Mở đầu bức tâm thư gửi nhân viên, ông Dương Trí Thành - Tổng Giám đốc Vietnam Airlines viết: “Đây quả thực là thời điểm khó khăn nhất của tôi khi phải viết lá thư này đến các anh chị em đồng nghiệp”.
Tình hình dịch bệnh COVID-19 ở trong khu vực, châu Âu, châu Á... vẫn khó lường, tiếp tục ảnh hưởng toàn diện đến các lĩnh vực đời sống, kinh tế xã hội, tâm lý lo ngại đi lại của người dân.
Mới đây nhất, Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) đã phải thay đổi đánh giá, nhận định doanh thu ngành hàng không thế giới sẽ sụt giảm 63-113 tỉ USD tùy thuộc vào diễn biến của dịch. Con số này cao gấp nhiều lần so với 29 tỉ USD dự báo trước đó.
Các hãng hàng không ở Việt Nam cũng ước tính thiệt hại 25.000 tỉ đồng và sẽ tăng thêm.
Thời gian qua, dịch bệnh Covid - 19 bùng phát và lan rộng tại nhiều quốc gia đã khiến các hãng hàng không phải cắt giảm hoặc dừng khai thác hàng loạt tuyến bay.
Vietnam Airlines hiện là hãng hàng không Việt Nam duy nhất khai thác các đường bay giữa Việt Nam và châu Âu. Đây là một trong những tuyến đường bay có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về kinh tế, chính trị, ngoại giao.
Châu Âu hiện là một trong những khu vực có dịch Covid-19 diễn biến phức tạp với hàng trăm ca nhiễm mới mỗi ngày. Khi dịch bệnh bùng phát ở Châu Âu, Vietnam Airlines là đơn vị bị ảnh hưởng nhiều nhất.
Trước đó từ giữa tháng 2/2020 và đầu tháng 3/2020, hãng hàng không quốc gia Vietnam Airline đã dừng khai thác toàn bộ các chuyến bay đối với hai thị trường Hàn Quốc, Trung Quốc. Ngoài ra, hãng cũng vừa thông báo giảm 14 chuyến bay mỗi tuần đến châu Âu vì dịch Covid-19.
“Hiện Trung Quốc đã đóng cửa. Hàn Quốc, Nhật Bản là 2 thị trường quan trọng nhất của Vietnam Airlines tại khu vực Đông Bắc Á. Bùng phát dịch ở Italia làm cho đường bay châu Âu rất khó khăn”, CEO Vietnam Airline cho biết.
“Hàng không mất khách nên phải dừng bay, riêng Vietnam Airlines có 100 chiếc máy bay và bây giờ 40 máy bay nằm chờ", ông Thành nói thêm. "Tình hình rất xấu và chưa từng có trong lịch sử ngành hàng không".
Các tuyến bay bị cắt giảm, nhiều đội bay của Vietnam Airline bị giảm mạnh giờ bay tới gần 30% so với sản lượng kế hoạch. Giờ bay trung bình của phi công một số đội bay không đạt định mức đề ra, và số lượng phi công dôi dư, có thời điểm lên tới gần 200 người.
Không những thế, vị lãnh đạo của hãng hàng không quốc gia còn tiết lộ, từ đầu mùa dịch đến nay, lương lãnh đạo cấp cao ở Vietnam Airlines đã giảm 40%, phi công nước ngoài nghỉ việc tạm thời, một số văn phòng đại diện phải đóng cửa.
“Mục tiêu của Vietnam Airlines bây giờ không còn nói chuyện tới lợi nhuận nữa, mà là dòng tiền và làm sao để tồn tại được trong bối cảnh hiện nay”, vị Tổng Giám đốc trăn trở.
Đặc biệt, sau sự việc một nữ tiếp viên dương tính với Covid -19 khi phục vụ chuyến bay VN0054 trở về từ London khiến hãng lại thêm phần khó khăn. Trước sự việc trên, ông Dương Trí Thành - Tổng Giám đốc Vietnam Airlines đã viết tâm thư gửi đến toàn bộ nhân viên của Việt Nam Airlines trong ngày 13/3.
Trong thư, ông Thành cho biết dịch Covid-19 đã bước sang tháng thứ 3, dịch bệnh đã lây lan ra 106 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới và ngày càng có diễn biết phức tạp tại Việt Nam.
“Mặc dù chúng ta đã lường trước và xây dựng nhiều kịch bản ứng phó, nhưng có một kịch bản mà chúng ta không bao giờ muốn nhắc tới, là Covid-19 lây nhiễm cho cán bộ nhân viên của hãng. Nhưng thật sự nó đã xảy đến với một tiếp viên của Vietnam Airlines”, ông Thành viết.
Theo lãnh đạo của Vietnam Airlines, tiếp viên D - người nhiễm Covid - 19, với ý thức trách nhiệm cao nhất đã chủ động xin phép nghỉ khi có biểu hiện mệt mỏi sau khi thực hiện nhiệm vụ trên chuyến bay từ London về ngày 9/3. Tuy nhiên, đến ngày 12/3, xét nghiệm lần một tại Bệnh viện nhiệt đới Trung ương 2 – Hà Nội đã cho kết quả dương tính với virus Sars-CoV-2.
“Tiếp viên D. đã bị lây nhiễm mặc dù chưa chắc chắn được từ thời gian cụ thể nào trong khi thực hiện nhiệm vụ, nhưng rõ ràng đây là một minh chứng cho tinh thần cống hiến không ngại hiểm nguy vì công việc…”, ông Dương Trí Thành bày tỏ.
Đồng thời qua bức thư, Tổng Giám đốc của Viẹtnam Airlines cho biết Ban lãnh đạo và toàn thể cán bộ nhân viên Vietnam Airlines sẽ luôn chia sẻ với những khó khăn hiện tại của nữ tiếp viên nhiễm bệnh. Ông khẳng định hãng sẽ luôn sát cánh và đồng hành để giúp cô vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Có thể bạn quan tâm
06:11, 14/03/2020
16:39, 13/03/2020
17:09, 04/03/2020
11:02, 04/03/2020
11:00, 03/03/2020
Trước đó, lãnh đạo các hãng bay khác của Việt Nam như Jetstar Pacifc, Bamboo Airways, Vietjet cũng đã viết thư khích lệ tinh thần gửi tới nhân viên trong mùa dịch Covid - 19.
Trong thư gửi nhân viên, CEO Bamboo Airways Đặng Tất Thắng thì cho biết phải có những giải pháp mạnh trong thời điểm mỗi ngày càng lúc càng xấu đi. Giải pháp mà CEO này đưa ra là sẽ dừng đường bay nhánh tới địa phương, chỉ giữ các đường bay trục chính, cắt giảm số máy bay đang hoạt động. Đồng thời hạn chế những kế hoạch đòi hỏi ngân sách lớn.
"Vì thế, hãng cũng đưa ra quyết định để một số cán bộ nhân viên nghỉ không lương và nghỉ luân phiên, đồng thời điều chỉnh thu nhập của những người ở lại cho đến khi thị trường phục hồi", ông Thắng nêu.
Trong khi đó, Vietjet gửi đến nhân viên rằng "cuộc chiến" COVID-19 với diễn biến phức tạp, hãng phải điều chỉnh kế hoạch khai thác với quy mô lớn. Quỹ lương cũng phải buộc tạm thời điều chỉnh, ban giám đốc giảm 25%, phó giám đốc và trưởng phòng lần lượt 20% và 10%...
Còn với phi công, mức lương cơ bản sẽ được đảm bảo gắn với giờ bay, tiếp viên sẽ bố trí nghỉ một số ngày trong tháng không nhận lương. Đối tượng nhân viên thu nhập dưới 10 triệu hoặc ở vùng dịch sẽ không điều chỉnh lương.
Tổng giám đốc Jetstar Pacifc - ông Nguyễn Thượng Hoàng Hải - vừa có thư ngỏ gửi đến cán bộ nhân viên, kêu gọi chia sẻ khó khăn. Từ tháng 3 đến tháng 5-2020, ban lãnh đạo giám đốc công ty tự nguyện giảm 40% lương, các phó tổng và kế toán trưởng giảm 30% lương chức danh...