Chính trị

Tăng cường quan hệ tốt đẹp giữa hai nước Việt Nam - Trung Quốc

Lam Song 16/08/2024 04:07

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Phu nhân sẽ thăm cấp Nhà nước đến Trung Quốc từ ngày 18-20/8.

Theo thông cáo của Bộ Ngoại giao, nhận lời mời của Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình và Phu nhân, Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam Tô Lâm và Phu nhân sẽ thăm cấp Nhà nước đến nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa từ ngày 18-20/8.

TBT To Lam
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm

Đây là chuyến thăm Trung Quốc đầu tiên của đồng chí Tô Lâm trên cương vị Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, theo lời mời của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình.

Trước đó, nhân dịp Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Tô Lâm được bầu giữ chức Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đã có thư, điện chúc mừng.

Trong điện mừng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình cho biết, những năm gần đây, Đảng Cộng sản Việt Nam đã quán triệt thực hiện tinh thần Nghị Đại hội XIII, đi sâu thúc đẩy công cuộc xây dựng Đảng, giành được những thành tựu mới trong thúc đẩy xây dựng chủ nghĩa xã hội và sự nghiệp đổi mới mở cửa.

"Chúng tôi tin tưởng rằng, dưới sự lãnh đạo kiên cường của T.Ư Đảng Cộng sản Việt Nam, toàn Đảng và toàn thể nhân dân Việt Nam sẽ thực hiện thắng lợi những mục tiêu và nhiệm vụ mà Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam đã đề ra, thúc đẩy vững chắc công tác chuẩn bị Đại hội XIV, không ngừng hướng tới "hai mục tiêu 100 năm" thành lập Đảng và thành lập nước", ông Tập Cận Bình bày tỏ.

Chia sẻ về ý nghĩa chuyến thăm, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Lê Hoài Trung cho biết, qua chuyến thăm, chúng ta khẳng định sự coi trọng và ưu tiên hàng đầu quan hệ Việt Nam-Trung Quốc trong chính sách đối ngoại; qua đó, tiếp tục đối thoại chiến lược cấp cao nhất; tăng cường quan hệ tốt đẹp giữa hai đồng chí đứng đầu của hai Đảng, hai nước.

Với chuyến thăm lần này, chúng ta mong muốn cùng với Trung Quốc thúc đẩy thực hiện thỏa thuận chung cấp cao, đặc biệt là những thỏa thuận đạt được trong chuyến thăm lịch sử của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới Trung Quốc vào năm 2022 và chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình tới Việt Nam vào năm 2023, theo tinh thần tăng cường và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam -Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược.

Tuyên bố chung của chuyến thăm đã đề ra phương hướng “6 hơn” bao gồm: Tin cậy chính trị cao hơn; hợp tác quốc phòng - an ninh thực chất hơn; hợp tác thực chất sâu sắc hơn; nền tảng xã hội vững chắc hơn; phối hợp đa phương chặt chẽ hơn; bất đồng được kiểm soát, giải quyết tốt hơn.

"Trong khuôn khổ chuyến thăm, chúng ta sẽ trao đổi về các vấn đề quan tâm của Việt Nam cũng như thúc đẩy hợp tác với đối tác vừa là láng giềng, vừa là một nước xã hội chủ nghĩa và cũng là một nước lớn. Qua đó, củng cố môi trường đối ngoại và vị thế đối ngoại thuận lợi, tranh thủ các nguồn lực bên ngoài cho việc thực hiện thành công những mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội và triển khai công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế do Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đề ra". - ông Lê Hoài Trung nói.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cho biết, trong thời gian ở thăm Trung Quốc, Tổng Bí thư, Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ hội đàm với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm; Thủ tướng Quốc vụ viện Lý Cường, Ủy viên trưởng Nhân đại toàn quốc Trung Quốc Triệu Lạc Tế và Chủ tịch Chính hiệp toàn quốc Trung Quốc Vương Hộ Ninh sẽ hội kiến Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc đánh giá, hiện nay, hai nước Trung Quốc và Việt Nam đang gấp rút thực hiện kết quả chuyến thăm lịch sử tới Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch Tập Cận Bình cuối năm ngoái, việc xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Trung Quốc-Việt Nam có ý nghĩa chiến lược đã có một khởi đầu tốt đẹp.

"Việc Tổng Bí thư Tô Lâm chọn Trung Quốc là quốc gia đầu tiên đến thăm sau khi nhậm chức, đã phản ánh đầy đủ sự coi trọng cao độ đối với việc phát triển quan hệ hai Đảng, hai nước Trung Quốc và Việt Nam.

Trung Quốc mong đợi thông qua chuyến thăm này, hai nước sẽ tiếp tục phát huy tình hữu nghị truyền thống, làm sâu sắc thêm việc xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Trung Quốc-Việt Nam, cùng nhau đi tốt con đường hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa mang đặc sắc của riêng mình, cùng thúc đẩy sự phát triển của sự nghiệp xã hội chủ nghĩa thế giới, góp phần tích cực vào hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực và thế giới". - Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói.

Sau hơn 74 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, quan hệ Việt Nam-Trung Quốc duy trì xu thế phát triển ổn định và đạt nhiều kết quả quan trọng. Giao lưu, tiếp xúc cấp cao diễn ra thường xuyên. Lãnh đạo Đảng, Nhà nước hai nước, thông qua các hình thức linh hoạt, thường xuyên gặp gỡ, tiếp xúc, trao đổi mật thiết, góp phần củng cố vững chắc cho nền tảng chính trị của quan hệ hai Đảng, hai nước.

Việt Nam và Trung Quốc đã đạt nhiều thành quả trong việc xây dựng đường biên giới trên đất liền hòa bình, hữu nghị và hợp tác, góp phần vào sự phát triển kinh tế-xã hội các địa phương biên giới. Hai bên cũng nỗ lực duy trì trao đổi, kiểm soát bất đồng trên biển, phù hợp với quy định của luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.

Hai bên cũng tích cực triển khai các cơ chế đàm phán về vấn đề trên biển, thúc đẩy thực hiện đầy đủ, hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), phấn đấu xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) thực chất, hiệu lực, hiệu quả, góp phần bảo đảm hòa bình, ổn định ở Biển Đông và khu vực.

Hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư không ngừng đi vào chiều sâu, thực chất và trở thành điểm sáng trong quan hệ hai nước thời gian vừa qua. Trung Quốc duy trì là đối tác thương mại lớn nhất và thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam, Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ tư của Trung Quốc trên trên thế giới và lớn nhất trong Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).

Năm 2023, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam-Trung Quốc đạt 171,9 tỷ USD. Trong 2 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất nhập khẩu song phương đạt 27,3 tỷ USD (tăng 28%), trong đó Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 8 tỷ USD (tăng 7,6%), nhập khẩu từ Trung Quốc đạt 19,3 tỷ USD (tăng 38,8%).

Về đầu tư, trong năm 2023, Trung Quốc đầu tư vào Việt Nam 4,47 tỷ USD với hơn 700 dự án, tăng trên 77%, đứng thứ 4 trong tổng số các quốc gia và vùng lãnh thổ, song dẫn đầu về số dự án mới (chiếm 22,17%).

Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, có 91 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam trong 7 tháng năm 2024. Trong đó, nếu xét về số dự án, Trung Quốc là đối tác dẫn đầu về số dự án đầu tư mới vào Việt Nam, chiếm tới 29,7%.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Tăng cường quan hệ tốt đẹp giữa hai nước Việt Nam - Trung Quốc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO