Chuyên đề

Tăng sức mua cho thị trường nội địa

Phan Minh Thông - Chủ tịch HĐQT CTCP Phúc Sinh 09/04/2025 17:34

Trong những ngày vừa qua, các nền kinh tế toàn cầu trong đó có Việt Nam, đều bị xáo động bởi chính sách thuế quan áp dụng cho hàng nhập khẩu mà Mỹ đưa ra.

LTS: Ứng phó để trụ lại ở các thị trường xuất khẩu, cùng kịch bản “quay về” sân nhà của các doanh nghiệp Việt đang dần hiện hữu. Dù là với lựa chọn nào, ngoài nỗ lực tự thân, doanh nghiệp cần các cơ chế chính sách hỗ trợ phù hợp.

Nha may Phuc Sinh
Nhiều mặt hàng có tính cạnh tranh cao mà nước Mỹ không có và không sản xuất được, vẫn có cơ hội trong danh sách ngoại lệ/ miễn trừ hoặc thuế suất thấp. Đây cũng là các mặt hàng nhiều thị trường ưa chuộng giúp doanh nghiệp Việt lợi thế trong đa dạng hóa thị trường. Ảnh minh họa: Cụm nhà máy Phúc Sinh Group sản xuất hồ tiêu và cà phê xuất khẩu và tiêu dùng nội địa tại Bình Dương.

Kỳ vọng những quyết sách hỗ trợ xứng tầm

Trong những ngày vừa qua, các nền kinh tế toàn cầu trong đó có Việt Nam, đều bị xáo động bởi chính sách thuế quan áp dụng cho hàng nhập khẩu mà Mỹ đưa ra. Trước hết, phải nhìn thẳng đây là một thách thức đối với các doanh nghiệp Việt Nam bởi vì chúng ta không sẵn sàng để bị áp mức thuế quan cao. Tuy nhiên, nếu bình tĩnh nhìn nhận, sẽ thấy thuế quan được áp dụng chia là 2 vế:

Thứ nhất, các doanh nghiệp bị áp thuế mức cao, ảnh hưởng lớn. Họ thuộc nhóm có các mặt hàng cạnh tranh với thị trường Mỹ như thiết bị điện tử, may mặc, đồ gỗ và nội thất, giày da, thủy sản và một số mặt hàng khác. Đối với các doanh nghiệp sản xuất hoặc đầu tư sản xuất những hàng hóa này tại Việt Nam để xuất đi, rõ ràng mục tiêu áp thuế sẽ thu hút dịch chuyển đầu tư, mở nhà máy tại Mỹ.

Thứ hai, các doanh nghiệp cung cấp hàng hóa mà nước Mỹ không có, ví dụ điều, cà phê, dừa… các sản phẩm về nông nghiệp thuộc miền nhiệt đới và tài nguyên hay mặt hàng khác. Với các hàng Mỹ không có, đánh thuế, người Mỹ sẽ bị ảnh hưởng đầu tiên. Ngay cả những nhà cung cấp gần Mỹ và thân Mỹ nhưng sản phẩm không được người tiêu dùng Mỹ ưa chuộng, ví dụ hồ tiêu Brazil có sản lượng cao, cũng bị áp thuế quan cao. Từ đây, ta có thể nhìn rộng ra một chút về việc nhập khẩu của Việt Nam, chúng ta lại đang là nước nhập khẩu lớn nhất của tiêu Brazil trong khi là nước xuất khẩu tiêu lớn nhất vào Mỹ. Yếu tố lợi thế của những mặt hàng có chất lượng nước khác không có, ít tính cạnh tranh sẽ là gợi ý lớn với các nhà sản xuất.

Tuy nhiên, vẫn còn sớm để có thể nói nước Mỹ sẽ chính thức áp thuế cụ thể cho danh sách ngoại lệ/ miễn trừ nào. Bởi hiện nay các nhà nhập khẩu vẫn đang chờ những thông điệp sau cùng từ Nhà Trắng.

Ở góc độ chính sách, bản thân doanh nghiệp xuất nhập khẩu cũng khó có thể chủ động. Trong lúc này, tổ chức duy nhất có thể đàm phán can thiệp chính là các nhà lãnh đạo Đảng, Chính phủ Việt Nam. Song các doanh nghiệp vẫn có thể kết hợp cùng các nhà nhập khẩu của Mỹ, phân tích về thiệt, hơn đối với thuế quan để có tiếng nói hợp lý bảo vệ người tiêu dùng Mỹ và nhà cung cấp.

Ngoài ra, một yếu tố khiến Mỹ muốn áp thuế cao cho Việt Nam, chính là yếu tố thâm hụt thương mại. Trong rổ hàng hóa xuất khẩu tạo ra tỷ trọng thâm hụt thương mại cao, không ít hàng hóa thuộc khối đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Đây là một nguồn lực quan trọng đã hỗ trợ cho không khí kinh doanh tích cực của đất nước những năm qua.

Năm 2025, Tổng Bí thư Tô Lâm đã xác định khu vực tư nhân là động lực tăng trưởng quan trọng nhất của kinh tế. Có thể nói đây là lần đầu tiên các nhà lãnh đạo có một tầm nhìn và định vị quan trọng như vậy đối với các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là khối tư nhân. Và cũng do đó, trong khó khăn của thương mại và xu hướng bảo hộ ở thị trường bên ngoài, của bối cảnh chung… Tầm nhìn và định vị ấy càng cần được hiện thực sớm, nhanh bằng các chính sách hỗ trợ, quan tâm đến khối tư nhân mạnh mẽ hơn nữa, dù là doanh nghiệp xuất khẩu hay sản xuất nội địa.

Tôi cho rằng sự quan tâm này phải là chủ động lắng nghe, xử lý tất cả mọi khó doanh nghiệp tư nhân đang gặp phải. Cùng với đó, trân trọng, trao niềm tin toàn diện cho khối doanh nghiệp tư nhân.

Thực tế ở nhiều quốc gia như Hàn Quốc, Nhật Bản, Châu Âu, Mỹ , Trung Quốc… nội lực khu vực tư nhân đều mạnh mẽ nhờ sự khuyến khích như vậy. Tất nhiên, cơ chế sâu sát lắng nghe chủ động tháo gỡ đi cùng các chính sách hỗ trợ cũng không phải là “liều thuốc tiên” để ngay lập tức khối doanh nghiệp tư nhân Việt Nam có thể mạnh lên và hoàn toàn bỏ qua, hóa giải được mọi tác động từ khách quan bên ngoài. Điều này cần phải thực hiện bền bỉ, kiên trì, kiên nhẫn. Những cải cách của Đảng, của Chính phủ trong thời gian gần đây rất được cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân ủng hộ. Tin rằng các cơ chế chính sách dành cho doanh nghiệp, trước hết từ đến với doanh nghiệp, lắng nghe doanh nghiệp thay vì họ kêu cứu có khi còn bị thờ ơ… sẽ được ủng hộ và tạo sức mạnh to lớn.

Hiện nay, Việt Nam đã có một đội ngũ doanh nghiệp hơn 2,1 triệu doanh nghiệp cùng 5 triệu hộ kinh doanh. Thực tế có thể còn lớn hơn. Khi Đảng, Nhà nước đã thay đổi tư duy, tầm nhìn về doanh nghiệp - tư duy đến đâu sẽ đưa chúng ta đến đó - đi cùng những kỳ vọng lớn lao về khu vực kinh tế tư nhân, cần những quyết sách lớn có tầm vóc tương đương để khu vực kinh tế này trước hết vượt phong ba ở thị trường bên ngoài, cùng với đó nữa là không ngừng lớn mạnh ở “sân nhà” để khẳng định vị thế trên toàn cầu.

Những giải pháp hỗ trợ

Như đã phân tích ở trên, một nhóm cấu phần hàng hóa có thể được ngoại lệ, miễn thuế thuộc về lợi thế của Việt Nam mà nước Mỹ không có, không cạnh tranh được. Do đó, việc thúc đẩy các mặt hàng này để tăng giá trị, cần một sàn giao dịch hàng hóa đủ tầm quốc tế được thiết lập, xây dựng sớm ngay tại trung tâm tài chính quốc tế. Sàn giao dịch hàng hóa chính là một phần của trung tâm tài chính. Sàn giao dịch xây dựng từ cơ sở lợi thế hàng hóa của Việt Nam nhưng để nâng tầm, thu hút được dòng tiền, giá trị giao dịch, phải sẵn sàng chú trọng đào tạo nhân sự ngay từ bây giờ cũng như phải dựa vào kinh nghiệm lẫn thất bại của một số quốc gia. Việt Nam hiện đang có các sàn giao dịch hàng hóa nhưng quy mô khiêm tốn; Hay Singopore từng có tham vọng xây dựng sàn giao dịch hạt tiêu, điều nhưng sau cùng vẫn thất bại; trong khi đó sàn giao dịch hàng hóa ở Ấn Độ thu hút được rất nhiều dòng vốn quốc tế, giao dịch trên toàn cầu… là những ví dụ.

Ông Phan Minh Thông Chủ tịch Phúc Sinh Group va đối tác Bà Ammarens Giám đốc Kinh doanh Nông nghiệp Châu Á, Ngân hàng Phát triển doanh nghiệp Hà Lan
Ông Phan Minh Thông Chủ tịch Phúc Sinh Group và đối tác - Bà Ammarens Giám đốc Kinh doanh Nông nghiệp Châu Á, Ngân hàng Phát triển doanh nghiệp Hà Lan

Nhiều lợi ích hỗ trợ cho các doanh nghiệp từ sản xuất đến xuất nhập khẩu, các nhà đầu tư, doanh nghiệp tài chính, tổ chức trung gian… khi có sàn giao dịch. Không có “liều thuốc tiên” hiệu dụng ngay với các chính sách hỗ trợ nhưng sàn giao dịch lại là “cái túi thần kỳ” giúp doanh nghiệp chủ động, thậm chí có thể tham gia điều tiết dòng chảy hàng hóa của toàn cầu. Tác động thuế quan của riêng thị trường Mỹ đối với hàng hóa nếu giao dịch qua sàn sẽ giảm đáng kể khi dòng chảy từ đây đi khắp thế giới chứ không phụ thuộc vào một thị trường lớn nhất.

Đối với các doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME), một chính sách tài chính hỗ trợ tổng thể gồm: Hỗ trợ tín dụng ưu đãi (hiện khu vực SME đã có ưu đãi lãi suất từ 4% nhưng thực tế có trên diện rộng?); xem xét hỗ trợ giảm thuế TNDN, ưu đãi thuế đất để khuyến khích xây nhà máy… cùng các gói chính sách hỗ trợ chuyên biệt hơn như ưu đãi cho khối phát triển và xanh và thực hành ESG, ưu đãi chuyển đổi số…

Trong thời gian qua, doanh nghiệp của chúng tôi thực tế được các NHTM trong nước khá ưu ái về tín dụng. Mặt khác, chúng tôi cũng nhận được gần 1.000 tỷ đồng tài trợ từ NH quốc tế, quỹ đầu tư quốc tế trong đó có cả khoản tài trợ không hoàn lại nhằm thúc đẩy Phúc Sinh phát triển nông nghiệp Việt Nam theo hướng ESG và đóng góp phát triển bền vững. Điều đó cho thấy mối quan tâm của các nhà đầu tư đối với các nhà sản xuất thực sự và có đầu tư, quan tâm đến tiêu chuẩn bền vững.

Một đối tác mới nhất của chúng tôi, Ngân hàng Phát triển doanh nghiệp Hà Lan khi tài trợ 15 triệu USD cho Phúc Sinh mới đây, khẳng định: “Biến động thuế quan không đáng lo bằng biến đổi khí hậu”. Theo đó, tôi cho các rằng các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp từ Chính phủ, cần thiết trên tầm nhìn để trang bị cho doanh nghiệp sức mạnh cạnh tranh bền vững, dài hơn trong tương lai, không chỉ đơn thuần là chống chịu, phục hồi hay tăng trưởng trong ngắn hạn. Và quan trọng nhất, mọi chính sách phải thiết thực, doanh nghiệp tiếp cận được - tránh trường hợp hỗ trợ ưu đãi như trước đây, sau đó kiểm toán và doanh nghiệp bị phạt, gây khó khăn trở ngại trong tiếp cận và rào cản hiệu quả thật của các chính sách hỗ trợ.

Tất nhiên, mọi chính sách hỗ trợ cần phải có nỗ lực tự thân của doanh nghiệp. Chính phủ đã mở đường với 17 Hiệp định Thương mại tự do ( FTA) với trên 60 quốc gia, vùng lãnh thổ, đòng thời đàm phán 3 FTA và khung khổ kinh tế. Thị trường rộng lớn cho phép cho các doanh nghiệp chủ động đa dạng hóa và tìm kiếm nơi “cần” mình nhất. Chiến lược của chúng tôi xưa nay là không phụ thuộc bất kỳ thị trường nào, nhờ đó chúng tôi đã vượt qua Covid-19 và hiện nâng tổng số 7 nhà máy sản xuất để phục vụ cả thị trường quốc tế lẫn thị trường nội địa.

Đối với thị trường trong nước, không ít quan điểm cho rằng: “thế giới khó quá thì ta về sân nhà 100 triệu người dùng”. Không có quan điểm là đúng hay sai ở đây song một thị trường của chúng ta cũng vẫn mới chỉ ở quy mô tầm trung, và cần được sự kích hoạt. Nếu muốn doanh nghiệp quay về, hoặc hỗ trợ doanh nghiệp vừa phát triển sân nhà, vừa mở rộng “sân khách”, thì càng cần các chính sách hỗ trợ kích thích các doanh nghiệp sản xuất nội địa không thua gì với doanh nghiệp xuất khẩu. Thẳng thắn là khi doanh nghiệp xuất khẩu có thời điểm vay USD lãi suất chỉ khoảng hơn 1%, doanh nghiệp sản xuất nội địa vay tiền đồng 9-10% thì chưa thể xem là cơ chế thúc đẩy công bằng. Nếu thị trường sản xuất nội địa có những gói vay lãi suất hấp dẫn, tôi tin rằng có thể tạo ra một thị trường giàu có hơn nữa các sản phẩm.

khach-hang-lua-chon-san-pha.jpg
Để tăng sức mua cho nền kinh tế ở giai đoạn hiện nay, rất cần những gói hỗ trợ trực tiếp đến người tiêu dùng, ngoài chính sách giảm giá thuế GTGT. Ảnh minh họa

Bên cạnh đó, để tăng sức mua cho nền kinh tế ở giai đoạn hiện nay, rất cần những gói hỗ trợ tiêu dùng; đi cùng là chính sách quản lý có định hướng về chất lượng hàng hóa nhằm thúc đẩy “người Việt yêu hàng Việt” một cách thực chất. Chỉ khi chất lượng hàng hóa nội địa made in Vietnam vượt trội, doanh nghiệp nội địa mới có thể ứng phó với hàng giá rẻ nhập ngoại bao gồm cả hàng tiêu chuẩn thấp nhập ngoại đổ bộ trong nay mai. Tôi không lo ngại về về việc chúng ta dỡ bỏ thuế quan hàng nhập khẩu (như Mỹ) về 0% sẽ khiến hàng Mỹ về Việt Nam rẻ gây cạnh tranh với các doanh nghiệp nội. Với tiêu chuẩn cao của thị trường này, cộng các chi phí phi thuế quan, ví dụ logistic, để vào thị trường, doanh nghiệp nội vẫn có lợi thế để cạnh tranh về giá. Sau cùng thì người tiêu dùng Việt Nam sẽ được hưởng lợi thụ hưởng các sản phẩm tiêu chuẩn chất lượng cao. Tuy nhiên, nếu không kiểm soát và để Việt Nam thành đích đến của các mặt hàng giá rẻ, kém chất lượng, thì đây là thách thức lớn hơn. Doanh nghiệp cần chủ động trong các đối sách để sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống như vậy.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Tăng sức mua cho thị trường nội địa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO