Dự kiến, sau khi hoàn tất những đánh giá an toàn, Mỹ sẽ gửi 60 triệu liều vắc xin AstraZeneca cho thế giới.
Mỹ đang nỗ lực thực hiện vai trò hỗ trợ vắc xin toàn cầu sau khi nước này đạt được tỷ lệ tiêm chủng vắc xin trong cộng đồng. Đại diện thương mại Hoa Kỳ Katherine Tai đã gặp gỡ các quan chức chủ chốt của các hãng dược Pfizer Inc. và AstraZeneca về việc tăng cường sản xuất vắc-xin Covid-19 cũng như đề xuất từ bỏ một số biện pháp bảo vệ sở hữu trí tuệ khi số ca nhiễm hàng ngày được xác nhận đang tiếp tục tăng.
Bên cạnh đó, điều phối viên về Covid-19 của Nhà Trắng Jeff Zients cho biết, quyết định trên được đưa ra vì Mỹ đang được đảm bảo có đủ vắc xin để sử dụng và không cần đến vắc xin AstraZeneca trong nhiều tháng tới vì vắc xin này chưa được cấp phép tại Mỹ.
Cụ thể, đã có hơn 53% người trưởng thành tại Mỹ đã tiêm vắc xin và nước này dự kiến có đủ vắc xin cho toàn dân vào đầu mùa hè này. Trong khi đó, Mỹ đã mua 300 triệu liều vắc xin AstraZeneca nhưng chưa cấp phép cho vắc xin này.
Khoảng 10 triệu liều đã được sản xuất trong khi khoảng 50 triệu liều khác đang ở trong các giai đoạn sản xuất khác nhau và có thể sẵn sàng được phân phối vào tháng 5 và tháng 6. Việc cấp phép của Cục Quản lý thực phẩm và thuốc của Mỹ có thể hoàn tất trong vài tuần nữa.
Mặc dù hiện tại chưa rõ những quốc gia nào sẽ được nhận số vắc xin trên, tuy nhiên, các chuyên gia dự đoán, với tình hình dịch phức tạp tại Ấn Độ, nhiều khả năng quốc gia này sẽ nhận được viện trợ vắc xin. Cùng với đó, chính quyền Mỹ cũng đã cam kết chia sẻ 4 triệu liều cho Mexico và Canada.
Ashish Jha, Hiệu trưởng Trường Y tế Công cộng Đại học Brown, cho biết sự tham gia của chính quyền Biden trong việc giải quyết khủng hoảng dịch Covid-19 tại Ấn Độ sẽ góp phần củng cố vị thế của Mỹ trong vai trò hỗ trợ toàn cầu. Mặc dù vậy, chuyên gia này cho rằng, các lô vắc xin hay bất kỳ các thiết bị vật tư y tế nào cũng nên được chuẩn bị cẩn thận để có thể sử dụng được ngay.
Có thể thấy, làn sóng dịch Covid-19 bùng nổ dữ dội tại Ấn Độ đang đặt ra nhiều lo ngại cho thế giới. Các quan chức cấp cao của Mỹ đã bày tỏ lo ngại rằng các biến thể mới của virus đang xuất hiện ở quốc gia này có thể làm suy yếu những tiến bộ đã đạt được ở Mỹ cũng như một vài quốc gia khác trong việc chống lại đại dịch.
Hiện tại Mỹ cũng đang đáp ứng nhiều đề nghị hỗ trợ của Ấn Độ về thiết bị bảo hộ cá nhân, bộ xét nghiệm Covid-19, ô xy và các thiết bị trợ thở. Hoa Kỳ sẽ cử một nhóm chuyên gia thuộc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh CDC và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ đến làm việc với Ấn Độ.
Cùng với Mỹ, Anh, Đức, Pháp, Pakistan và Singapore cũng đồng loạt gửi các thiết bị y tế đến Ấn Độ nhằm hỗ trợ nước này đối phó với làn sóng Covid-19 thứ hai.
Chính phủ Anh đã bắt đầu gửi máy thở và thiết bị oxy đến Ấn Độ. Cụ thể, gói cứu trợ của Anh bao gồm 495 máy tạo oxy. Ngoài ra, Anh gửi 120 máy thở không xâm lấn và 20 máy thở thủ công. Tất cả thiết bị cứu trợ dự kiến tới thủ đô New Delhi vào ngày hôm nay, 27/4. Dự kiến chuyến hàng tiếp theo sẽ tới Ấn Độ vào cuối tháng 4.
Tương tự, Pháp có kế hoạch cung cấp oxy và máy thở cho Ấn Độ. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết nước này sẽ giúp Ấn Độ đối phó với sự gia tăng kỷ lục về ca nhiễm Covid-19. Đức cũng sẽ gửi oxy tới Ấn Độ trong những ngày tới. Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết chính phủ Đức chuẩn bị viện trợ khẩn cấp cho Ấn Độ.
Có thể bạn quan tâm
Người Việt tại Ấn Độ phải đối mặt với nguy cơ lây nhiễm COVID-19 cao
14:26, 26/04/2021
Cộng đồng quốc tế chung tay giúp Ấn Độ vượt "bão COVID-19"
14:05, 26/04/2021
Mỹ từ chối cấp nguyên liệu thô sản xuất vaccine COVID-19 cho Ấn Độ
13:57, 25/04/2021
Vì sao Ấn Độ rơi vào khủng hoảng do làn sóng dịch Covid-19 mới?
05:40, 24/04/2021