Bộ Công Thương đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, EVN xem xét tạm dừng việc đề xuất, thỏa thuận đối với các dự án điện mặt trời theo cơ chế FIT.
Bộ Công Thương vừa có văn bản đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) xem xét tạm dừng việc đề xuất, thỏa thuận đối với các dự án điện mặt trời theo cơ chế FIT cho đến khi có hướng dẫn mới của cấp có thẩm quyền. Việc tạm dừng này, theo Bộ Công Thương, nhằm đảm bảo lợi ích của nhà đầu tư, chủ đầu tư.
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, việc phát triển nóng các dự án điện mặt trời quy mô lớn và tập trung ở một số tỉnh thành phố có tiềm năng, đã gây ra tình trạng quá tải lưới điện, trong khi việc xây dựng lưới điện truyền tải gặp nhiều khó khăn về thời gian thi công cũng như các quy định khác.
Thống kê từ Bộ Công Thương, đã có 135 dự án điện mặt trời với tổng công suất 8.935 MW được bổ sung vào quy hoạch phát triển điện lực, sau khi có Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg năm 2017 về cơ chế khuyến khích đầu tư phát triển điện mặt trời.
Tính đến hết tháng 6/2019, đã có gần 4.500 MW điện mặt trời được đưa vào vận hành thương mại, góp phần bảo đảm cung ứng điện cho phát triển kinh tế - xã hội và nhu cầu sinh hoạt của người dân, nhất là các tỉnh thành phố phía Nam.
Ngày 22/11 vừa qua, Văn phòng Chính phủ có Thông báo số 402 về Kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về Dự thảo cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam áp dụng từ ngày 1/7 tiếp theo Quyết định số 11, trong đó, thống nhất biểu giá khuyến khích cố định (FIT) chỉ áp dụng đối với các dự án đã ký Hợp đồng mua bán điện đã và đang triển khai thi công xây dựng đưa vào vận hành trong năm 2020. Hiện nay, Bộ Công thương đang phối hợp với các Bộ, ngành để hoàn thiện Dự thảo cơ chế khuyến khích phát triển dự án điện mặt trời tại Việt Nam.
Tại văn bản kết luận cuộc họp này ngày 5/12, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng giao Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo khẩn trương xây dựng cơ chế đấu thầu, hồ sơ mời thầu mẫu để đấu thầu dự án điện mặt trời báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Giá đối với các dự án đã ký hợp đồng mua bán điện, đang thi công đưa vào vận hành trong năm 2020 cần được xem xét ban hành. Các dự án còn lại sẽ không được áp dụng biểu giá cố định mà cần chuyển sang đấu thầu công khai, minh bạch, cạnh tranh để giảm được giá mua điện từ các dự án điện mặt trời. Bộ Công Thương cần rà soát báo cáo cụ thể danh mục dự án điện mặt trời áp dụng biểu giá FIT mới, chịu trách nhiệm trước Chính phủ về tính chính xác của danh mục.
Hiện, Bộ Công Thương đang phối hợp với các bộ, ngành để hoàn thiện dự thảo cơ chế mới, thay thế Quyết định số 11 đã hết hiệu lực từ ngày 30/6.
Trước đó, ngoài 87 dự án đã được công nhận đủ điều kiện vận hành thương mại, thì từ sau ngày 30/6 tới nay, chỉ có thêm 2 dự án điện mặt trời hoàn tất là Nhà máy Hacom Solar (40,3 MW) và Solar Park 01 (40 MW).
Trên cả nước đang có có 39 dự án điện mặt trời (tổng công suất 2.217,2 MW) đã kí Hợp đồng mua bán điện và chưa được công nhận đủ điều kiện vận hành thương mại. Từ ngày 1/7 tới nay, có thêm 6 dự án điện mặt trời khác (tổng công suất 347 MW) đã kí Hợp đồng và chưa công nhận đủ điều kiện vận hành thương mại.
Nói về cơ chế đấu thầu dự án điện mặt trời, ông Nguyễn Hữu Vinh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Hà Đô Ninh Thuận cho hay, đấu thầu để đảm bảo mục tiêu minh bạch, công khai là tốt, nhưng mục tiêu trước mắt là phải có điện để sử dụng. Hơn nữa, Luật Đấu thầu quy định, muốn thực hiện đấu thầu, phải có mặt bằng sạch, mà muốn có đất sạch thì phải có quy hoạch.
Bà Hyunjung Lee, chuyên gia kinh tế năng lượng, Ban Năng lượng, Vụ Đông Nam Á, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) nhận định, việc lựa chọn phương án đấu thầu không phải “cây đũa thần” mang tới phép màu.
Thay vào đó, chuẩn bị mới là công đoạn quan trọng nhất để đảm bảo tính minh bạch của quy trình, cũng như chất lượng các dự án, giúp điện mặt trời và ngành năng lượng tái tạo có bước phát triển bền vững.
Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, việc áp dụng hình thức đấu thầu giúp nâng cao sức cạnh tranh, từ đó đưa giá điện mặt trời giảm đáng kể so với mức giá mua ưu đãi.
Theo khuyến nghị của các chuyên gia, để có thể có kết quả đấu thầu là giá bán điện thấp thì Nhà nước cần chia sẻ các rủi ro cho nhà đầu tư về hạ tầng sạch, hợp đồng mua bán điện có bảo lãnh Chính phủ về bao tiêu, chuyển đổi ngoại tệ...
FIT (feed-in-tariff) là một cơ chế chính sách được đưa ra nhằm khuyến khích phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, tăng sức cạnh tranh của các nguồn năng lượng này với các nguồn năng lượng truyền thống. |