Tại sự kiện, Tổng thống Mỹ mang đến tấm bảng ghi mức thuế áp dụng với từng nền kinh tế. Trong đó, Anh, Brazil, Singapore sẽ chịu thuế 10%. Liên minh châu Âu, Malaysia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ bị áp thuế 20-26%. Trung Quốc và Việt Nam nằm trong nhóm các nước bị áp mức thuế cao nhất, lần lượt là 34% và 46%.
Trước đó, tất cả các thành viên ASEAN, trừ Singapore đều có thặng dư thương mại hàng hóa với Mỹ. Các quốc gia có thặng dư đáng kể hoặc là nơi các công ty Trung Quốc tận dụng để né thuế đều phải đối mặt với sự giám sát chặt chẽ hơn.
Các nhóm doanh nghiệp Mỹ đã đưa ra phản ứng trái chiều đối với các mức thuế mới. Ông Jay Timmons, Chủ tịch kiêm CEO của Hiệp hội Các nhà sản xuất Quốc gia Hoa Kỳ, mô tả tuyên bố của Tổng thống Trump là phức tạp và cho biết các nhà sản xuất đang cố gắng đánh giá tác động đối với hoạt động kinh doanh của họ.
“Mức độ rủi ro đối với các nhà sản xuất không thể cao hơn nữa. Nhiều nhà sản xuất tại Mỹ vốn đã hoạt động với biên lợi nhuận mỏng. Chi phí cao do thuế quan mới đe dọa đến đầu tư, việc làm, chuỗi cung ứng và khả năng của nước Mỹ trong việc cạnh tranh với các quốc gia khác để duy trì vị thế siêu cường sản xuất hàng đầu,” ông Timmons tuyên bố.
Trong khi đó, Michelle Korsmo, Chủ tịch kiêm CEO của Hiệp hội Nhà hàng Quốc gia Hoa Kỳ, cho biết các chủ nhà hàng lo ngại rằng thuế quan sẽ làm tăng chi phí và dẫn đến giá cả cao hơn cho khách hàng.
“Các nhà hàng hiểu rằng người tiêu dùng rất nhạy cảm với giá cả và đã cố gắng giữ mức tăng giá thực đơn ở mức 30%, trong khi chi phí thực phẩm của họ đã tăng 40% trong vòng 5 năm qua,” ông Korsmo nói trong một tuyên bố.
Deborah Elms, Giám đốc chính sách thương mại tại Hinrich Foundation ở Singapore, cho biết mức độ nghiêm trọng của thuế quan là tệ hơn dự kiến.
"Từ góc nhìn của châu Á, nơi tất cả đều bị ảnh hưởng, một khu vực phụ thuộc vào xuất khẩu sẽ thực sự gặp khó khăn với những đợt tăng giá đột ngột và lớn. Thiệt hại đối với các quốc gia nghèo hơn đặc biệt nghiêm trọng như Myanmar với mức tăng 44% hoặc Campuchia thậm chí còn cao hơn", chuyên gia này nói với Al Jazeera.
"Điều này sẽ dẫn đến mất việc làm ở các thị trường vốn đã nghèo và mong manh", ông cảnh báo.

Mặt khác, Bill Bishop, một nhà quan sát nổi tiếng về Trung Quốc, nhận định rằng Mỹ nên chuẩn bị cho một phản ứng nhanh chóng từ Bắc Kinh sau khi áp thuế 34% lên hầu hết hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.
Kết hợp với mức thuế 20% đã được ông Trump áp đặt trước đó, thuế quan của ông đối với Trung Quốc hiện gần đạt mức 60% mà ông từng cam kết trong chiến dịch tranh cử.
Ngoài thuế quan mới, Mỹ có thể sẽ đối mặt với nhiều biện pháp kiểm soát xuất khẩu hơn đối với khoáng sản quan trọng, các cuộc điều tra nhắm vào doanh nghiệp Mỹ và thêm nhiều công ty Mỹ bị đưa vào danh sách thực thể của Trung Quốc. Bắc Kinh cũng có thể thực hiện một đợt phá giá đồng nhân dân tệ (RMB) lớn hơn dự kiến so với đồng đô la Mỹ để bù đắp chi phí từ các mức thuế mới.
"Dù Trung Quốc phản ứng thế nào, tác động của các mức thuế này cũng sẽ gây tổn hại đáng kể đến nền kinh tế Trung Quốc. Vì vậy, quốc gia này có thể sẽ phải nhanh chóng bắt đầu đàm phán với chính quyền Trump," Bishop nói thêm.
Việc điều chỉnh thâm hụt thương mại ngay lập tức sẽ rất khó khăn đối với các nền kinh tế Đông Nam Á do thặng dư thương mại của họ với Mỹ chiếm một tỷ lệ đáng kể trong GDP của từng quốc gia, các nhà phân tích của Morgan Stanley cho biết.
Tuy nhiên, nhóm chuyên gia này lưu ý, châu Á đang thâm hụt thương mại hàng hóa, trong đó thâm hụt dầu khí lớn hơn so với than đá và các sản phẩm nông nghiệp, nên khu vực này có thể có dư địa lớn hơn để tăng cường nhập khẩu dầu khí từ Mỹ.
Các nhà phân tích cho biết đối với các loại thiết bị công nghệ cao, ví dụ như thiết bị quốc phòng, máy bay dân dụng và các bộ phận và thiết bị sản xuất chất bán dẫn, các nền kinh tế trong khu vực có thể có dư địa để tăng mua hàng.
Theo một thông tin đăng trên trang web của Nhà Trắng vào ngày 13/2, trích dẫn một báo cáo năm 2019 không nêu tên, các nhà xuất khẩu Mỹ phải đối mặt với mức thuế cao hơn trong hơn 2/3 số trường hợp, trên 132 quốc gia và hơn 600.000 dòng sản phẩm.
Tại ASEAN, Thái Lan có khoảng cách thuế quan lớn nhất với Mỹ, theo báo cáo của BofA Securities ngày 24 tháng 2. Các sản phẩm chính chịu mức thuế nhập khẩu cao hơn so với Mỹ bao gồm thịt, rau quả, thực phẩm chế biến và phương tiện vận tải.
Trong khi đó, Việt Nam có thị phần xuất khẩu lớn nhất sang Mỹ và thặng dư thương mại lớn nhất; tiếp theo là Thái Lan, Malaysia, Indonesia và Philippines.