Tỉnh Quảng Ninh đã và đang hỗ trợ các doanh nghiệp tận dụng có hiệu quả ưu đãi các Hiệp định thương mại tự do (FTA) để mở rộng được thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu.
Thúc đẩy hoạt động xuất khẩu
Việt Nam đã ký kết và thực thi 19 Hiệp định thương mại tự do (FTA). Phần lớn các FTA đều đã và đang phát huy tác dụng, nâng cao vị thế thương hiệu hàng hóa Việt Nam trên trường quốc tế. Việc thực thi có hiệu quả các FTA trong thời gian qua đã giúp mở rộng, đa dạng thị trường, chuỗi cung ứng và sản phẩm xuất khẩu, tạo điều kiện cho hàng hóa Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu. thúc đẩy sản xuất và cải thiện kim ngạch thương mại của Việt Nam.
Theo Sở Công Thương Quảng Ninh: Trong thời gian qua, nhờ việc triển khai đồng bộ các giải pháp và đẩy mạnh tận dụng cơ hội từ các Hiệp định Thương mại tự do (FTA), hoạt động XNK của tỉnh đã ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực, tạo nền tảng vững chắc cho tăng trưởng kinh tế địa phương.
Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm 2025, kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh ước đạt 1,95 tỷ USD, tăng 15,2% so với cùng kỳ năm 2024. Đáng chú ý, kết quả này đã vượt kế hoạch năm, đạt tới 101,4%, cho thấy tốc độ tăng trưởng vượt bậc cũng như hiệu quả rõ nét trong chiến lược xúc tiến thương mại và hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu của tỉnh.
Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu cũng ghi nhận mức tăng trưởng đáng khích lệ, với tổng giá trị đạt 2,195 tỷ USD, tăng 15,8% so với cùng kỳ năm trước. Cả hai chỉ số xuất và nhập khẩu đều cho thấy bức tranh tươi sáng về hoạt động thương mại quốc tế, nhất là trong bối cảnh kinh tế toàn cầu vẫn còn nhiều khó khăn và bất ổn do ảnh hưởng từ địa chính trị, lạm phát, chuỗi cung ứng toàn cầu chưa ổn định trở lại hoàn toàn sau đại dịch.
Một dấu mốc quan trọng góp phần thúc đẩy hoạt động XNK Quảng Ninh là sự kiện khai trương chính thức cặp cửa khẩu song phương Hoành Mô (Việt Nam) - Động Trung (Trung Quốc), vào cuối tháng 6/2024. Điểm đáng chú ý là trong sự kiện này có việc mở lối thông quan Bắc Phong Sinh - Lý Hỏa, giúp tăng cường năng lực kết nối giao thương giữa Quảng Ninh với các khu vực biên giới phía Nam Trung Quốc.
Sự kiện này không chỉ mang ý nghĩa biểu tượng, mà còn mở ra hướng đi chiến lược mới trong hợp tác thương mại biên giới, tạo nền tảng quan trọng cho việc tiếp tục quy hoạch các khu kinh tế cửa khẩu, thu hút đầu tư, nâng cấp hạ tầng logistics, đồng thời hoàn thiện cơ chế chính sách thông quan linh hoạt, hiệu quả.
Theo ông Phạm Văn Thể - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Quảng ninh: Song song với hoạt động mở rộng cửa khẩu, các doanh nghiệp Quảng Ninh cũng chú trọng khai thác các lợi thế từ các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ cho những nhóm hàng xuất khẩu chủ lực. Các mặt hàng được các doanh nghiệp Quảng Ninh ưu tiên thúc đẩy gồm: Điện tử, linh kiện, xi măng, clinke, dầu thực vật, nến cao cấp, vonfram, vải bạt, đá vôi, giày dép, quần áo, thủ công mỹ nghệ, gốm sứ... Những sản phẩm này không chỉ mang lại giá trị xuất khẩu cao, mà còn giúp nâng tầm thương hiệu của tỉnh trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Được biết, thời gian qua tỉnh Quảng Ninh ưu tiên phát triển thương mại với các nước trong khu vực Đông Nam Á, bao gồm Singapore, Malaysia, Thái Lan, Indonesia, Philippines, đồng thời mở rộng quan hệ với các thị trường tiềm năng như Lào, Myanmar, Brunei, nơi có nhu cầu gia tăng đối với các sản phẩm công nghiệp nhẹ và hàng tiêu dùng từ Việt Nam.
Không dừng lại ở đó, Quảng Ninh còn chủ động tận dụng các ưu đãi từ FTA song phương và đa phương để đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường lớn như Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Pakistan và Liên minh châu Âu (EU). Đặc biệt, các mặt hàng như điện tử, dệt may, nông sản, thủ công mỹ nghệ, gạch ốp lát, nến cao cấp... tiếp tục được mở rộng xuất khẩu sang các thị trường khó tính nhưng nhiều tiềm năng như Đức, Anh, Pháp, Italia.
Sẵn sàng hỗ trợ doanh nghiệp
Thực tế, các FTA có hiệu lực mở ra cơ hội cho ngành công nghiệp Quảng Ninh trong hội nhập quốc tế nhưng cũng mang lại một số thách thức nhất định cho doanh nghiệp trong nhóm ngành này. Hiện ngành công nghiệp phụ trợ của Quảng Ninh chưa phát triển, tỷ lệ cung ứng nguyên liệu trong nước của một số ngành công nghiệp như dệt may và da giày là khoảng 30%... Bên cạnh đó, cơ cấu hàng hóa xuất khẩu của Quảng Ninh sang các thị trường đã ký các FTA vẫn tập trung chủ yếu vào các mặt hàng công nghiệp sử dụng nhiều lao động, hàng điện tử, máy móc thiết bị.
Theo Sở Công Thương, trước nguy cơ Mỹ áp thuế đối ứng với một số mặt hàng xuất khẩu, tỉnh Quảng Ninh đã chủ động hỗ trợ doanh nghiệp tìm hướng đi mới. Quảng Ninh đã gửi thông tin về các Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài để doanh nghiệp tiếp cận và giới thiệu sản phẩm, mở rộng thị trường. Đồng thời, tỉnh mời các hiệp hội và doanh nghiệp tham gia hội thảo, hội nghị về giải pháp logistics, thuế quan và xúc tiến thương mại nhằm kịp thời nắm bắt cơ hội và ứng phó linh hoạt với các rào cản thương mại.
Ngành chức năng đã hướng dẫn thủ tục xuất khẩu cho 35 doanh nghiệp với các mặt hàng mới như thủy sản, chè, vải dệt kim… sang các thị trường mới, tận dụng hiệu quả các ưu đãi thuế từ các hiệp định thương mại.Trong năm 2025, các ngành chức năng của tỉnh đang tích cực triển khai các giải pháp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp sản xuất, tìm kiếm thị trường mới và giảm chi phí logistics. Công tác kiểm định chất lượng hàng hóa xuất khẩu cũng được tăng cường để đảm bảo hàng hóa đáp ứng được các tiêu chuẩn quốc tế và yêu cầu từ các thị trường lớn như Trung Quốc, EU và Mỹ.
Đặc biệt, Quảng Ninh đã chú trọng đến việc phát triển cơ sở hạ tầng cho hoạt động xuất khẩu. Một ví dụ điển hình là việc đưa vào vận hành phòng thí nghiệm kiểm nghiệm nông sản và thực phẩm tại Cửa khẩu Cầu Bắc Luân II, giúp kiểm tra chất lượng hàng hóa trước khi xuất khẩu, đáp ứng yêu cầu của các thị trường nhập khẩu. Phòng thí nghiệm này được trang bị các thiết bị hiện đại, đạt tiêu chuẩn quốc tế ISO 17025, mang lại sự thuận lợi cho các doanh nghiệp trong việc kiểm định và thông quan hàng hóa.
Ngành Hải quan cũng tập trung cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa hải quan, quyết liệt hỗ trợ và đồng hành cùng doanh nghiệp, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Tại Hải quan Cửa khẩu quốc tế Móng Cái (Chi cục Hải quan khu vực VIII) công tác quản lý nhà nước về hải quan được đẩy mạnh, đặc biệt là việc rà soát và cắt giảm các mặt hàng phải kiểm tra chuyên ngành. Đồng thời, Hải quan Cửa khẩu quốc tế Móng Cái triển khai một loạt hoạt động đổi mới hình thức hỗ trợ, thu hút doanh nghiệp tham gia XNK qua địa bàn, duy trì hiệu quả các tổ đồng hành hỗ trợ doanh nghiệp, tăng tương tác hỗ trợ doanh nghiệp qua email, điện thoại, fanpage. Những nỗ lực này đã tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho hoạt động XNK.
Với những kết quả tích cực đạt được từ đầu năm đến nay, cùng hàng loạt giải pháp đồng bộ đang được triển khai, Quảng Ninh đang tiến gần hơn đến mục tiêu tăng trưởng kinh tế 14% trong năm 2025. Sự chủ động, linh hoạt của các sở, ngành, địa phương và doanh nghiệp đã trở thành động lực trong việc nâng cao hiệu quả XNK, sự phát triển bền vững của tỉnh.
Theo Sở Công Thương Quảng Ninh, thời gian tới, phía Sở sẽ tiếp tục đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền về quy tắc xuất xứ tại các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia, tập trung vào các ngành hàng doanh nghiệp Quảng Ninh có thế mạnh, tăng tính bền vững trong phát triển, không chỉ trong phát triển thị trường mà còn định hình khả năng tham gia vào các chuỗi giá trị và chuỗi cung ứng của khu vực và toàn cầu.