Các doanh nghiệp vùng Flanders (Bỉ) mong muốn gia tăng sự hiện diện và thiết lập, mở rộng mối quan hệ hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam nói chung, TP Hải Phòng nói riêng.
>>>Hải Phòng: Tạo sức bật cho sản xuất công nghiệp
Đó là chia sẻ của ông Jan Jambon, Bộ trưởng - Thủ hiến Chính phủ kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Văn hóa, Công nghệ Thông tin và Quản lý cơ sở vật chất vùng Flanders, Vương quốc Bỉ tại hội thảo “Hạ tầng bền vững và hậu cần thông minh” diễn ra tại TP Hải Phòng mới đây.
Cảng “xanh” là xu hướng tất yếu
Theo ông Jan Jambon, Bộ trưởng - Thủ hiến Chính phủ kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Văn hóa, Công nghệ Thông tin và Quản lý cơ sở vật chất vùng Flanders, Vương quốc Bỉ, Vương quốc Bỉ và Việt Nam có mối quan hệ đối tác kinh tế sâu sắc và tiếp tục phát triển mạnh mẽ qua từng năm. Đồng thời, giới thiệu khái quát lĩnh vực vùng Flanders có thế mạnh, trong đó có phát triển cảng biển.
Lấy ví dụ về hoạt động của các cảng biển tại vùng Flanders, ông Jan Jambon cho rằng, các cảng biển của vùng Flanders đều đóng vai trò là trung tâm của sự bền vững và đổi mới. Với các cảng hoạt động tự động hóa và các công cụ chứng từ kĩ thuật số, việc vận chuyển quá cảnh trở nên nhanh chóng hơn tại các cảng. Việc tận dụng các công nghệ như AI, mạng 5G, máy bay không người lái, xe tự lái hay hợp đồng thông minh, chúng ta đang chứng kiến sự xuất hiện của các cảng hoạt động một cách hiệu quả về chi phí và an toàn hơn. Các kỹ sư cảng cũng đã sử dụng các kĩ thuật để tối ưu hóa việc sử dụng đất. Đồng thời các trung tâm hậu cần và KCN cũng đang cải tiến vận hành thông qua việc áp dụng cách thực hành tốt nhất ví dụ như nền kinh tế tuần hoàn, quản lý chất thải hiệu quả, vận chuyển ít các bon và để làm sao giảm thiểu tác động tới môi trường.
>>>Hải Phòng: Nghiên cứu thành lập khu kinh tế ven biển thứ hai
“Qua hội thảo này, doanh nghiệp vùng Flanders, Vương quốc Bỉ mong muốn gia tăng sự hiện diện và thiết lập, mở rộng mối quan hệ hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam. Hội thảo là cơ hội để trao đổi quan điểm, các phương pháp thực hành tốt nhất, cơ sở hợp tác trong tương lai giữa vùng Flanders, Vương quốc Bỉ và Việt Nam. Đây cũng là cơ hội để tăng cường sự hợp tác, đối thoại về hạ tầng bền vững, hậu cần thông minh, giúp các bên đạt được mục tiêu chung và vượt qua những thách thức đang đặt ra trong hiện tại, tương lai”, ông Jan Jambon chia sẻ.
Cũng tại hội thảo, các diễn giả, doanh nghiệp của vùng Flanders, Việt Nam và TP Hải Phòng đã trao đổi, làm rõ những thách thức đối với phát triển cảng biển nói chung, cảng biển Việt Nam, cảng biển Hải Phòng nói riêng; chia sẻ kinh nghiệm phát triển cảng biển; nhận định xu thế phát triển cảng biển trong tương lai.
Theo các chuyên gia nhận định, xu hướng phát triển cảng trong thời gian tới là xây dựng cảng xanh, tăng cường kết nối sau cảng, áp dụng công nghệ mới, xu hướng blue - logistics... Do đó, cần phải có giải pháp để thúc đẩy cảng biển phát triển bền vững, trong đó, thúc đẩy phát triển cảng biển Việt Nam theo quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Ông Bruno Jaspaert - Tổng giám đốc Tổ hợp Khu công nghiệp DEEP C chia sẻ: “Để kết nối Lạch Huyện và các cảng khác thì phải làm gì? Chúng ta sẽ tăng được tính cạnh tranh của cảng và mở rộng tính kết nối ở cảng. Điều này nói rất dễ nhưng ở Việt Nam, chúng ta có thể mất nhiều thời gian hơn và thực sự thực hiện nhiều bước nữa để thực hiện mục tiêu này. Hiện chúng ta đều nói về công nghệ mới. Đây là lợi thế, chúng ta đi sau để tránh sai sót mà các quốc gia trước áp dụng công nghệ. Việc áp dụng nhanh công nghệ mới sẽ mang lại nhiều lợi thế cho chúng ta liên quan đến vận hành, tác động đến cấc mục tiêu phát triển bền vững. Các mục tiêu phát triển bền vững sẽ giúp chúng ta thu hút được nhiều nhà đầu tư hơn. Và để thu hút được các nhà đầu tư này thì chỉ có một câu trả lời đó là “xanh”.
“Có rất nhiều yếu tố để xây dựng cảng xanh đó là áp dụng động cơ và tuabin xanh. Chúng ta phải đảm bảo tất cả các đơn vị vận hành ở cảng phải áp dụng một nguyên tắc về năng lượng xanh”, ông Bruno Jaspaert cho biết.
Mở cơ hội hợp tác mới
Thực tế, với hệ thống cảng biển lớn nhất khu vực miền Bắc, được xây dựng theo hướng hiện đại, cảng biển Hải Phòng có thể tiếp nhận tàu trọng tải trên 145.000 tấn và kết nối trực tiếp đến các cảng biển chính ở châu Âu, châu Mỹ. Cùng với môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi và những chính sách ưu đãi dành cho các nhà đầu tư, Hải Phòng đã và đang là trở thành điểm đến hấp dẫn của các tập đoàn lớn, các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Hải Phòng có tiềm năng, lợi thế để phát triển trong nhiều lĩnh vực trong đó có lĩnh vực cảng biển, hạ tầng bền vững và hậu cần thông minh.
Ông Nguyễn Đức Thọ - Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng cho biết, Vương quốc Bỉ nói chung và vùng Flanders nói riêng có rất nhiều thế mạnh và tiềm năng mà 2 bên có thể tăng cường hợp tác như các ngành công nghiệp mũi nhọn, công nghiệp dịch vụ, logistics, năng lượng sạch, năng lượng thay thế, công nghiệp hóa dầu, vận tải. Trên địa bàn TP Hải Phòng hiện có 8 dự án FDI của các nhà đầu tư đến từ Vương quốc Bỉ với tổng vốn đầu tư 556 triệu USD. Các dự án chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực kinh doanh cơ sở hạ tầng KCN và dịch vụ hàng hải, sản xuất điện, đầu tư kinh doanh khách sạn.
“Với định hướng phát triển trở thành thành phố “có công nghiệp phát triển hiện đại, thông minh, bền vững”, TP Hải Phòng rất mong muốn tìm ra nhiều hơn nữa các giải pháp về hạ tầng bền vững và hậu cần thông minh để đóng góp vào sự phát triển chung của thành phố. TP Hải Phòng mong muốn nhận được sự hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức và hợp tác trong lĩnh vực trên từ các quốc gia trên thế giới, trong đó có Vương quốc Bỉ và Vùng Flanders”, ông Thọ cho biết thêm.
Còn theo ông Bruno Jaspaert chia sẻ: “Để phát triển cảng biển Việt Nam nói chung, cảng biển Hải Phòng nói riêng bền vững, trước hết cần tập trung một số giải pháp như đầu tư cải thiện cơ sở hạ tầng phát triển mạng lưới đường thuỷ nội địa; phát triển hệ thống vận tải đa phương thức, kết nối vận tải đường thuỷ nội địa phương với đường bộ, đường sắt; tăng tính kết nối giữa các cảng biển; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ mới trong quản lý hạ tầng cảng biển; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực... Cuối cùng, đó là cần nghiên cứu và phát triển Trung tâm nghiên cứu và phát triển R&D, các bạn có thể học hỏi kinh nghiệm của vùng Flanders để áp dụng vào Việt Nam”.
Được biết, để hướng tới phát triển hạ tầng bền vững và hậu cần thông minh, tại hội thảo đã diễn ra Lễ ký kết hợp đồng mua bán Chứng nhận năng lượng tái tạo giữa Công ty TNHH Năng lượng xanh DEEP C (Việt Nam) và Công ty TNHH Polarium Việt Nam (Thụy Điển). Cụ thể, Polarium Việt Nam sẽ mua Chứng chỉ năng lượng tái tạo từ DEEP C để trở thành Công ty đầu tiên trong KCN DEEP C vận hành cơ sở của mình hoàn toàn bằng năng lượng tái tạo (100% sử dụng năng lượng xanh).
Ngoài ra, Camco Technologies NV (Vương quốc Bỉ) cũng đã ký kết biên bản ghi nhớ với Công ty TNHH Cảng Container Quốc tế Hateco Hải Phòng (HHIT). Theo đó, Camco sẽ triển khai hệ thống OCR cổng tự động và hệ thống OCR cẩu giàn STS độc quyền tại HHIT. Thông qua việc hợp tác này, HHIT khẳng định mục tiêu liên kết chặt chẽ giữa cảng biển lớn nhất miền Bắc Việt Nam với thị trường châu Âu và châu Mỹ.
“Thành công của hội thảo “Hạ tầng bền vững và hậu cần thông minh” sẽ mở ra cơ hội mới trong hợp tác giữa Hải Phòng với các đối tác vùng Flanders. Đồng thời sẽ tạo tiền đề để các doanh nghiệp của Vương quốc Bỉ, Việt Nam và TP Hải Phòng triển khai các hoạt động hợp tác thiết thực trong tương lai”, ông Thọ nhấn mạnh.
Có thể bạn quan tâm