngôn ngữ cơ thể của đối tác và khiến đàm phán hiểu nhau về cảm xúc tốt hơn…

Cải thiện kế hoạch và dành lại quyền kiểm soát: Cuộc khủng hoảng do đại dịch COVID lấy đi quyền kiểm soát và tăng thêm tính bất định cho tương lai. Để dành lại quyền kiểm soát trước hết doanh nhân cần chấp nhận có một số điều không thể thay đổi.

Khi đã chấp nhận có những điều không thể thay đổi, nó sẽ giải phóng tinh thần giúp ta chỉ tập trung vào những khía cạnh của doanh nghiệp và cuộc sống mà chúng ta có thể ảnh hưởng, qua đó tăng quyền kiểm soát.

Giám đốc công ty may động viên người lao động nỗ lực làm việc, cùng doanh nghiệp vượt qua dịch COVID-19

Giám đốc công ty may động viên người lao động nỗ lực làm việc, cùng doanh nghiệp vượt qua dịch COVID-19

Ví dụ: với doanh nghiệp, có thể đây là lúc khám phá các dịch vụ, thị trường mới. Khi cuộc khủng hoảng đi qua, những thử nghiệm sẽ giúp doanh nhân có những mô hình, dịch vụ, đối tác kinh doanh mới. Có thể tận dụng các mối quan hệ, khơi dậy ý tưởng trong nhân viên về những sản phẩm dịch vụ mới, tái định hướng các ý tượng hiện có, đưa ra những đề nghị mới với khách hàng, nhắm các mục tiêu thị trường mới.

Với cá nhân, có thể dành lại quyền kiểm soát bằng cách thiết lập quy tắc làm việc ở nhà, học thêm một kỹ năng mới, lập kế hoạch cho doanh nghiệp khi bước qua đại dịch. Để tăng cảm giác kiểm soát, hãy bắt đầu bằng những dự án nhỏ, vừa sức.

Tư duy lại tương lai bằng cái nhìn dài hạn: Thông thường các cuộc khủng hoảng thường giúp chúng ta tìm thấy một số ý nghĩa mới của cuộc sống, qua đó tăng khả năng phục hồi tâm lý. Vì vậy, hãy nghĩ xem đại dịch đã dạy cho chúng ta điều gì?

Có thể một số doanh nhân sẽ có cái nhìn mới về việc phải cân bằng công việc và gia đình. Rằng nếu chúng ta cứ xoay vần với những công việc như trước đây thì có rất nhiều thứ giá trị khác chúng ta sẽ chẳng thể nào có được trong cuộc sống.

Nghịch cảnh cũng có thể giúp các doanh nhân nhận ra một cách kinh doanh khác phù hợp hơn với nhu cầu xã hội và cộng đồng. Kinh doanh dựa trên những hành vi “cho đi”, hành vi ủng hộ xã hội là một ví dụ. Điều này làm tăng cảm nhận hạnh phúc và sự kiểm soát. Chúng ta thấy có những doanh nghiệp trong thời gian qua đã sản xuất nước rửa tay phát miễn phí hay có các chuỗi nhà hàng cung cấp thức ăn miễn phí cho những điểm cách ly, tuyến đầu chống dịch.

Trong cuộc sống, khi gặp khó khăn nghịch cảnh, cá nhân tôi thường hướng tới những bác cựu chiến binh cao tuổi. Họ đã sống qua chiến tranh, qua những giai đoạn khủng hoảng kinh tế và dịch bệnh. Và họ nhắc nhở chúng ta rằng mọi việc rồi đều sẽ qua đi và chúng ta sẽ mạnh mẽ hơn, kiên cường hơn vì nó…

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết Tái thiết sức khoẻ tinh thần và thể chất tại chuyên mục Chất lượng sống của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1714172957 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1714172957 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10