Tạm dừng bảo hộ sáng chế vắc xin COVID-19: Cẩn trọng tránh "bẫy" ồ ạt điều chế vắc xin

CẨM ANH 04/05/2021 06:00

Nhiều quốc gia trên thế giới đang kêu gọi tạm dừng bảo hộ bằng sáng chế vắc xin Covid-19 để giúp các nhà sản xuất chế tạo và vận chuyển vắc xin tới những nơi có nhu cầu cấp thiết nhất.

Một cơ sở sản xuất vắc xin Covid-19 tại Thiên Tân, Trung Quốc

Một cơ sở sản xuất vắc xin Covid-19 tại Thiên Tân, Trung Quốc

Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc (UNHRC) đã thông qua một nghị quyết kêu gọi tiếp cận công bằng, giá cả hợp lý với vắc xin ngừa Covid-19. Cho đến nay, Nghị quyết này đã được hơn 130 quốc gia tán thành và đồng thuận tại diễn đàn Geneva, khẳng định quyền của các quốc gia trong việc vận dụng linh hoạt các quy tắc hiện hành của WTO về sở hữu trí tuệ với vắc xin ngừa Covid-19.

Trong khi Trung Quốc và Liên minh châu Âu (EU) tán thành nghị quyết, nhưng cho đến nay Mỹ vẫn phản đối nghị quyết này và Anh cho rằng các biện pháp phải phù hợp với luật pháp quốc tế trên cơ sở đồng thuận.

Prabhash Ranjan, giáo sư luật thuộc Đại học Nam Á (Ấn Độ), cho rằng, tình thế cấp bách tại Ấn Độ có thể gây thêm sức ép và khiến số ít các quốc gia phát triển như Mỹ phải nhượng bộ. Theo chuyên gia này phân tích, ý tưởng này đang được xem xét nghiêm túc vì việc từ bỏ bảo hộ sở hữu trí tuệ tạm thời có thể thúc đẩy sự kết thúc của đại dịch. 

"Điều này cũng sẽ gửi một thông điệp mạnh mẽ từ các quốc gia giàu có hơn và các công ty dược phẩm rằng họ sẵn sàng từ bỏ một số lợi nhuận vì lợi ích lớn hơn. Và một khi đại dịch kết thúc, các biện pháp bảo vệ IP sẽ được khôi phục", ông Ranjan cho biết. 

Các ống tiêm chứa vắc xin Covid-19 tại Trung tâm Y tế Cộng đồng Kedren ở Los Angeles.

Các ống tiêm chứa vắc xin Covid-19 tại Trung tâm Y tế Cộng đồng Kedren ở Los Angeles.

Tuy nhiên, có một số ý kiến cho rằng, ngay lúc này, điều thực sự cần thiết để mở rộng quy mô sản xuất vắc xin trên toàn cầu là chuyển giao công nghệ. Chuyên gia Thomas Bollyky, Giám đốc Chương trình Y tế Toàn cầu tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại cho biết, đây không chỉ là vấn đề sở hữu trí tuệ, mà còn là việc chuyển giao bí quyết.

“Việc sản xuất và phân phối các loại vắc xin Covid-19 được đánh giá là vô cùng phức tạp. Tuy nhiên cho đến nay, chưa có bằng chứng rõ ràng cho thấy việc từ bỏ quyền sở hữu trí tuệ sẽ là cách tốt nhất để chuyển giao công nghệ”, ông nhận định.

Ông Bollyky cũng chỉ ra, việc từ bỏ các bằng sáng chế sẽ không hoạt động theo cách tương tự đối với vắc xin cũng như đối với thuốc. Ví dụ, đối với thuốc điều trị HIV, các nhà sản xuất ít nhiều có thể chế tạo chúng mà không cần nhiều sự trợ giúp từ nhà phát triển ban đầu.

Trên thực tế, Viện Huyết thanh ở Ấn Độ có hợp đồng với AstraZeneca và một số công ty khác để thực hiện chuyển giao công nghệ sản xuất hàng triệu liều vắc xin. Thông qua các thỏa thuận như vậy, các nhà máy ở Ấn Độ sẽ sản xuất 3,6 tỷ liều vắc xin trong năm nay, chỉ đứng sau Hoa Kỳ.

Các công ty khác cũng đã cấp quy trình sản xuất của họ cho các nhà thầu phụ, thậm chí cho các đối thủ cạnh tranh. Johnson & Johnson và Merck đang hợp tác để mở rộng năng lực sản xuất vắc xin J&J. Tương tự, Novartis và Sanofi đang sử dụng các cơ sở của họ để tăng cường sản xuất vắc xin Pfizer/BioNTech.

Về cơ bản, về lâu dài các chuyên gia cho rằng, thay vì dỡ bỏ bảo hộ sáng chế cho vắc xin, cần nâng cao sự hợp tác và cộng tác mạnh mẽ để tăng cường năng lực sản xuất vắc xin cho các quốc gia trên toàn thế giới. Đại dịch không phải là một cuộc cạnh tranh giữa các công ty và các quốc gia. Sẽ không kết thúc nếu không có sự phân phối vắc-xin một cách bình đẳng hơn.

Có thể thấy, cuộc khủng hoảng Covid-19 đang gây ra những hậu quả nặng nề tại Ấn Độ và một số nước tại Nam Mỹ đã đặt sức ép nhiều hơn lên chính phủ các nước phát triển. Trước mắt, Mỹ đang nỗ lực tìm cách phân phối và chia sẻ vắc xin Covid-19 ra toàn cầu sau khi quốc gia này đã tiêm phòng đầy đủ.

Các nguồn tin tại Mỹ cho biết, đại diện thương mại Mỹ Katherine Tai sẽ thảo luận với WTO về việc tháo gỡ những vướng mắc liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ để giúp nhanh chóng mở rộng sản xuất vắc xin Covid-19. Trước đó, bà Tai đã gặp lãnh đạo các hãng sản xuất vắc xin như Moderna, Pfizer và AstraZeneca để thảo luận về vấn đề trên. 

Có thể bạn quan tâm

  • CÂU CHUYỆN CUỐI TUẦN:

    CÂU CHUYỆN CUỐI TUẦN: "Hộ chiếu vắc xin" có thể xóa nhòa "sự ảm đạm" của thị trường lao động?

    05:00, 01/05/2021

  • Mỹ tăng cường hỗ trợ vắc xin Covid-19 ra toàn cầu

    Mỹ tăng cường hỗ trợ vắc xin Covid-19 ra toàn cầu

    10:11, 27/04/2021

  • Tập đoàn Hưng Thịnh trao tặng 50 tỷ đồng mua vắc xin ngừa COVID-19

    Tập đoàn Hưng Thịnh trao tặng 50 tỷ đồng mua vắc xin ngừa COVID-19

    14:22, 24/04/2021

  • Chuyên gia lo ngại tác dụng phụ của vắc xin Sinovac

    Chuyên gia lo ngại tác dụng phụ của vắc xin Sinovac

    05:18, 23/04/2021

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Tạm dừng bảo hộ sáng chế vắc xin COVID-19: Cẩn trọng tránh "bẫy" ồ ạt điều chế vắc xin
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO