Việc Hội đồng Anh và tổ chức giáo dục quốc tế IDP hoãn tất cả các kỳ thi IELTS tại Việt Nam, chưa thông báo thời gian mở lại đang nhận được sự quan tâm của dư luận.
>>Có tiêu cực, gian lận trong thi IELTS
Sáng 10/11, trên website của tổ chức IDP - một trong hai đơn vị tổ chức thi IELTS ở Việt Nam, thông báo tạm hoãn thi IELTS cho đến khi có thông báo mới. “Đây là tình huống bất khả kháng và tất cả các tổ chức cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ đều phải tuân thủ”, thông báo viết.
Thông tin tương tự cũng được gửi đến các thí sinh đăng ký thi IELTS ở Hội đồng Anh từ chiều 10/11. Theo Hội đồng Anh, quyết định này nằm “ngoài tầm kiểm soát” và thời điểm tổ chức lại các kỳ thi “phụ thuộc vào phê duyệt từ phía Bộ Giáo dục và Đào tạo”.
Dĩ nhiên, thông tin hủy các kỳ thi IELTS tại Việt Nam là một tin khó chấp nhận đối với nhiều giáo viên và cả học viên. Không dừng lại ở đó, việc nhiều trường đại học trên thế giới xem xét lại vai trò các chứng chỉ nói chung cũng sẽ ảnh hưởng tới danh tiếng của chương trình IELTS.
Nói như vậy bởi vì, chứng chỉ IELTS hiện được công nhận ở hơn 11.000 cơ sở đào tạo ở 140 quốc gia. Năm 2018, kỳ thi này đã đạt mốc 3,5 triệu lượt thi trên toàn cầu.
Riêng tại Việt Nam, nhiều đại học dùng chứng chỉ này để xét tuyển đầu vào, xét công nhận chuẩn đầu ra ngoại ngữ. Hai đơn vị được phép tổ chức thi IELTS ở nước ta là Hội đồng Anh và tổ chức giáo dục quốc tế IDP, lệ phí thi là hơn 4,6 triệu đồng một lượt.
Nên không quá khi nói, nếu nói IELTS là “vua của mọi bằng,” thì việc luyện thi IELTS hẳn phải là “vua của mọi nghề.” Nhu cầu lấy bằng cho nhiều mục đích khác nhau đã tạo tiền đề cho một ngành công nghiệp luyện thi IELTS ra đời và phát triển mạnh mẽ.
Do đó, theo các chuyên gia, việc tạm dừng tổ chức các kỳ thi chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế ảnh hưởng mạnh nhất đến người có ý định du học và học sinh lớp 12 dùng chứng chỉ này để xét tuyển đại học. Kế đến là sinh viên cần chứng chỉ để xét chuẩn đầu ra tốt nghiệp và người đi làm.
>>Tạm dừng thi IELTS: Chấn chỉnh để đảm bảo công bằng cho người học
Đối với người đi làm, học sinh du học, đây là “thước đo” đánh giá trình độ, năng lực tiếng Anh để họ có được cơ hội cao hơn. Với học sinh, sinh viên, chứng chỉ IELTS là một trong những tiêu chuẩn cơ sở để các em được xét tốt nghiệp, hay đủ điều kiện dự thi vào các trường top đầu như mong đợi…
Có điều, ắt hẳn không phải vô cớ Bộ Giáo dục và Đào tạo dừng chương trình này. Như Bộ nhận định thời gian qua, hoạt động liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài tại Việt Nam chưa được quản lý chặt chẽ, tiềm ẩn những nguy cơ làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người dự thi.
Như TS Vũ Thị Phương Anh, nguyên là Giám đốc Trung tâm Khảo thí chuẩn hóa đầu tiên của cả nước - Trung tâm Khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo nêu quan điểm: “Đã có dư luận về việc IELTS có thể có vấn đề về bảo mật. Đến nay, khi có chỉ đạo tạm dừng kỳ thi, rất có thể các cơ quan chức năng đã có thông tin gì đó về việc này. Nếu quả thật có gian lận, lộ đề, mua bán đề… thì việc tạm dừng để kiểm tra, chấn chỉnh là cần thiết để bảo đảm công bằng cho thí sinh”.
Thực tế cho thấy, một kỳ thi luôn phải qua rất nhiều khâu. Một bài thi sau khi được xây dựng thì mọi việc phụ thuộc vào nơi tổ chức thi. Và một vấn đề đặt ra ở đây là: Quá trình bảo mật đề thi từ lúc nhận từ Cambridge Assessment đến lúc tổ chức thi có bảo đảm chặt chẽ hay không và quan trọng hơn hết là các nhân sự có liên quan đến kỳ thi có được bảo đảm về sự liêm chính hay không?
Câu trả lời, một hệ thống dù chặt chẽ đến đâu mà không xây dựng cho được một văn hóa về sự liêm chính thì chắc chắn trước sau gì cũng sẽ có những scandals như hiện nay. Tức là, vấn đề bảo mật được đặt ra ở đây là có cơ sở.
Quan trọng hơn, nghi vấn về vấn đề bảo mật phải được làm rõ. Vì nếu không thì hậu quả còn nghiêm trọng hơn nhiều. Đó là sự mất niềm tin vào hệ thống giáo dục của Việt Nam, chưa kể thiệt hại nặng nề cho “thương hiệu sản phẩm” IELTS.
Có thể nói, quy định hiện nay hẳn là không thiếu và cũng khá chặt chẽ - ít ra là trên giấy. Điều quan trọng là thiếu giám sát trong quá trình thực hiện. Đây chính là điểm yếu trong cách quản lý của Việt Nam trên nhiều lĩnh vực chứ không chỉ trong lĩnh vực giáo dục.
Động thái này của Bộ Giáo dục nhằm khắc phục chấn chỉnh sai sót trong quản lý hoạt động chuyên môn. Tuy có chậm, nhưng cũng không muộn để lấy lại tôn nghiêm của ngành!
Có thể bạn quan tâm
01:12, 12/11/2022
01:00, 11/11/2022