Chứng khoán

“Tầm ngắm” cổ phiếu công nghệ

Nguyễn Anh Minh - Trưởng nhóm đầu tư F319 15/11/2024 03:11

Cổ phiếu công nghệ đang là “tầm ngắm” của giới đầu tư khi nhiều cơ hội cho nhóm này nổi lên trong quý còn lại của năm 2024.

Tuy nhiên, không phải cổ phiếu công nghệ nào cũng sẽ tăng điểm mạnh. Do đó, các nhà đầu tư cần sàng lọc để tránh rủi ro.

bieu do T8
Triển vọng ngành công nghệ thông tin. Nguồn: Vietnam Report, Khảo sát doanh nghiệp công nghệ, tháng tháng 5/2021-2024. Nguồn: VNR

Hậu thuẫn từ Chính phủ

Chiến lược "Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đặt mục tiêu kinh tế số chiếm 20% GDP vào năm 2025 và chiếm 30% GDP vào năm 2030. Các ngành trọng điểm có nhu cầu chuyển đổi số cao, bao gồm dịch vụ chuyên sâu và bán lẻ, cơ sở hạ tầng, chứng khoán và đầu tư sẽ có tốc độ tăng trưởng chi tiêu chuyển đổi số nhanh nhất là 20,6%, theo sát là ngân hàng và chăm sóc sức khỏe. Ngoài ra, các lĩnh vực quan trọng khác tiếp tục phát triển và góp phần thúc đẩy nền kinh tế số của Việt Nam bao gồm vận tải, thực phẩm (dịch vụ giao đồ ăn), truyền thông trực tuyến. Các lĩnh vực này dự báo đạt 4 tỷ USD vào năm 2025.

Trong năm qua, Chính phủ đẩy mạnh phát triển và xây dựng trung tâm dữ liệu tạo cơ sở hạ tầng cho hoạt động công nghệ viễn thông. Việt Nam hiện có nhiều tiềm năng và điều kiện thuận lợi để phát triển ngành công nghệ nói chung và bán dẫn nói riêng. Việt Nam đang củng cố nội lực để trở thành trung tâm sản xuất chip của thế giới. Điều này sẽ mở ra cơ hội tăng trưởng tích cực cho các doanh nghiệp công nghệ ở Việt Nam trong vai trò là nhà sản xuất, gia công, lắp ráp và thử nghiệm.

Triển vọng tăng trưởng

Ngành công nghệ thông tin (CNTT) được kỳ vọng duy trì đà tăng trưởng nhờ nhu cầu chi tiêu cho chuyển đổi số toàn cầu và trong nước dự báo tiếp tục tăng. Theo đó, các doanh nghiệp CNTT sẽ hưởng lợi trong khâu sản xuất, gia công, lắp ráp và thử nghiệm nếu Việt Nam thu hút các nhóm ngành công nghệ cao như chip, chất bán dẫn, năng lượng tái tạo trong dài hạn. Do vậy, động lực tăng trưởng của ngành CNTT đến từ các yếu tố như xuất khẩu phần mềm duy trì tăng trưởng 2 chữ số nhờ các thị trường nước ngoài gia tăng nhu cầu chuyển đổi số, trong đó có thị trường Nhật Bản và châu Á Thái Bình Dương.

Ngành CNTT trong nước duy trì đà tăng trưởng cùng với xu hướng chuyển đổi số ở các doanh nghiệp và nền tảng hạ tầng số phát triển khi mạng 4G, 5G được thương mại hóa và nhiều trung tâm dữ liệu đi vào hoạt động. Điều này giúp gia tăng tỷ lệ sử dụng internet, tăng doanh thu cho các doanh nghiệp.

Xu hướng phát triển AI, BigData, Cloud sẽ tiếp tục dẫn dắt thị trường. Các doanh nghiệp CNTT kỳ vọng được hưởng lợi nếu Việt Nam thu hút các nhóm ngành công nghệ cao như chip, chất bán dẫn, năng lượng tái tạo trong dài hạn…

Cổ phiếu nào hưởng lợi?

Trong bối cảnh nói trên, các nhà đầu tư có thể xem xét cơ hội đầu tư ở một số cổ phiếu sau đây:

cmg.jpg
CMG hưởng lợi từ xu hướng phát triển của thị trường công nghệ. Ảnh: CMC

Thứ nhất là cổ phiếu FPT của Công ty Cổ phần FPT. Trong quý 3/2024, FPT lãi trước thuế đạt 2.913 tỷ đồng, tiếp tục là quý đạt lợi nhuận cao nhất từ trước đến nay. Lũy kế 9 tháng đầu năm nay, doanh thu đạt 45.241 tỷ đồng, và lãi trước thuế đạt 8.111 tỷ đồng, hoàn thành 75% kế hoạch cả năm. Mảng CNTT nước ngoài tiếp tục duy trì đà tăng, chiếm 81% doanh thu công nghệ nhờ tốc độ tăng trưởng cao từ các thị trường Nhật Bản, khu vực Thái Bình Dương. Doanh thu ký mới đã đạt 1 tỷ USD và tiếp tục thắng thầu 33 dự án lớn trên 5 triệu USD. Doanh thu chuyển đổi số có tốc độ tăng mạnh 35% nhờ tập trung phát triển Cloud, AI/Data Analytics…

Giá cổ phiếu FPT đã tăng hơn 60% từ đầu năm đến nay. Tuy nhiên, FPT vẫn là cơ hội đầu tư hấp dẫn trong dài hạn với định hướng phát triển AI – chất bán dẫn – phần mềm ô-tô. Do đó, nhà đầu tư có thể xem xét cơ hội đối với cổ phiếu FPT khi cổ phiếu này ở quanh vùng 130.000đ/cp.

Thứ hai là cổ phiếu VGI của Tổng Công ty Cổ phần Đầu tư Quốc tế Viettel. Di động 4G vẫn đang là xu thế và trong giai đoạn phát triển mạnh mẽ. Hiện nay, các thị trường của VGI như Metfone và Mytel có tỷ lệ thuê bao 4G/thuê bao thực hơn 90%; các thị trường còn lại vẫn có dư địa phát triển 4G như Telemor (73%), Unitel (67%), Natcom (64%), đặc biệt tại các thị trường Châu Phi trong giai đoạn bùng nổ của công nghệ 4G như Movitel (31%), Halotel (26%), Lumitel (20%).

Bên cạnh đó, dịch vụ cố định băng rộng dự báo có tốc độ tăng trưởng thuê bao vẫn cao hơn di động. Khu vực Châu phi tỷ trọng thuê bao là 12% và dự báo tốc độ tăng trưởng trên 30%, Châu Mỹ Latinh (tỷ trọng trên 50%) dự báo tốc độ tăng trên 10% nhờ xu hướng chuyển đổi từ cáp đồng trục sang thuê bao… Nhà đầu tư có thể xem xét cơ hội đối với VGI khi ở quanh vùng giá 65.000 – 70.000 đồng/cp.

Thứ ba là cổ phiếu CMG của Tập đoàn Công nghệ CMC. Doanh nghiệp này có tình hình tài chính cơ bản khá tốt. Các chỉ tiêu thanh khoản không cao, nhưng không đáng lo ngại, năng lực kinh doanh có nhiều cải thiện. Khả năng sinh lời của công ty có xu hướng tăng do thay đối cơ cấu doanh thu.

Ngành CNTT có nhiều triển vọng phát triển cả trong ngắn hạn và dài hạn. Theo đó, CMG có nhiều tiềm năng tăng trưởng với tất cả các lĩnh vực như tích hợp hệ thống, dịch vụ phần mềm, viễn thông, phân phối, sản xuất và lắp ráp máy tính. Nhà đầu tư có thể xem xét cơ hội đối với cổ phiếu CMG khi ở vùng giá 50.000 đồng/cp.

Xu hướng phát triển AI, BigData, Cloud... sẽ tiếp tục dẫn dắt thị trường công nghệ Việt Nam. Các doanh nghiệp công nghệ có thể sẽ hưởng lợi nếu Việt Nam thu hút các nhóm ngành công nghệ cao, như chip, chất bán dẫn, năng lượng tái tạo trong dài hạn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
“Tầm ngắm” cổ phiếu công nghệ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO