Kiểm toán nhà nước đã kiến nghị các Tập đoàn, Tổng công ty, công ty phải tăng thu NSNN 1.411,12 tỷ đồng, giảm thuế giá trị gia tăng được khấu trừ 8,78 tỷ đồng.
>>>Cân nhắc rút ngắn thời gian chấp thuận cho cơ sở cập nhật kiến thức kiểm toán
Tích cực phát huy vai trò của Kiểm toán nhà nước (KTNN) trong lĩnh vực kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công tại các doanh nghiệp nhà nước (DNNN), thông qua hoạt động kiểm toán, KTNN đã ghi nhận những mặt tích cực, cũng như chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra các ý kiến tư vấn, khuyến nghị giúp các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước và các đơn vị thành viên ngày càng hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công.
Điểm sáng được ghi nhận trong “bức tranh” tổng thể kiểm toán Báo cáo tài chính năm 2021 và các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn nhà nước của 219 đơn vị thuộc 20 Tập đoàn, Tổng công ty và công ty là 19/20 Tập đoàn, Tổng công ty, công ty sản xuất kinh doanh có lãi. Trong đó phải kể tới lợi nhuận sau thuế năm 2021 của các Tập đoàn: Điện lực (EVN) là 15.647,10 tỷ đồng; Bưu chính Viễn thông (VNPT) 5.064,18 tỷ đồng; Than - Khoáng sản (TKV) 4.719,28 tỷ đồng và các TCT: Hàng hải Việt Nam (VIMC) 3.327,29 tỷ đồng; Thương mại Sài Gòn (Satra) 2.877,06 tỷ đồng; Sonadezi 1.507,17 tỷ đồng; Xi măng (Vicem) 1.287,87 tỷ đồng; Thuốc lá (Vinataba) 1.224,24 tỷ đồng; Cấp nước Sài Gòn (Sawaco) 1.064,68 tỷ đồng; Bưu điện (VNPost) 588,39 tỷ đồng; Lương thực miền Bắc (Vinafood1) là 294,16 tỷ đồng; Liksin 121,58 tỷ đồng... Cùng với đó, tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu tại một số đơn vị đạt tương đối cao, như VIMC đạt 28,73%; Sonadezi 16,2%; Sawaco 13,41%; Vinataba 11,43%; TKV 10,63%; Liksin 9,11%...
Tuy nhiên, khi đi vào chi tiết, kết quả kiểm toán chỉ rõ, việc quản lý sử dụng vốn, tài sản của các doanh nghiệp còn nhiều hạn chế. Phần lớn các đơn vị còn sai sót trong việc hạch toán kế toán, kê khai nghĩa vụ với ngân sách nhà nước nên qua kiểm toán phải điều chỉnh tổng tài sản/tổng nguồn vốn của các Tập đoàn, Tổng công ty, công ty tăng 2.216,31 tỷ đồng, giảm 0,036 tỷ đồng; điều chỉnh tổng doanh thu, thu nhập tăng 1.297,54 tỷ đồng; tổng chi phí tăng 41,83 tỷ đồng, giảm 1.121,61 tỷ đồng.
Đặc biệt, KTNN đã kiến nghị các Tập đoàn, Tổng công ty, công ty phải tăng thu NSNN 1.411,12 tỷ đồng, giảm thuế giá trị gia tăng được khấu trừ 8,78 tỷ đồng.
Đại diện Bộ Tài chính cho biết, Bộ đã tiếp nhận thông tin do KTNN cung cấp liên quan đến kết luận kiến nghị kiểm toán tại các Tập đoàn, Tổng công ty. Trong đó có một số đơn vị phát sinh số kiến nghị tăng thu NSNN về thuế phí, các khoản liên quan đến thuế phí, tăng thu khác và giảm trừ thuế giá trị gia tăng lớn. Ngay sau đó, Tổng cục Thuế đã ban hành các công văn phân công, đôn đốc, chỉ đạo Cục Thuế địa phương rà soát, thực hiện các nội dung kiến nghị, đồng thời phối hợp với Kho bạc Nhà nước khẩn trương, nghiêm túc thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm giải quyết dứt điểm các kiến nghị của KTNN. Với sự chỉ đạo khẩn trương, kịp thời của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế, việc thực hiện kiến nghị của KTNN tại các Tập đoàn, Tổng công ty đã đạt được kết quả tích cực.
Cùng với những bất cập nêu trên là tình trạng quản lý nợ chưa chặt chẽ, còn để phát sinh nợ phải thu quá hạn, nợ khó đòi lớn, nợ tạm ứng tồn đọng nhiều năm chưa được thu hồi… cũng diễn ra tại nhiều doanh nghiệp. Theo kết quả kiểm toán, tại VIMC nợ phải thu quá hạn lên tới 268,76 tỷ đồng, tại Công ty CP cảng Sài Gòn 164,04 tỷ đồng, tại Công ty CP Vận tải Biển Việt Nam 111,10 tỷ đồng. Nhiều doanh nghiệp khác cũng có số nợ phải thu quá hạn lên tới vài chục tỷ đồng, như Công ty CP Cảng Hải Phòng 38,36 tỷ đồng, Công ty TNHH MTV Vận tải Biển Đông 27,02 tỷ đồng, Công ty TNHH MTV Quản lý kinh doanh Nhà TP.Hồ Chí Minh 67,29 tỷ đồng, Công ty mẹ - Vinafor 86,78 tỷ đồng, Công ty mẹ - TCT Văn hóa Sài Gòn (SCPC) 42,3 tỷ đồng.
Số nợ khó đòi tại Công ty mẹ - Vinafood1 được xác định lên tới 2.537,98 tỷ đồng và tại nhiều Tập đoàn, Tổng công ty, số nợ khó đòi cũng lên tới hàng trăm tỷ đồng, như Công ty mẹ - Satra 430,71 tỷ đồng, TKV 279,15 tỷ đồng. Một số đơn vị phải trích lập dự phòng phải thu khó đòi rất lớn như VNPT phải trích lập dự phòng 509,12 tỷ đồng; EVN phải trích lập dự phòng 367,86 tỷ đồng…
Nhiều doanh nghiệp bán hàng, đặt cọc cho nhà cung cấp không có bảo lãnh, tài sản đảm bảo hoặc vượt giá trị tài sản thế chấp, bảo lãnh hoặc ký hợp đồng với khách hàng chưa chặt chẽ. Trích lập dự phòng thừa hoặc thiếu nợ phải thu khó đòi, xóa nợ không đúng quy định. Theo KTNN, còn có tình trạng vật tư tồn kho lâu ngày, chậm luân chuyển; chưa đánh giá giá trị vật tư thu hồi sau sửa chữa tài sản; chưa kiểm kê đầy đủ vật tư, hàng hóa (như Satra chưa kiểm kê mặt hàng mỡ cá, giá trị trên sổ kế toán là 580,53 tỷ đồng).
Việc trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho cũng chưa đúng quy định, có doanh nghiệp trích thừa, nhưng có doanh nghiệp lại trích thiếu hàng tỷ đồng. Một số doanh nghiệp khấu hao tài sản cố định không đúng quy định. Một số doanh nghiệp sử dụng tài sản cố định chưa hiệu quả…
Đáng chú ý, KTNN đã cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính, trong đó có 03 doanh nghiệp thuộc Vicem và 6 doanh nghiệp thuộc Vinafood1 hoặc bị đưa vào diện giám sát tài chính đặc biệt là 1 doanh nghiệp thuộc EVN theo quy định tại Nghị định số 87/2015/NĐ-CP của Chính phủ.
>>>Quy định về quản lý hoạt động kiểm toán, kế toán viên còn thiếu thuận lợi
Các Tập đoàn, Tổng công ty đang nắm giữ khoảng 63% tổng vốn chủ sở hữu của DNNN và khoảng 65% tổng tài sản của DNNN trong cả nước. Nếu nguồn lực này được phát huy sẽ mang lại những kết quả rất quan trọng cho nền kinh tế. Tuy nhiên, cùng với việc quản lý, sử dụng vốn nhà nước còn nhiều sai sót như kết quả kiểm toán đã chỉ ra thì việc cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước chưa đạt kế hoạch, yêu cầu; một số dự án lớn còn vướng mắc, chưa thể “hồi sinh”… đang cản trở bước tiến của nhiều DNNN.
Kết quả kiểm toán Báo cáo tài chính năm 2021 và các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn nhà nước của các Tập đoàn, Tổng công ty và công ty cũng cho thấy, một số công trình đã hoàn thành nhiều năm chưa được nghiệm thu, quyết toán; một số dự án dừng, giãn tiến độ, chậm tiến độ, dừng thi công còn tồn đọng chi phí dở dang lớn. Điểm danh những doanh nghiệp có hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu cao, KTNN đồng thời nêu con số Vicem Tam Điệp có hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu lên tới 8,24 lần, Công ty CP Lương thực Yên Bái 6,22 lần, Công ty CP Lương thực Cao Lạng 5,66 lần, Công ty CP Xuất nhập khẩu Lương thực - TP.Hà Nội 3,91 lần.
Cùng với đó là những doanh nghiệp được KTNN phát hiện có hoạt động cho vay chưa phù hợp quy định với số tiền rất lớn. Trong đó, Công ty CP Thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi cho Công ty mẹ - TCT Phát điện 1 vay 799,9 tỷ đồng từ năm 2014-2015; còn Công ty CP Nhiệt điện Phả Lại cho EVN vay 350 tỷ đồng từ năm 2010, nhưng đến 28/12/2021, EVN đã hoàn thành trả nợ vay. Ngoài ra, còn những doanh nghiệp chưa được góp đủ vốn điều lệ hoặc có vốn chủ sở hữu lớn hơn vốn điều lệ được phê duyệt nhưng chưa được cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định.
Vấn đề nổi cộm hơn cả được chỉ ra qua kết quả kiểm toán là một số Tập đoàn, Tổng công ty, công ty chưa thoái vốn đầu tư theo kế hoạch được duyệt, trong đó Công ty mẹ - Sonadezi chưa thoái vốn tại 03/09 công ty; Vinafood1 chưa hoàn thành giảm tỷ lệ vốn Nhà nước tại 06 công ty con và chuyển nhượng 100% vốn nhà nước tại 11 công ty con và công ty liên kết; Vinafor chưa hoàn thành thoái vốn theo tiến độ, phương án được phê duyệt tại 10/13 đơn vị. Một số doanh nghiệp chưa được phê duyệt quyết toán vốn nhà nước khi chính thức chuyển sang công ty cổ phần; hàng chục người đại diện phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp chưa báo cáo kịp thời và đầy đủ để có các giải pháp khắc phục đối với các công ty hoạt động kinh doanh thua lỗ theo quy định.
Ngoài ra, kết quả kiểm toán quyết toán giá trị phần vốn nhà nước tại thời điểm chính thức chuyển thành công ty cổ phần của TCT Lương thực miền Nam (Vinafood2) cho thấy, một số đơn vị trực thuộc thực hiện đối chiếu, xác nhận công nợ phải thu, phải trả chưa đầy đủ; Công ty mẹ chưa xác định khoản tiền phạt chậm nộp liên quan đến tiền thu về cổ phần hóa các đơn vị thành viên 17,75 tỷ đồng; chưa nộp số dư Quỹ hỗ trợ sắp xếp DN tại thời điểm 31/12/2017 và xác định lãi chậm nộp, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định lãi chậm nộp theo quy định.
Công ty mẹ - Tổng công ty xác định kết quả kinh doanh từ thời điểm xác định giá trị DN đến thời điểm chính thức chuyển thành công ty cổ phần chưa chính xác, qua kiểm toán phải điều chỉnh giảm lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp 4,72 tỷ đồng. Giá trị thực tế phần vốn nhà nước tại thời điểm chính thức chuyển sang công ty cổ phần giảm so với thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp, tuy nhiên, Công ty mẹ chưa báo cáo cơ quan đại diện chủ sở hữu để phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức kiểm tra, làm rõ nguyên nhân, xác định trách nhiệm tập thể, cá nhân và xử lý theo quy định. Kết quả kiểm toán xác định tăng giá trị thực tế vốn nhà nước tại thời điểm chính thức chuyển thành công ty cổ phần 32,6 tỷ đồng và kiến nghị tăng thu NSNN 21,92 tỷ đồng.
Theo đại diện Bộ Tài chính, nhìn chung, công tác cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại DNNN đã được đẩy mạnh nhưng vẫn chưa đạt được kế hoạch đề ra. Nguyên nhân do việc sắp xếp cơ sở nhà đất, vướng mắc về thủ tục, hồ sơ đất đai; các nhà đầu tư chưa thực sự quan tâm đến các thương vụ bán cổ phần lần đầu và thoái vốn của DNNN dẫn đến tình trạng tỷ lệ nắm giữ vốn nhà nước tại các doanh nghiệp vẫn cao. Một số cơ quan đại diện chủ sở hữu và người đứng đầu doanh nghiệp còn chưa quyết liệt; việc rà soát, lập kế hoạch sắp xếp lại doanh nghiệp chưa được các cơ quan, đơn vị quan tâm đúng mức; công tác chuẩn bị cổ phần hóa, thoái vốn chưa tốt. Việc phối hợp giữa các cơ quan đại diện chủ sở hữu với các Bộ, ngành, địa phương liên quan trong xử lý vướng mắc phê duyệt phương án sử dụng đất, xử lý tồn tại tài chính còn chưa tốt, kéo dài.
Ông Nguyễn Minh Sơn, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, để biết vì sao doanh nghiệp đầu tư thua lỗ thì phải xem xét từng nguyên nhân. Việc một số doanh nghiệp đầu tư ra ngoài bị thua lỗ thì phải xem xét đó là lỗ của một năm hay là lỗ kéo dài qua nhiều năm.
“Bản thân doanh nghiệp phải rà soát hết toàn bộ vấn đề này, từ đó lập lại các phương án kinh doanh của doanh nghiệp. Nếu chỉ lỗ 01 năm thì thông thường kinh doanh có năm lãi, có năm lỗ, song trong dài hạn có lãi thì đó là câu chuyện khác. Còn nếu như lỗ triền miên, kéo dài thì toàn bộ Ban Giám đốc, Hội đồng quản trị phải tính toán lại xem đầu tư đó có hiệu quả hay không, phải cơ cấu lại, thu gọn đầu mối đầu tư bởi điều đó chứng minh là doanh nghiệp đầu tư ở những lĩnh vực, ngành nghề sản xuất kinh doanh không hiệu quả”, ông Nguyễn Minh Sơn nhấn mạnh.
Nâng cao hiệu quả quản lý tài chính từ những khuyến nghị kiểm toán Ông Dương Mạnh Sơn - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) Đối với DNNN như PVN, KTNN thực hiện kiểm toán việc tuân thủ các quy định hiện hành của pháp luật trong việc quản lý, sử dụng vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp. Trên cơ sở kết quả kiểm toán, xác nhận tính trung thực, hợp lý của các báo cáo và thông tin tài chính và đưa ra các kết luận, đánh giá về hoạt động của doanh nghiệp đã góp phần giúp PVN kịp thời xử lý, khắc phục các tồn tại, hoàn thiện hệ thống văn bản nội bộ trong lĩnh vực tài chính theo hướng ngày càng rõ ràng, minh bạch, chặt chẽ, đảm bảo tính tuân thủ, góp phần nâng cao chất lượng quản lý, bố trí và sử dụng hợp lý nguồn lực tài chính nâng cao hiệu quả hoạt động của PVN. Đồng thời, ngăn chặn và hạn chế các phát sinh tiêu cực, lãng phí, vi phạm quy định của pháp luật trong việc quản lý và sử dụng vốn, tài sản nhà nước từ PVN đến các doanh nghiệp có vốn góp của PVN. Từ những khuyến nghị của KTNN, PVN đã và sẽ tiếp tục hoàn thiện, sửa đổi và bổ sung kịp thời hệ thống các văn bản quy định nội bộ trong lĩnh vực tài chính để triển khai và áp dụng đồng bộ từ PVN đến các doanh nghiệp có vốn góp của PVN. PVN cũng kiến nghị các cơ quan chức năng có thẩm quyền xem xét, điều chỉnh hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực tài chính theo hướng ngày càng minh bạch, rõ ràng, tránh chồng chéo dẫn tới có quan điểm, cách hiểu khác nhau trong cùng một nội dung văn bản gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc tuân thủ các quy định của pháp luật. Đồng thời tăng cường tính hiệu quả, hiệu lực trong công tác tự kiểm tra, giám sát từ PVN tới các đơn vị thành viên. Đặc biệt, PVN liên tục và không ngừng hoàn thiện, đưa ứng dụng công nghệ mới vào công tác quản lý tài chính. Xây dựng và đưa vào vận hành quy trình nghiệp vụ trên hệ thống ERP (SAP) với các phân hệ kế toán tài chính nhằm phát hiện sớm, kịp thời các vấn đề bất cập, dấu hiệu thiếu trung thực, không minh bạch, rõ ràng..., mất cân đối tài chính phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh để chủ động có biện pháp quản trị rủi ro, ứng phó và xử lý kịp thời. Phân tích sự khác biệt giữa Chuẩn mực kế toán Quốc tế (IFRS) và Chuẩn mực kế toán Việt Nam trong công tác lập và phát hành báo cáo tài chính để triển khai áp dụng IFRS. Bên cạnh đó, trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh của PVN còn một số vướng mắc về tài chính do các nguyên nhân khách quan liên quan đến các dự án của PVN, các dự án/DN nhận chuyển giao từ Vinashin, quyết toán cổ phần hóa các đơn vị... mà PVN đã báo cáo và kiến nghị tới các cơ quan chức năng có thẩm quyền xem xét, hướng dẫn xử lý. Do đó, ý kiến của KTNN với các cơ quan chức năng và/hoặc hướng dẫn doanh nghiệp sẽ rất hữu ích nhằm hỗ trợ, tư vấn giúp DN đảm bảo tính tuân thủ, minh bạch, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của DN. Kiểm toán nhà nước giúp hoàn thiện quy chế hoạt động, quản trị doanh nghiệp Ông Lê Quang Dũng - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam Là một Tập đoàn kinh tế nhà nước, TKV thường xuyên nằm trong danh sách các đơn vị được KTNN thực hiện kiểm toán hàng năm. KTNN đã phát hiện những hạn chế, bất cập trong công tác quản lý, có nhiều ý kiến tư vấn để TKV ngày càng hoàn thiện hơn về quy chế hoạt động, công tác quản trị doanh nghiệp. Đối với các khó khăn, vướng mắc liên quan đến cơ chế, chính sách, KTNN cũng đã luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, có ý kiến phản hồi kịp thời đến các cơ quan chức năng để từng bước tháo gỡ. Bên cạnh đó, qua các đợt kiểm toán, các cán bộ của TKV cũng đã có nhiều cơ hội để được làm việc trực tiếp, trao đổi chuyên môn với các kiểm toán viên, từ đó được nâng cao trình độ, chuyên môn nghiệp vụ. Có thể nói, KTNN có vai trò rất quan trọng trong nền kinh tế, góp phần nâng cao tính công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công. Đối với các kiến nghị, kết luận, ý kiến tư vấn của KTNN tại các Báo cáo kiểm toán, TKV và các đơn vị đã nghiêm túc tiếp thu, thực hiện đầy đủ các nội dung tại các kết luận Báo cáo kiểm toán; tổ chức kiểm điểm, xử lý nghiêm minh đối với các tập thể, cá nhân để xảy ra các sai sót nghiêm trọng. TKV và các đơn vị cũng cập nhật, bổ sung kiến thức kịp thời đối với các hạn chế được KTNN kiến nghị, tư vấn; không ngừng hoàn thiện, sửa đổi, bổ sung các quy định, quy chế nội bộ để tăng tính công khai, minh bạch trong hoạt động sản xuất kinh doanh, đảm bảo phù hợp theo quy định pháp luật. Ngoài ra, để nâng cao hiệu quả quản lý tài chính tại Tập đoàn và các đơn vị thành viên, trong thời gian tới, Tập đoàn sẽ triển khai các biện pháp: tăng cường công tác quản trị, tự kiểm tra trong nội bộ Tập đoàn để chủ động phát hiện các hạn chế, sai sót, phòng ngừa rủi ro; phát triển công nghệ thông tin, hướng tới ERP doanh nghiệp (trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất), đồng bộ hệ thống quản lý từ Tập đoàn tới tất cả các đơn vị thành viên. Đồng thời, Tập đoàn sẽ thường xuyên tổ chức các lớp đào tạo để cập nhật các quy định, chế độ chính sách mới của Nhà nước; bồi dưỡng, nâng cao chuyên môn nghiệp vụ cho các cán bộ, lãnh đạo các đơn vị. Đặc biệt là tăng cường trao đổi chuyên môn, tham khảo mô hình hoạt động của các doanh nghiệp tiên tiến để áp dụng tại Tập đoàn. Khuyến nghị kiểm toán giúp kịp thời nhận diện, xử lý rủi ro tài chínhÔng Hoàng Gia Khánh - Tổng Giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam KTNN là công cụ giúp minh bạch về quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công thông qua công khai kết quả kiểm toán báo cáo tài chính và việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công của các tổ chức, các cấp ngân sách và doanh nghiệp. Kết quả kiểm toán không chỉ trực tiếp ngăn chặn các hành vi sai phạm, gian lận, tham nhũng, lãng phí mà còn góp phần tạo niềm tin cho người sử dụng thông tin, đặc biệt là việc cung cấp kịp thời các kết quả kiểm toán cho lãnh đạo DN; cung cấp thông tin cho Chủ sở hữu quyết định kế hoạch tài chính, nguồn lực tài chính, tài sản và nguồn lực đầu tư cho DN. Qua đó phát huy vai trò giám sát của Chủ sở hữu đối với các đơn vị thành viên... Trên cơ sở ý kiến tư vấn, khuyến nghị của KTNN, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã có những biện pháp để nâng cao hiệu quả quản lý tài chính tại Tổng công ty và các đơn vị thành viên thông qua 03 nhóm hoạt động. Thứ nhất, Tổng công ty đã rà soát các quy chế, quy định từ cấp Tổng công ty đến các đơn vị thành viên, phát hiện các quy định trái pháp luật, mâu thuẫn, chồng chéo, hết hiệu lực hoặc không còn phù hợp với thực tiễn để kiến nghị cơ quan chức năng sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ văn bản. Từ đó khắc phục những bất cập tồn tại và tìm các giải pháp nhằm hoàn thiện cơ chế, chính sách phục vụ quản lý, điều hành của Tổng công ty… Thứ hai, tăng cường kiểm tra, giám sát về tài chính đối với các Công ty con, đơn vị phụ thuộc, không để xảy ra thất thoát vốn, tài sản nhà nước; thực hiện công khai, minh bạch, đúng pháp luật trong đầu tư, quản lý tài chính, mua sắm, phân phối thu nhập. Đồng thời hoàn thiện cơ chế kiểm soát, kiểm toán nội bộ, thực hiện nghiêm túc chế độ giám sát tài chính, đánh giá hiệu quả hoạt động và công khai thông tin tài chính. Thứ ba, nghiên cứu bổ sung các chỉ tiêu phản ánh tình hình huy động vốn như hệ số nợ; các chỉ tiêu phản ánh khả năng thanh toán như hệ số khả năng thanh toán nợ ngắn hạn, hệ số khả năng thanh toán ngay; các chỉ tiêu phản ánh hiệu suất sử dụng vốn như hiệu suất sử dụng vốn kinh doanh, vòng quay vốn lưu động; các chỉ tiêu phản ánh khả năng sinh lời như khả năng sinh lời hoạt động, khả năng sinh lời tài sản, khả năng sinh lời vốn chủ. Từ đó giúp nhận diện rủi ro tài chính của Tổng công ty và các đơn vị thành viên để có biện pháp điều hành, xử lý kịp thời. |