Nhiều quốc gia Châu Á có thể sẽ thúc đẩy quan hệ đối tác năng lượng tái tạo với Trung Quốc trong bối cảnh cuộc chiến thuế quan leo thang.
Các mức thuế đối ứng của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump có thể làm rung chuyển thị trường toàn cầu, nhưng các kế hoạch năng lượng sạch của Châu Á dự kiến sẽ vẫn đi đúng hướng do ít phụ thuộc vào thị trường Mỹ, nhu cầu toàn cầu tăng vọt và hội nhập khu vực ngày càng sâu rộng.
Theo các nhà phân tích, các mức thuế quan có thể mở đường cho sự gia tăng các mối quan hệ đối tác năng lượng sạch trong khu vực châu Á và xa hơn nữa, với Trung Quốc vốn đang dẫn đầu trong việc giúp thế giới chuyển đổi khỏi năng lượng hóa thạch.
"Mỹ đang tự cô lập sau các hàng rào thuế quan được dựng lên, trong khi nhiều quốc gia trên thế giới đang tiến lên về năng lượng sạch. Trong đó, Trung Quốc dường như sẵn sàng đảm nhiệm vai trò lãnh đạo toàn cầu và thương mại trong lĩnh vực khí hậu", Kylie Chan, một nhà nghiên cứu sau tiến sĩ tại Đại học Princeton cho biết.
Theo báo cáo, Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản đã đàm phán để tăng cường hợp tác chuỗi cung ứng nhằm ứng phó với sự thay đổi theo hướng bảo hộ của chính quyền Trump, trong đó năng lượng sạch được xác định là trọng tâm chính.
Tháng trước, Mỹ đã rút khỏi Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP), một sáng kiến toàn cầu được đưa ra vào năm 2021 để hỗ trợ các quốc gia đang phát triển chuyển đổi từ than sang các nguồn năng lượng tái tạo.
Động thái này diễn ra song song với việc Tổng thống Trump hủy bỏ các cam kết quốc tế về khí hậu, bao gồm cả việc đưa ra sắc lệnh rút Hoa Kỳ khỏi Thỏa thuận Paris lần thứ hai.
Các chuyên gia dự đoán, các nước đang phát triển có vị thế tốt hơn để vượt qua tác động của mức thuế quan cao hơn của Mỹ khi họ bắt đầu quá trình chuyển đổi sang năng lượng sạch.
Đồng thời, theo ông Andreas Sieber, Giám đốc phụ trách chính sách và chiến dịch của 350.org, một phong trào thúc đẩy năng lượng tái tạo, Mỹ đang nhanh chóng trở thành một người chơi bị cô lập và suy giảm trong cuộc đua năng lượng sạch.
Trung Quốc, nhà sản xuất và xuất khẩu công nghệ sạch lớn nhất thế giới, chỉ xuất khẩu 4% tấm pin mặt trời, tua-bin gió và xe điện sang Mỹ, ông Sieber cho biết. So sánh với tỷ lệ 15% xuất khẩu ba mặt hàng này của Trung Quốc ra toàn cầu, con số cho thị trường Mỹ là rất nhỏ. Năm ngoái, doanh số toàn cầu trong lĩnh vực năng lượng sạch đã tăng 30%.
Ông Andreas Sieber dự đoán chính quyền Trump nhiều khả năng sẽ kêu gọi các nước khác mua nhiều dầu và khí đốt hơn từ các nhà cung cấp Mỹ, với mục tiêu giảm thâm hụt thương mại, lý do chính được Washington viện dẫn khi áp thuế.
Tuy nhiên, ông Sieber cho rằng cách tiếp cận này là thiển cận, trong bối cảnh giá của một số nguồn năng lượng tái tạo đã giảm xuống dưới mức của nhiên liệu hóa thạch như than đá.
Bà Laurie van der Burg, quản lý chiến dịch tài chính công toàn cầu tại tổ chức Oil Change International, gọi Mỹ là đối tác thương mại không đáng tin cậy và nhận định: “Điều tồi tệ nhất mà các chính phủ có thể làm để đối phó với các mức thuế này là đồng ý với việc thêm các khoản hỗ trợ cho LNG của Mỹ. Liên minh châu Âu từng cố xoa dịu ông Trump bằng cách thể hiện ý định sẵn sàng mua thêm nhiên liệu hóa thạch từ Mỹ, nhưng ông Trump vẫn cứ áp thuế.”
Các nhà phân tích cho rằng con đường đúng đắn phía trước là xây dựng thêm hạ tầng lưu trữ năng lượng và lưới điện thông minh để đảm bảo nguồn cung ổn định từ các nguồn năng lượng sạch, đồng thời giữ giá cả ở mức hợp lý – điều này sẽ góp phần nâng cao an ninh năng lượng và ổn định kinh tế.
Theo ông Lý Thạc (Li Shuo), Giám đốc Trung tâm Khí hậu Trung Quốc và là chuyên gia cấp cao tại Trung tâm Phân tích Trung Quốc, với việc Mỹ đang ngày càng bị cô lập vì các chính sách thuế quan và thiếu quan tâm đến tính bền vững, lợi thế thị trường của Trung Quốc trong lĩnh vực năng lượng sạch sẽ ngày càng được củng cố khi nước này mở rộng các quan hệ đối tác năng lượng tái tạo ở châu Á và trên toàn cầu.
Ông Lý nói: “Một cách nghịch lý, những biện pháp thuế quan này sẽ không làm suy yếu vị thế thống trị của Trung Quốc trong lĩnh vực công nghệ sạch toàn cầu... Ngược lại, các mức thuế này có thể thúc đẩy Trung Quốc mở rộng hơn nữa sang các thị trường khác, qua đó củng cố quan hệ kinh tế với các quốc gia đó.”
Bác bỏ tuyên bố của Tổng thống Trump rằng ông hiểu chính sách kinh tế, ông Sieber dẫn chứng sự bán tháo trên thị trường tài chính và lạm phát tăng vọt, đồng thời nhận định Mỹ đang tự đánh mất cơ hội trong cuộc cách mạng năng lượng sạch.
“Mỹ hiện đã quá mờ nhạt trong thương mại công nghệ sạch toàn cầu để có thể áp đặt các điều kiện. Các mức thuế của ông Trump sẽ gây tổn hại cho nền kinh tế và người lao động, nhưng sẽ không ngăn được quá trình chuyển đổi năng lượng,” ông Sieber nhấn mạnh.
Tuy vậy, các nhà phân tích cảnh báo rằng đà giảm giá dầu hiện nay trong bối cảnh bất ổn tài chính có thể khiến một số quốc gia đang phát triển ở châu Á và các khu vực khác gia tăng mua nhiên liệu hóa thạch, trong đó có cả từ Mỹ.
Giá dầu thô đã giảm xuống mức thấp trong nhiều năm sau khi Trump công bố các mức thuế, cùng với việc Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh (OPEC+) tăng sản lượng vượt kỳ vọng, càng đẩy giá xuống sâu hơn.